Tây Nguyên: Tăng cường khắc phục hậu quả sau bão số 9

Cơn bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại nặng nề ở một số tỉnh ở Tây Nguyên. Hiện tại chính quyền các địa phương đang bắt tay vào khắc phục những hậu quả sau bão.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 29/10, toàn tỉnh đã có một người chết do bị tường đổ đè trúng trong khi trú mưa. Có 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 357 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó huyện Kbang có 357 căn), 60 hộ dân bị ngập nước.

Cùng với đó là nhiều công trình văn hóa, y tế, điểm trường cũng bị tốc mái và nhiều hạng mục trong trường bị hư hỏng.

Cây cối gãy đổ ngổn ngang tại TP Pleiku (Gia Lai).

Cây cối gãy đổ ngổn ngang tại TP Pleiku (Gia Lai).

Bão số 9 còn làm hơn 1000 ha hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (trong đó 646 ha lúa, 350 ha mía, cùng nhiều loại hoa màu khác).

Ngoài ra trên đèo Kon Pne (huyện Kbang) xuất hiện nhiều điểm điểm sạt lở nghiêm trọng. Có 20 trụ điện bị đổ sập trên toàn địa bàn tỉnh.

Sau khi bão đi qua, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả mà bão gây ra, thống kê con số cụ thể những thiệt hại. Đồng thời, tiếp theo dõi tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có phương án ứng phó kịp thời. Tiếp tục tổ chức tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để hạn chế việc qua lại và kịp thời sơ tán người dân rời những nơi nguy hiểm nhằm tránh được những thiệt hại không đáng có.

Tại tỉnh Kon Tum, bão số 9 làm hơn 30 căn nhà bị tốc mái, hàng trăm điểm sạt lở ở các tuyến đường. Đang chú ý, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại QL24 đoạn qua đèo Măng Đen, QL40B, QL14C, Đông Trường Sơn... Hiện tại lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương khắc phục

Đặc biệt, tại QL 14 đoạn qua đèo Lò Xo ( Kon Tum - Quảng Nam) đã bị sạt lở gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Ngày 29/10, ông Nguyễn Danh Tiến (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4) xác nhận, sau khi nắm được thông tin về các điểm sạt lở, đơn vị đã huy động lực lượng cũng như máy móc để khẩn trương khắc phục 17 điểm sạt lở trên đèo Lò Xo nhằm sớm thông tuyến đường.

Lực lượng chức năng đang khắc phục các điểm sạt lở. Ảnh: P.H..

Lực lượng chức năng đang khắc phục các điểm sạt lở. Ảnh: P.H..

Về cầu sắt bị cuốn trôi ở Đắk Pne (huyện Kon Rẫy) khiến hơn 400 hộ dân bị cô lập thì hiện tại cơ bản đã nối lại giao thông tới các điểm hộ dân cô lập bằng 1 tuyến đường phụ.

Tại xã Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy) hơn 150 hộ cũng đã nối lại giao thông bằng 2 tuyến đường phụ.

Đồng thời, UBND huyện Kon Rẫy đang lên kế hoạch để khắc phục lại giao thông mà sự cố mưa lũ gây làm 2 cây cầu bị sập.

Tại xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei), ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền địa phương đang cố gắng khắc phục giao thông do một mố cầu Đak Giang trên đường Hồ Chí Minh bị sụt lún và đã đặt bảng nguy hiểm cảnh báo người dân qua lại. Đồng thời, vào tối ngày 28/10 tại xã Đăk Pek lực lượng chức năng cũng đã đưa gần 200 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Tại tỉnh Đắk Lắk, bão số 9 cũng đã làm cho 1 người chết. Theo đó, do gió lớn đã thổi bay mái tôn của một nhà dân ra ngoài đường trúng anh Y Bê Niê (40 tuổi, trú tại buôn Chóa, xã Krông Jing, huyện M’Drắk) đang đi trên đường khiến anh tử vong.

Ngoài ra tại tỉnh Đắk Lắk cũng có hơn 1.000 ha hoa màu của người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 9 gây ra.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tay-nguyen-tang-cuong-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-so-9-522046.html