Tây Ninh cơ bản ổn định về dạy học trực tiếp

Ngày 17.2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với UBND tỉnh về hoạt động dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid- 19. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Y tế, đại diện chính quyền các huyện, thị, thành phố.

Theo thống kê của ngành Giáo dục, có 382 người trong ngành đang là F0, trong đó, có 90 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 292 học sinh (THPT 57, THCS 131, tiểu học, mầm non 104). Các trường hợp F0 nêu trên đều được theo dõi, cách ly tại nhà.

Học sinh một trường mầm non. Ảnh: Vũ Nguyệt

Học sinh một trường mầm non. Ảnh: Vũ Nguyệt

Hàng ngàn học sinh chưa tới trường

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hướng dẫn đơn vị, trường học rà soát, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để học sinh trở lại trường học trực tiếp, trên tinh thần bảo đảm an toàn, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra việc tổ chức học trực tiếp, chỉ đạo ngành GD&ĐT kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp tại một số trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Kết quả, việc dạy học trực tiếp, trực tuyến và phòng, chống dịch được các trường thực hiện theo đúng hướng dẫn.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo cơ sở giáo dục rà soát, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp bảo đảm an toàn; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục. Đối với các trường hợp học sinh bị F0 được các đơn vị, trường học lên phương án xử trí chặt chẽ, các trường học thực hiện tốt quy trình theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT về bảo đảm an toàn dịch bệnh trong nhà trường.

Toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đến lớp học trực tiếp từ ngày 14.2. Các trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Trảng Bàng sẽ tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 21.2.

Kết quả tổ chức cho học sinh học trực tiếp đến ngày 15.2, đối với giáo dục mầm non, học sinh mẫu giáo 5 tuổi đi học đang tăng dần theo từng ngày nhưng vẫn còn trên 4.727 em chưa đến trường.

Có nhiều lý do số học sinh trên chưa đến trường, trong đó, có phụ huynh chờ nhà trường tổ chức lại bán trú mới cho trẻ đi học vì việc đưa rước trẻ gặp khó khăn về thời gian; có trẻ bị bệnh thông thường không đến lớp; phụ huynh chưa yên tâm, lo sợ trẻ bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo kế hoạch, từ ngày 21.2, nhà trường sẽ cho trẻ em các độ tuổi còn lại ra lớp và tổ chức bán trú cho các trường có đủ điều kiện từ ngày 28.2.

Cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 91,9%, số học sinh vắng là 2.475 em, chiếm tỷ lệ 2,87% (giảm 1.904 em so với ngày 14.2). Đối với giáo dục trung học, số học sinh THCS đi học trực tiếp đạt trên 95,5% số học sinh vắng hơn 2.260 em, tỷ lệ 3,4%. Tổng số học sinh THPT đi học trực tiếp đạt 96,8%, số học sinh học trực tuyến chỉ còn 5 em.

Đánh giá khái quát, lãnh đạo Sở GD&ĐT nhìn nhận, các đơn vị, trường học đã thực hiện tốt hướng dẫn của tỉnh về việc bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục tổ chức tốt công tác dạy học trực tiếp, bảo đảm dạy học cho học sinh không thể tham gia học trực tiếp do ở vùng đang có dịch, đang bị cách ly…

Ngành áp dụng phương án giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa tổ chức trực tuyến cho những học sinh không học trực tiếp. Công tác giảng dạy của các trường tổ chức và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành, đáp ứng theo yêu cầu chuyên môn.

Tuy nhiên, học sinh đi học trực tiếp chưa đầy đủ, một số em vẫn học trực tuyến hoặc không đến trường. Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc phân công giảng dạy vừa trực tiếp và trực tuyến; khó xếp thời khóa biểu, thời gian biểu học trong ngày cho học sinh toàn trường.

Còn nhiều phụ huynh chưa yên tâm, chưa đồng ý cho con em đến trường học trực tiếp. Có phụ huynh không muốn cho con đến trường, gây áp lực để nhà trường tiếp tục dạy trực tuyến. Đối với học sinh không tham gia học trực tuyến từ đầu năm đến nay, khi vào học trực tiếp, nhà trường phải tổ chức tăng tiết, phụ đạo riêng để các em nắm vững kiến thức và theo kịp chương trình học.

Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác truyền thông; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình học sinh và ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị các điều kiện đáp ứng cho học sinh trở lại trường. Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khi đã có cam kết đồng ý của phụ huynh học sinh cho con em trở lại trường và học sinh đã được tiêm vaccine. Học sinh không được phụ huynh cam kết học trực tiếp hoặc chưa được tiêm vaccine được nhà trường tiếp tục tổ chức cho học trực tuyến.

Không tạo áp lực về chuyên môn

Phát biểu tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác nhận xét, Tây Ninh chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch Covid- 19 khi học sinh trở lại trường. “Tỷ lệ học sinh đến trường cao, điều này đáng mừng”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc nhà trường dùng nước ngầm (giếng khoan) cho học sinh là không nên, do nguồn nước này có hàm lượng kim loại nặng cao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra hoạt động dạy học tại Trường mầm non Rạng Đông.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra hoạt động dạy học tại Trường mầm non Rạng Đông.

Liên quan đội ngũ giáo viên, thành viên đoàn công tác đề nghị tuyển dụng đủ giáo viên, vì có học sinh phải có giáo viên. “Cần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh bớt sợ hãi bởi dịch bệnh, có như thế tỷ lệ học sinh đến trường mới tiếp tục tăng lên”- ý kiến nêu. Đối với phương án dạy học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, thành viên đoàn đề nghị Tây Ninh cần chuẩn bị chu đáo trong trường hợp lớp học xuất hiện F0.

Theo ý kiến của chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non, Tây Ninh chuẩn bị chu đáo, có kịch bản cho các tình huống xấu, tức xuất hiện F0 trong nhà trường, tuy nhiên, do bậc học này chưa tổ chức bán trú nên tỷ lệ học sinh đến trường chưa thật sự cao. Cần sớm tổ chức lớp bán trú trong trường mầm non nhưng phải bảo đảm an toàn.

Việc tuyển dụng giáo viên mầm non, lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non đề nghị Tây Ninh tìm giải pháp tuyển đủ số lượng giáo viên cho bậc học này. Đại diện Vụ Giáo dục tiểu học nhìn nhận, 93% học sinh cấp học này đến lớp học trực tiếp là một tỷ lệ cao, nhưng không nên nôn nóng yêu cầu chuyên môn đối với học sinh tiểu học, thời gian kết thúc năm học cũng cần linh hoạt, đồng thời quan tâm đúng mức đối với những học sinh chưa học trực tuyến trong thời gian không thể tới trường.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là lựa chọn đúng vào lúc này. Việc xử lý tình huống F0 xuất hiện trong nhà trường tùy theo tình hình cụ thể ở địa phương, không thể có một quy định cụ thể áp dụng chung cho cả nước.

Băn khoăn nhất hiện nay, theo ông Võ Đức Trong, là học sinh trong độ tuổi từ 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine. Liên quan việc thiếu giáo viên, Phó Chủ tịch Võ Đức Trong cho biết, Tây Ninh đang xây dựng chính sách để thu hút giáo viên cho bậc học này.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận, cơ bản Tây Ninh đã ổn định tình hình học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến trường cao. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành Giáo dục Tây Ninh tiếp tục rà soát điều kiện cơ sở vật chất trường học, bảo đảm các hoạt động giáo dục, đồng thời chú ý đúng mức đến công tác chuyên môn, không tạo áp lực cho học sinh, đặc biệt lớp 1. Việc phối hợp giữa ngành Y tế với Giáo dục cũng cần được thực hiện tốt hơn, phải lường trước những tình huống có thể xảy ra.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tay-ninh-co-ban-on-dinh-ve-day-hoc-truc-tiep-a142160.html