TÂY NINH: RÀ SOÁT, KHÔNG QUY HOẠCH MANH MÚN CÁC ĐIỂM TRƯỜNG HỌC
Ngày 22/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Đoàn giám sát do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái làm Trưởng đoàn.
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Phan Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, giai đoạn 2018 - 2023, Sở có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa dịch vụ công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, Sở sắp xếp, tổ chức lại 10/34 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, giảm 5 đơn vị, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đạt tỷ lệ 14,7%.
Ông Phan Minh Tùng cho biết, việc sáp nhập 5 trường Trung học Phổ thông có quy mô học sinh nhỏ vào 5 trường có quy mô học sinh lớn đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; việc sáp nhập cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục được sắp xếp, tổ chức lại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh.
Sở cũng đã thực hiện rà soát, thuyên chuyển đối với cán bộ quản lý, nhân viên dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, Sở giao quyền tự chủ cho 29/29 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Trong đó, có 1 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên; 16 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ động khai thác các nguồn thu, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Về xã hội hóa dịch vụ công, Sở đã tạo điều kiện, thu hút đầu tư thành lập các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh: Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông IGC Tây Ninh, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Song song đó, Sở cũng tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời ban hành quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định hiện hành.
Nhìn chung, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Việc thực hiện các cơ chế khuyến khích xã hội hóa đã thúc đẩy hoạt động liên doanh, liên kết, phát triển các hoạt động dịch vụ và đạt được kết quả bước đầu, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện thuận lợi xã hội hóa.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phan Minh Tùng, từ năm 2018 đến nay, hệ thống văn bản pháp luật của trung ương và địa phương đã ban hành kịp thời, đầy đủ nội dung, khả thi hơn trong thực tiễn. Tuy nhiên, tính ổn định, thống nhất và đồng bộ của hệ thống văn bản này chưa được đảm bảo. Nghị định, Thông tư liên tục được sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho việc rà soát, thực hiện. Đặc biệt, các quy định về cơ chế tài chính thu, chi thường không đồng bộ với các quy định về tổ chức các hoạt động thi tuyển, xét tuyển, nâng ngạch, thăng hạng, dẫn đến địa phương gặp lúng túng trong khâu quyết toán kinh phí thực hiện…
Các thành viên Đoàn Giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn trong công tác tự chủ sau khi sáp nhập của các đơn vị trường. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh cho rằng, qua khảo sát và lắng nghe kiến nghị tại điểm Trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ vừa qua cho thấy việc sáp nhập đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cụ thể, trường sáp nhập vẫn là điểm phụ của trường mới vì trường không thể mở rộng được.
Trước những vấn đề đại biểu đặt ra, Sở Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và có kiến nghị đến Đoàn Giám sát. Trong đó, Sở kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sự nghiệp công lập phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ công. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Sở kiến nghị có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện đổi mới đơn vị.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái cho biết, qua khảo sát tại các trường và kết quả của buổi giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của ngành giáo dục giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức.
Ông Phạm Hùng Thái cho rằng, sau khi sắp xếp, tổ chức đối với 5 trường Trung học Phổ thông cho thấy chất lượng học sinh được nâng lên. Đây là một kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, việc sáp nhập hiện chỉ mới giảm được về cơ học mà chưa đảm bảo được tính đồng bộ, hợp lý, đáp ứng yêu cầu giảm tổ chức bộ máy, tinh gọn hiệu quả.
Do đó, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát quy hoạch lại các điểm trường, có những tính toán chiến lược lâu dài, hiện đại, văn minh cho phù hợp thực tiễn, không để xảy ra tình trạng manh mún.
Ông Phạm Hùng Thái cũng đề nghị ngành giáo dục có giải pháp đổi mới trong phương thức quản lý; tăng cường thu hút đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; sớm có giải pháp để các trường sáp nhập được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo đầu ra chất lượng cao; rà soát lại nhu cầu đào tạo giáo viên, đảm bảo số lượng theo tiêu chuẩn.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84814