Tay to sẵn sàng, 'tiền rẻ' chuẩn bị chảy mạnh vào nhà đất dịp cuối năm?

Lãi suất tiền gửi đang rẻ nhất trong nhiều năm, kích thích nhà đầu tư rút vốn khỏi nhà băng. Nhà đất là một trong những lựa chọn hàng đầu, song theo chuyên gia, để dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực này, có thể vẫn cần thêm thời gian.

Lãi suất quá rẻ, không ít nhà giàu đang tìm cách chuyển hướng dòng tiền trong những tháng cuối năm 2023. Anh Trần Đình (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay đến đầu tháng 12/2023, sổ tiết kiệm 2,3 tỷ đồng đến kỳ đáo hạn, lãi suất còn 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, nên anh đang tìm cơ hội từ nhà đất.

“Cá mập” đã sẵn sàng

Anh Đình kỳ vọng với nhiều giải pháp được triển khai trong thời gian qua, cộng với vốn vay cho bất động sản cũng giảm nên khả năng thị trường này sẽ sớm hồi phục. "Gần tháng nay tôi đang đi săn đất ngộp, với khoảng 3 tỷ đồng thì nhiều vô số kể, nếu có sản phẩm tốt tôi sẽ xuống tiền", anh Đình nói.

Săn bất động sản giá rẻ cũng là tâm lý của không ít người ở thời điểm vốn rẻ hiện nay. Cuối tháng 9/2023, anh Vũ Ngọc Lâm xuống tiền mua một lô đất ở Yên Phong (Bắc Ninh), gần khu công nghiệp, giá 2,1 tỷ đồng. Mảnh đất này có giá mua vào 2,6 tỷ đồng vào năm 2021.

Anh Lâm cho hay toàn bộ số tiền đầu tư vào mảnh đất trên được anh rút từ nhà băng, chấp nhận mất khoản lãi kỳ hạn 3 tháng. Đáng chú ý, theo anh Lâm, trước đó, vào đầu tháng 9, khi khoản tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng đáo hạn, anh đã chia khoản này thành 3 phần rồi gửi lại ngân hàng kỳ hạn 3 tháng.

Nhà đầu tư đã sẵn sàng, nhưng dòng tiền dự báo khó chảy mạnh vào nhà đất trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư đã sẵn sàng, nhưng dòng tiền dự báo khó chảy mạnh vào nhà đất trong ngắn hạn.

“3 phần có giá trị lần lượt là 1,5 tỷ, 2 tỷ và 2,5 tỷ đồng. Sở dĩ tôi chọn kỳ hạn 3 tháng là để sẵn sàng rút ra ngay khi có lô đất nào “ngon”. Giá trị các phần cũng đã được tính toán kỹ, ưu tiên của tôi là các sản phẩm có vị trí đẹp, tầm giá 1,3 - 2,5 tỷ đồng, chưa bị thổi quá cao”, anh Lâm chia sẻ.

Không chỉ những tay to sẵn dòng tiền, nhiều nhà đầu tư cũng đang sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức trên dưới 6%/năm và thời gian ưu đãi kéo dài hơn.

Như trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Dũng (Hà Nội), một nhà đầu tư có gần 15 năm kinh nghiệm, tiết lộ anh đang tìm hiểu gói vay 1 tỷ đồng dành cho hộ kinh doanh của một ngân hàng thương mại, lãi suất cố định 9% trong 2 năm đầu, có thể tất toán ngay mà không bị phạt hay chịu phí.

Nếu thuận lợi, anh Dũng dự kiến sẽ góp thêm vốn tự có để anh "xuống tiền" mua một lô đất nền tại Duy Tiên (Hà Nam), diện tích xấp xỉ 0,7 ha (có 120m2 đất thổ cư), trị giá 1,1 tỷ đồng. Mảnh đất này có giá mua vào 1,6 tỷ đồng, trước đó được rao bán 2 tỷ đồng, nhưng do chủ đất bị “ngộp” nên bán.

“Đây rõ ràng là một cuộc chơi mạo hiểm, nhưng theo tính toán của tôi, thị trường đất nền đang vực dậy từ đáy, trong 1 - 2 năm tới chắc chắn giá sẽ lên, thanh khoản cũng sẽ tốt hơn. Trong 2 năm, tôi sẽ chịu khoản lãi ngân hàng khoảng 180 triệu đồng (đã tính gói bảo hiểm), vậy lô đất chỉ cần về lại mức giá gốc 1,5 tỷ đồng là tôi đã có lãi 200 triệu đồng”, anh Dũng phân tích.

Có bứt tốc vào cuối năm?

Cần nhắc lại, thời kỳ “tiền rẻ” kéo dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 chính là thời gian thị trường bất động sản nổi sóng, giá nhà đất nhảy múa. Vì vậy, thời gian tới, khi lãi suất nhà băng rẻ chạm đáy, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng “bổn cũ soạn lại”, dòng tiền chảy vào địa ốc sẽ bùng nổ.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kỳ vọng trên là khó, bởi thời kỳ “tiền rẻ” cho bất động sản đã qua. Đầu tiên, các ưu đãi lãi suất thấp hiện chỉ kéo dài 3-6 tháng, dài nhất cũng chỉ 12 tháng. Đây là những con số chưa đủ sức hấp dẫn để nhà đầu tư vay tiền mua nhà đất chờ tăng giá.

Thứ hai là tâm lý chờ vẫn nặng nề, cả nhà đầu tư cá nhân và khách hàng mua nhà vẫn chưa thực sự sẵn sàng dòng tiền hay vay tín dụng để mua bất động sản, trừ khi có sản phẩm thật sự tốt.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Vũ Đình Lộc (Hà Nội), cho hay trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, rất nhiều “tay to” vẫn chấp nhận gửi ngân hàng kỳ hạn 3-6 tháng để chờ thị trường chạm đáy, sẵn sàng xuống tiền khi có sản phẩm giá tốt. Tiền không thiếu, chủ yếu giá phải “mềm”.

Trong khi đó, ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng người dân hiện vẫn chưa mạnh dạn đổ tiền đầu tư nên dù lãi suất tiết kiệm tiền gửi NH xuống dưới 6%/năm, họ vẫn chọn gửi tiền vào đây. Thế nên dòng tiền nhàn rỗi trú ẩn ở kênh tiết kiệm có lẽ đứng đầu bảng

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng.

Để tháo gỡ tâm lý chờ của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, theo ông Đính, điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường.

Có thể thấy, những thông tin về lãi suất nhà băng đang giảm mạnh phần nào đó thổi thêm hơi ấm vào thị trường bất động sản, giúp tâm lý của nhà đầu tư gỡ được nhiều gánh nặng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kỳ vọng dòng tiền rẻ chảy mạnh vào nhà đất hiện tại là... "nhiệm vụ bất khả thi".

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/tay-to-san-sang-apos-tien-re-apos-chuan-bi-chay-manh-vao-nha-dat-dip-cuoi-nam-1096905.html