TCT Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí 'chơi bạo' với mảng kinh doanh hóa chất
Việc mở rộng kinh doanh sang hóa chất từ năm 2020 là một trong những nước cờ táo bạo của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí - CTCP (mã PVC, sàn HoSE) và nhà đầu tư sẽ có nhiều lý do để theo dõi 'nhịp thở' cổ phiếu PVC trong giai đoạn tới.
Bước ngoặt lớn
Khi mở rộng sang kinh doanh hóa chất, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí đổi tên viết tắt từ DMC thành PVChem cho phù hợp với phạm vi kinh doanh mới. Sự thay đổi này có thể coi là bước ngoặt lớn của Tổng công ty.
DMC ra đời từ năm 1990 và là đơn vị hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước các hóa chất và dịch vụ kỹ thuật: dung dịch khoan, xử lý giếng khoan, cung cấp các loại hóa chất phục vụ tìm kiếm, thăm dò, vận chuyển, chế biến và phân phối dầu khí...
Lãnh đạo PVChem cho biết, Tổng công ty đã có những đánh giá kỹ lưỡng các mảng kinh doanh và nhận thấy mảng hóa chất có tiềm năng lớn, biên lợi nhuận cao. Tổng công ty đã có rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu trước khi hoạch định chiến lược kinh doanh từ năm 2020 về sau. Hơn nữa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa có đơn vị thành viên nào phát triển mạnh về mảng hóa chất, nên mong muốn chuyển hướng kinh doanh, thay đổi diện mạo.
Quyết định thay đổi trên được đưa ra trong một thời điểm khá then chốt trước thềm năm 2020. Hiện nay, Tổng công ty đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2019, nhưng các con số kinh doanh 3 quý cho thấy, đà suy thoái mà doanh nghiệp này phải gồng gánh trong năm 2018 đã tạm được đẩy lùi.
Cụ thể, doanh thu 3 quý đầu năm 2019 của Tổng công ty đạt 1.605 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 1.690,8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế đã là dương 31,4 tỷ đồng, đảo chiều so với kết quả âm 14,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Về định hướng chiến lược giai đoạn tới, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 tổ chức vào ngày 26/12/2019, PVChem xác định, DMC hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp dịch vụ hóa kỹ thuật, nhà sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hóa chất, hóa dầu hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín trong khu vực; Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân từ 10-15% cho giai đoạn từ 2016-2025 và bình quân 15-20% cho giai đoạn 2026-2035. DMC tiếp tục duy trì phát triển dịch vụ trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, đẩy mạnh mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực chế biến dầu khí, khôi phục và phát triển lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ.
Lĩnh vực kinh doanh, DMC sẽ tập trung mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng cung cấp các loại hóa chất, hóa phẩm phục vụ hoạt động khoan, thăm dò, khai thác dầu khí, các sản phẩm lọc hóa dầu và một số hóa chất cho các ngành công nghiệp khác.
Vẫn còn những “điểm gợn”
Lợi nhuận tuy đã có được sự tích lũy, nhưng một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp vẫn còn để lại những điểm gợn cho nhà đầu tư, nhất là khi chuyển dịch lĩnh vực kinh doanh, việc kiểm soát các con số tài chính có thể phức tạp hơn trước trong giai đoạn chuyển đổi.
Tổng công ty hiện có vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 887,6 tỷ đồng. Số nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 9/2019 là 816,3 tỷ đồng, thấp hơn so với vốn chủ sở hữu và điều này cũng thể hiện cơ cấu nợ/vốn đang ở mức an toàn. Tuy nhiên, cơ cấu nợ của Tổng công ty lại không được cân đối, bởi dù tổng nợ không quá lớn, nhưng phần lớn nợ là nợ ngắn hạn, với con số là 801,6 tỷ đồng, chiếm hơn 98% so với tổng nợ.
Thông thường, những nguồn tiền chính để doanh nghiệp thanh toán các khoản nợ, ngoài tiền (và tương đương tiền) và đầu tư tài chính ngắn hạn, thì còn có một số tài sản ngắn hạn khác như các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho…
Tổng giá trị hàng tồn kho tuy biến động nhiều trong thời gian qua, nhưng dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang có tỷ lệ khá cao. Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, DMC có giá trị hàng tồn kho phải trích lập dự phòng lên tới gần 71 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tới 23% so với tổng giá trị hàng tồn kho.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng trong tình trạng phải trích lập khó đòi cao. Tổng giá trị phải thu có giảm, nhưng giá trị phải thu khó đòi lại tăng từ 66,8 tỷ đồng hồi đầu năm 2019 lên mức 73,5 tỷ đồng. Tỷ trọng phải thu khó đòi trên tổng các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 6,5% hồi đầu năm lên mức hơn 10% vào cuối quý III/2019.