Techcombank chuẩn bị phát hành hơn 21 triệu cổ phiếu ESOP
Techcombank dự kiến chào bán hơn 21 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cp, bằng khoảng 1/3 thị giá hiện tại. Đợt phát hành nhằm tăng vốn điều lệ và bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.

Ngân hàng dự kiến chào bán hơn 21 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ 10.000 đồng/cp, trong khi thị giá TCB hiện quanh mức 29.500 đồng. Ảnh minh họa
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) ngày 19/5 đã thông qua nghị quyết của HĐQT về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 thông qua chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP), theo nội dung đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt trước đó.
Theo kế hoạch, Techcombank sẽ phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu ESOP, trong đó gần 6,6 triệu cổ phiếu dành cho người lao động nước ngoài và hơn 14,8 triệu cổ phiếu cho nhân sự trong nước. Tỷ lệ phát hành tương đương 0,30275% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, với giá bán 10.000 đồng/cp - thấp hơn gần 195% so với giá thị trường hiện tại (29.500 đồng/cp, tính đến cuối phiên 19/5).
Tổng giá trị phát hành đạt gần 214 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của ngân hàng từ 70.649 tỷ lên 70.862 tỷ đồng. Số cổ phiếu ESOP mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày phát hành. Số tiền thu được sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động, đồng thời giúp ngân hàng duy trì hệ số an toàn vốn ở mức cao và mở rộng nguồn vốn trung dài hạn cho hoạt động tín dụng.
Thời gian phát hành dự kiến trong quý 3 hoặc quý 4/2025, sau khi Techcombank hoàn tất thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc phát hành ESOP đã trở thành thông lệ hằng năm tại Techcombank. Trước đó, cuối năm 2024, ngân hàng cũng phát hành gần 20 triệu cổ phiếu ESOP, trong khi năm 2023 và 2022 lần lượt là 5,3 triệu và 6,3 triệu cổ phiếu. Giai đoạn 2018 - 2021, ngân hàng cũng đều đặn thực hiện chương trình nhằm giữ chân và khích lệ người lao động gắn bó dài hạn.
Về tình hình kinh doanh tại Techcombank, trong quý 1/2025, Techcombank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 11.611 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước – chủ yếu do mức nền cao trong quý I/2024. Dù vậy, thu nhập lãi thuần (NII) vẫn giữ được sự ổn định với 8.305 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2,3%. Biên lãi thuần (NIM) tính theo 12 tháng duy trì ở mức 4,0%, trong khi chi phí vốn vẫn được kiểm soát hiệu quả ở mức 3,4%. Kết quả là lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 7.236 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm.
Tính đến hết ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt xấp xỉ 990.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng đạt 3,84% so với đầu năm, nâng tổng dư nợ lên 665.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay cá nhân tăng mạnh 26,6%. Dư nợ khối doanh nghiệp cũng tăng 13%, chủ yếu nhờ dòng vốn đổ vào các lĩnh vực như tiện ích – viễn thông, bất động sản, logistics và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).