Teen ơi, đừng bỡ ngỡ: Những điều kỳ thú mở ra cùng sách giáo khoa mới

Năm học 2024 - 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi toàn bộ 12 lớp của bậc Phổ thông tại Việt Nam áp dụng chương trình mới với ba bộ sách giáo khoa trọng điểm. Dù có nhiều bỡ ngỡ nhưng teen Việt không hề đơn độc trên hành trình đổi thay này đâu nhé!

Bỡ ngỡ với nhiều lựa chọn sách giáo khoa

Với chính sách hiện nay của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các trường được lựa chọn trong 3 bộ sách giáo khoa (SGK): Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, phần lớn đều đã được số hóa và mở rộng quyền truy cập.

Bộ sách giáo khoa Cánh diều.

Bộ sách giáo khoa Cánh diều.

Tuy nhiên, việc các trường tự chọn sách lại khiến chương trình và phương pháp dạy - học giữa các trường thiếu tính đồng nhất. Bạn Nhựt Khánh (lớp 12 Anh 2, trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Trường mình tích hợp môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (HĐTNHN) vào các buổi sinh hoạt chung toàn trường với hình thức mở, không dùng đến SGK bộ môn”.

Trong khi đó, tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), tiết sinh hoạt chủ nhiệm được “nhập” cùng tiết HĐTNHN, thầy cô giáo viên chủ nhiệm sẽ tự thiết kế tiết học này và thường bám sát hướng dẫn của SGK để giảng dạy.

Nhựt Khánh (đội nón xanh). Ảnh: NVCC

Nhựt Khánh (đội nón xanh). Ảnh: NVCC

Thực trạng này đã vô tình kích hoạt tranh luận từ cộng đồng mạng với lo ngại khó tặng sách phù hợp với nhu cầu của các trường chịu ảnh hưởng thiên tai sau trận bão lũ vừa rồi.

Với nhiều năm tiếp bước các em vùng xa ở Đắk Lắk đến trường, cô giáo Ngọc Thắng chia sẻ: “Khi làm thiện nguyện, khó khăn nhất của việc thu gom SGK tặng về các nơi là dễ xảy ra tình trạng dư, thiếu sách do mỗi trường lại lựa chọn sách khác nhau”. Cô cũng cho biết các nhóm thiện nguyện rất cần sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng từ các sở, phòng giáo dục vì đó là đầu mối nắm rõ tình hình sử dụng SGK nhất.

Cô Ngọc Thắng. Ảnh: NVCC

Cô Ngọc Thắng. Ảnh: NVCC

Teen Việt không lẻ loi với “menu” SGK đa dạng

Tuy còn khá mới mẻ với giáo dục Việt Nam, việc các địa phương và trường học có thể tự chọn từ các bộ sách chính phủ phê duyệt hoặc theo chuẩn quốc tế lại hết sức phổ biến trên toàn thế giới.

Bạn Bùi Hồng Phương Linh (trường THPT chuyên Toán và Khoa học ĐHQG Singapore - NUSH) cho biết, trường bạn rất linh hoạt trong việc sử dụng SGK, không chỉ áp dụng giáo trình GCE O-Level mà còn sử dụng tài liệu lưu hành nội bộ được thiết kế riêng. Không chỉ ở Singapore, việc cá nhân hóa dạy và học rất được các nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc đề cao. Nhật Bản cũng chỉ yêu cầu các trường sử dụng SGK đã được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) kiểm tra, đánh giá chứ không đặt ra quy định về bộ sách chung toàn quốc.

Phương Linh (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Phương Linh (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC

Chia sẻ về cách nền giáo dục uy tín bậc nhất thế giới dùng sách, bạn Nguyễn Quỳnh Linh - du học sinh Phần Lan cho biết: “Mỗi trường có một bộ SGK khác nhau, không phải từ cùng một nhà xuất bản của chính phủ nhưng vẫn đảm bảo sự đồng đều về trình độ học tập”.

Quỳnh Linh. Ảnh: NVCC

Quỳnh Linh. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, học sinh Phần Lan được yêu cầu giữ gìn sách cẩn thận qua từng năm học với chính sách tái sử dụng SGK và sử dụng phiên bản số hóa để dễ dàng ghi chép, góp phần “thắt hầu bao” cho nền giáo dục miễn phí.

“Trọng tâm của giáo dục Phần Lan là thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy phản biện nên thay vì tuân thủ nghiêm ngặt các tài liệu chuẩn hóa, linh hoạt chọn sách và tạo cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau là điều chính phủ Phần Lan hướng tới”, Linh chia sẻ.

Sách giáo khoa Phần Lan.

Sách giáo khoa Phần Lan.

Tại các trường THPT ở Hà Lan, Ý, Thụy Sĩ, Thụy Điển, New Zealand, giáo viên là người quyết định SGK, đề cao tính linh hoạt trong việc chọn học liệu sát với thực tế khả năng học sinh nhất. Với Mỹ, Anh thì SGK không phải là học liệu bắt buộc và chỉ mang tính tham khảo. Thậm chí tại Úc, SGK gần như… không tồn tại. Các trường học không dùng SGK mà in ấn các tài liệu dạy - học dựa trên khung chương trình do cơ quan giáo dục bang đưa ra, tập trung sáng tạo giáo án và số hóa bài học.

Sách giáo khoa Phần Lan.

Sách giáo khoa Phần Lan.

Theo báo The Sydney Morning Herald, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Úc Mark O’Neil cho rằng “xứ sở Kangaroo” đang đi đầu trong việc sử dụng học liệu và ngân hàng câu hỏi trực tuyến với chương-trình-không-sách này.

Chuyển mình để thích nghi: Viết kết happy ending cho “người bạn” sách mới

ThS Vũ Thị Thanh Tâm - tác giả sách, từng là giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định: “Từ khi có nhiều bộ sách, việc dùng lại SGK cũ đúng là khó khăn hơn nhưng việc có nhiều bộ SGK là một bước tiến cần thiết”.

Cô Thanh Tâm. Ảnh: NVCC

Cô Thanh Tâm. Ảnh: NVCC

Cô Tâm kể lại chuyện cô từng “tá hỏa” khi gửi sai sách cho các trường huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vì ở đó không dùng sách Chân trời sáng tạo lẫn các sách VNEN (Sách Hướng dẫn học theo mô hình trường học mới - lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm được triển khai từ 2012) mà cô đã phân loại.

Nhưng rồi, các cô đã cùng gom “cá” mua sách Kết nối cho các em Đam Rông, “giải quyết” lô sách Chân trời bằng cách gửi đến nơi học sinh không mua được SGK do giãn cách xã hội, đồng thời “lùng” được trường Phi Liêng dùng sách VNEN để gửi tặng.

“Luôn có giải pháp để dùng lại SGK cũ. Dù có bao nhiêu bộ sách đi nữa, ta chỉ cần tập trung vào 2 việc: Một là nâng cao nhận thức của cộng đồng; hai là thu gom, phân bổ sách cũ hợp lý”.

Sách VNEN.

Sách VNEN.

Cô Thanh Tâm phân loại sách. Ảnh: NVCC

Cô Thanh Tâm phân loại sách. Ảnh: NVCC

“Có nhiều bộ sách nhưng không phải bộ nào cũng “dễ xơi”, nhất là gặp “kiếp nạn” điểm trung bình khi tiêu chí chấm điểm thay đổi, kiến thức mới thì “một ề”. Là lứa đầu tiên học, thi theo chương trình mới, tụi mình cùng các thầy cô đã “vượt ngàn chông gai” cùng nhau, đi từ khó khăn này đến thích ứng kia để tìm ra cách học hiệu quả”, bạn Nhật Long (lớp 12TA2, trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM) tâm sự.

“Nhưng qua đó, tinh thần tự học của mình được phát huy nhiều hơn khi SGK không còn là kim chỉ nam duy nhất”, Long chia sẻ.

Nhật Long. Ảnh: NVCC

Nhật Long. Ảnh: NVCC

Nghiên cứu “Chính sách sách giáo khoa ở Châu Á: Phát triển, Xuất bản, In ấn, Phân phối và Các tác động trong tương lai” do Ngân hàng Phát triển châu Á phát hành ghi nhận: “Hệ thống đa sách (multiple-textbook system) là cách để phá vỡ mối quan hệ phụ thuộc của các kỳ thi lên SGK, bảo đảm rằng giáo viên thật sự quan tâm đến chương trình học thay vì chỉ “dạy hết SGK”. Ở các quốc gia đang chuyển đổi sang hệ thống đa sách, Bộ Giáo dục cần đảm bảo rằng các trường học và phụ huynh hiểu rõ nguyên tắc vận hành của hệ thống này”.

Số hóa sách giáo khoa.

Số hóa sách giáo khoa.

Có thể nói, “nhiều bộ sách” chỉ là một phần trong những thay đổi thuộc chương trình mới, và những thay đổi này chỉ là bước nhỏ trong sự vận động không ngừng của hệ thống giáo dục hiện nay theo UNESCO nhấn mạnh.

Trước bước cải cách lớn của nền giáo dục nước nhà, chúng ta phải học cách “rẽ sóng” mọi biến đổi, điều chỉnh bản thân để thích ứng và phát triển. Cả trường học, giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh cần sẵn sàng “unlearn” - “đập đi xây lại” những hiểu biết không còn phù hợp để tiếp nhận điều mới, góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục Việt Nam tiệm cận quốc tế.

Nhâm Anh

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/teen-oi-dung-bo-ngo-nhung-dieu-ky-thu-mo-ra-cung-sach-giao-khoa-moi-post1702851.tpo