Tên cho xã mới sau sáp nhập

Tên đất, tên làng vốn là điều rất thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Có những vùng quê, những địa phương chỉ cần nhắc đến tên thôi đã nhớ ngay đến lịch sử, văn hóa của vùng đất ấy, đó cũng chính là 'dấu hiệu' nhận biết nét đặc trưng của mỗi địa danh. Thời gian này, câu chuyện đặt tên cho xã mới sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tuy không mới song vẫn luôn thu hút sự chú ý của dư luận.

Thực hiện lấy ý kiến của người dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại xã Phương Viên, huyện Hạ Hòa (năm 2024).

Thực hiện lấy ý kiến của người dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại xã Phương Viên, huyện Hạ Hòa (năm 2024).

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định: Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Trước đó, Phú Thọ đã hoàn thành sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2019-2021 và tiếp tục tiến hành giai đoạn 2023-2025, sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã để thành lập 32 ĐVHC mới. Lúc này, việc đặt tên sau sáp nhập được tính toán rất kỹ, căn cứ vào các yếu tố lịch sử- văn hóa, làm sao để đảm bảo hài hòa, nhất là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt tên cho xã mới lại hoàn toàn khác. Bởi lần sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã này tiến hành trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ, mau lẹ. Xã/phường mới được thành lập khi cấp huyện không còn nên sẽ có quy mô lớn hơn so với đơn vị hành chính cũ rất nhiều.

Một góc thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao.

Một góc thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao.

Theo dự thảo Nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống còn khoảng 5.000. Thông tin này được đại diện Bộ Nội vụ cho biết chiều 1/4. Dự thảo được hoàn thiện để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp sẽ dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí và điều kiện địa lý; quy mô và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Trung ương khuyến khích đặt tên theo tên của đơn vị cấp huyện trước khi sắp xếp để thuận tiện cho quá trình số hóa và cập nhật dữ liệu thông tin.- Thành phố Việt Trì về đêm.

Trung ương khuyến khích đặt tên theo tên của đơn vị cấp huyện trước khi sắp xếp để thuận tiện cho quá trình số hóa và cập nhật dữ liệu thông tin.- Thành phố Việt Trì về đêm.

Như vậy việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy, mà còn là sự điều chỉnh về không gian kinh tế, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế. Mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng và sức bật cho đất nước theo các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới.

Việc sáp nhập xã sẽ được thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên trạng các đơn vị hành chính hiện có và có thể sáp nhập xã của huyện này vào xã của huyện khác. Xã sáp nhập với xã sẽ tiếp tục gọi là xã, còn xã sáp nhập với phường sẽ tiếp tục gọi là phường. Các địa phương sẽ chủ động lựa chọn tên gọi mới, nhưng Trung ương khuyến khích đặt tên theo tên của đơn vị cấp huyện trước khi sắp xếp, kèm theo số thứ tự để thuận tiện cho quá trình số hóa và cập nhật dữ liệu thông tin. Khi không còn cấp huyện, cái tên huyện cũ gợi nhắc người dân về vùng đất, miền quê đã bao đời gắn bó với họ. Đây cũng là cách bà con đồng hương của huyện ở khắp mọi miền Tổ quốc dễ dàng liên hệ, gắn bó với nhau, cũng tạo thuận lợi cho việc tìm, so sánh địa chỉ, dữ liệu về các địa phương cũ và mới.

Đặt tên cho xã mới là việc không đơn giản nhưng cũng không quá phức tạp. Quan trọng là tên gọi có ý nghĩa, dễ nhớ, thuận tiện cho việc cập nhật dữ liệu, thực hiện thủ tục hành chính và hơn cả là cấp xã mới hình thành hoạt động hiệu quả mới là điều Nhân dân mong muốn, chờ đợi.

Tất Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ten-cho-xa-moi-sau-sap-nhap-230683.htm