Tên gọi làng quê

Với những người con của Quảng Ngãi nói chung và Mộ Đức nói riêng, tên gọi Long Phụng rất đỗi quen thuộc, vừa là tên núi, vừa là tên vùng đất thuộc xã Thắng Lợi (Mộ Đức) ngày nay. Nơi đây có ngọn núi, hình dáng tựa con rồng, con phụng (phượng) nên dân gian gọi là núi Long Phụng. Theo “Từ điển địa danh Quảng Ngãi” của nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, khi tướng quân Lê Vinh Quảng tùng chinh cùng với vua Lê Thánh Tông, ông lưu lại đất này, nhìn hình dáng núi ông đặt tên ngôi làng là làng Long Phụng. Đời vua Đồng Khánh, Long Phụng được đặt tên xã thuộc tổng lại Đức, huyện Mộ Đức.

Tên gọi núi Long Phụng ở xã Thắng Lợi hiện nay, gắn liền với lịch sử, văn hóa truyền thống ở địa phương.

Tên gọi núi Long Phụng ở xã Thắng Lợi hiện nay, gắn liền với lịch sử, văn hóa truyền thống ở địa phương.

Ở huyện Mộ Đức còn có tên gọi quen thuộc khiến nhiều người con của quê hương mỗi khi đi xa đều nhớ về, đó là Thi Phổ. Trước đây, Thi Phổ là tên làng được hợp nhất từ xã Địa Thi và thôn Phổ Xuyên thuộc tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức. Vào thế kỷ XVII, ông Trần Cẩm đến khai hoang lập ấp dựng nên làng Thi Phổ và trở thành vị tiền hiền của làng. Năm 1908, Thi Phổ tách thành hai làng Thi Phổ Nhất và Thi Phổ Nhì, thuộc các xã Đức Tân, thị trấn Mộ Đức và xã Đức Thạnh. Địa danh Thi Phổ còn được đặt tên cho một ngôi chợ ở Mộ Đức ngày nay.

Chợ Thi Phổ ngày nay.

Chợ Thi Phổ ngày nay.

Còn làng Thạch Trụ thuộc tổng Ca Đức, nay là xã Đức Lân (Mộ Đức). Tên gọi Thạch Trụ xuất phát từ câu chuyện, ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân ngày nay có núi Đá Bạc, trên đỉnh núi có một trụ đá to cao chừng 6m, đường kính 2m. Ở lưng chừng núi còn có một ngôi miếu cổ mang tên núi - miếu Đá Bạc.

Dọc dòng sông Trà Khúc có nhiều ngôi làng mang tên hoài cổ như làng Ba La, làng Châu Sa, làng Cổ Lũy. Chẳng biết làng Ba La ra đời từ khi nào, chỉ biết là năm 1750, địa danh Ba La được Tuần vũ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh nhắc trong bài vịnh “Liên Trì dục nguyệt”, góp phần khẳng định quá trình mở đất lập làng nơi đây từ khá sớm. Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định ghi chép dưới thời Gia Long (1806), Ba La thuộc tổng Hạ, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa (nay thuộc thôn 3, xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi). Nằm phía bắc sông Trà Khúc, làng Châu Sa ngày trước mang tên xứ Tiểu Giang. Vào thời vua Gia Long đổi thành xã Châu Sa, tổng Trung, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa (nay là xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi). Nơi đây còn có một ngôi chợ mang tên Châu Sa.

Phía bắc tỉnh Quảng Ngãi, xưa kia có làng Tham Hội (Sâm Hội). Đời vua Đồng Khánh, làng mang tên xã Tham Hội thuộc tổng Bình Điền, huyện Bình Sơn. Khi xưa, làng nổi tiếng nhiều lúa nên dân gian có bài ca dao nhắc đến địa danh này: “Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre/Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền”. Hay làng Vạn Tường thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Tương truyền, vua Lê Thánh Tông đã hội quân tuyên thệ đánh quân Chiêm năm 1471. Nơi đây cũng diễn ra trận đánh lớn đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là trận Vạn Tường (18/8/1965).

Vùng quê ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) ngày trước có ngôi làng mang tên An Ba. Dưới đời vua Đồng Khánh có tên xã An Ba thuộc tổng Quy Đức (huyện Mộ Đức ngày nay), rồi thuộc tổng Phổ Lai (TX.Đức Phổ). Đầu thế kỷ XX, xã An Ba thuộc huyện Nghĩa Hành. Ca dao có câu nổi tiếng về vùng đất rộng lớn này: “Bộ nào rộng bằng bộ An Ba”.

Cù Lao Ré được đổi thành Lý Sơn khi nào? Từ lúc nào có thôn Quý Lâm, xã Đức Phong (Mộ Đức), thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành)... Có một tài liệu chính sử ghi lại sự thay đổi địa danh này, đó là “Minh Mạng tấu nghị”.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Cách đây đúng 201 năm, vào tháng 2 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), bộ Hộ dâng lên vua Minh Mạng bản tấu nghị gồm các bài tấu, dụ, biểu về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc thay đổi tên gọi của nhiều đơn vị hành chính cấp làng, xã trên phạm vi toàn quốc. Ở trang đầu phần tấu về việc thay đổi địa danh, bộ Hộ đã tấu xin cho đổi tên gọi cũ của các thôn, ấp, vạn, phường, xã... nhằm dùng tên đẹp để lưu lại muôn đời. Trong đợt này, có 525 đơn vị hành chính cấp làng, xã được cải danh trong cả nước. Đối với trấn Quảng Ngãi, có 15 thôn, ấp, xã, phường, trại, châu thuộc các huyện Bình Sơn (1 đơn vị), Chương Nghĩa (2 đơn vị), Mộ Hoa (2 đơn vị) và các thuộc Đồn Điền (8 đơn vị), Hà Bạc (1 đơn vị), Hoa Châu (1 đơn vị) được cải danh trong đợt này. Theo “Minh Mạng tấu nghị”, phần lớn trong số 525 đơn vị hành chính có tên gọi dài, có âm Nôm hoặc mặt chữ không nhã được thay đổi thành tên gọi có hai âm tiết, mang âm Hán Việt với ý nghĩa tốt đẹp.

Cảnh đẹp núi Ấn, sông Trà. Ảnh: Ý THU

Cảnh đẹp núi Ấn, sông Trà. Ảnh: Ý THU

Tất cả 15 đơn vị thuộc trấn Quảng Ngãi đều được cải danh để có tên gọi mới với hai âm tiết Hán Việt mang ý nghĩa thanh nhã, tốt đẹp. Nhiều địa danh được lưu giữ đến tận ngày nay. Đại đa số các đơn vị được cải danh với tên gọi mới vẫn giữ lại một âm Hán Việt hoặc ý nghĩa của tên gọi cũ. Cụ thể như, xã Sâm Sông (huyện Bình Sơn) được đổi thành xã Sâm Giang (giang nghĩa là “sông”). Thôn Tân Lập Bàu Án (huyện Chương Nghĩa) đổi thành thôn Ngọc Án. Thôn Phụ Lũy Ngòi Tôm (huyện Chương Nghĩa) đổi thành thôn Hà Khê (hà: con tôm, khê: ngòi nước). Thôn Cây Quýt vạn Phước Cựu (huyện Mộ Hoa) đổi thành thôn Quất Lâm (quất: quýt). Trại Tân Lập Cây Cờ thôn Cựu Cây Cờ (thuộc Đồn Điền) đổi thành trại Kỳ Hoa (kỳ: cờ). Thôn Cựu Đồng Gạo và trại Tân Lập Đồng Gạo (thuộc Đồn Điền) lần lượt đổi thành thôn Mễ Sơn và trại Mễ Sơn (mễ: gạo). Trại Đồng Ganh, trại Đồng Dạ, trại Xuân An Đèo Ải, trại Ỷ Tung, ấp Tân Lập Suối Tuyền (thuộc Đồn Điền) lần lượt đổi thành trại Đồng Cạnh, trại Ngọc Dạ, trại Xuân Sơn, trại Hoa Tung, ấp Châu Tuyền. Châu Hội Khế (thuộc Hoa Châu) đổi thành châu Phù Khế.

Khung cảnh đồng quê ở huyện Mộ Đức. Ảnh: HỮU THƯ

Khung cảnh đồng quê ở huyện Mộ Đức. Ảnh: HỮU THƯ

Từ “Minh Mạng tấu nghị”, có thể truy về nguồn gốc một số địa danh Nôm tại Quảng Ngãi cũng như giải thích được ý nghĩa một số địa danh hiện còn trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bản tấu nghị còn là tư liệu ghi nhận nhiều thông tin quan trọng về đặc điểm hành chính Quảng Ngãi đầu thời Minh Mạng. Giai đoạn này, Quảng Ngãi thuộc cấp hành chính trấn. Ngoài các huyện, Quảng Ngãi thời kỳ này còn có một cấp đơn vị hành chính đặc biệt: thuộc. Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” cho biết: “Họ Nguyễn trước mở mang cõi Nam, đặt ra phủ huyện, các nơi gần rừng núi, dọc sông biển, thường đặt làm thuộc, cho các phường, thôn, nậu, man lẻ tẻ lệ vào, đặt nhân viên đốc thúc, cũng giống như các tổng; có chỗ thu thóc tô ruộng, có chỗ thu tiền nạp thay, khi làm sổ tuyển đinh, số dân có thể biết được”.

Khung cảnh làng quê ở xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Khung cảnh làng quê ở xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Theo cuốn “Đất Quảng trong lịch sử - Tư liệu và nghiên cứu”, thuộc là một đơn vị hành chính đặc biệt chỉ có ở Đàng Trong, tồn tại từ thời các chúa Nguyễn cho đến đầu Triều Nguyễn, tương đương cấp tổng, bao gồm các xã, thôn, phường... chuyên về một hoạt động kinh tế hay nghề nghiệp chủ đạo, nằm rải rác ở miền núi hoặc vùng ven sông biển mới được khai phá. Tên gọi các thuộc cho biết ít nhiều về vị trí địa lý hay hoạt động kinh tế chính của các thuộc đó. Chẳng hạn, ở Quảng Ngãi, thuộc Hà Bạc quy tụ các làng làm nghề cá ven sông biển (hà: sông, bạc: đậu thuyền); thuộc Đồn Điền quy tụ các trại, ấp làm nghề ruộng ở vùng mới khai phá (đồn điền: Đóng binh làm ruộng, chiêu dân khai khẩn ruộng đất). Đơn vị hành chính thuộc tồn tại đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827) thì bị bãi bỏ, thay bằng đơn vị hành chính tổng.

TRÚC LAM - TUẤN VŨ

Trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202505/emagazineten-goi-lang-que-91b07f6/