Tên lửa đẩy của Đức phát nổ trong lần phóng thử đầu tiên

Đây là vụ phóng tên lửa quỹ đạo lần đầu tiên được thực hiện từ lục địa châu Âu (trừ Nga), một nỗ lực nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các công ty Mỹ trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Một tên lửa quỹ đạo lần đầu tiên được phóng trên đất châu Âu từ Sân bay vũ trụ Andoya, miền Bắc Na Uy, đã bị rơi ngay sau khi cất cánh lúc 12h30’ ngày 30/3, giờ địa phương (17h30’, giờ Việt Nam).

Theo các video về vụ phóng được chia sẻ, tên lửa có dấu hiệu không ổn định ở giây thứ 23 sau khi phóng, lảo đảo rồi quay đầu khoảng giây thứ 30, rơi xuống biển gần bệ phóng và phát nổ.

Tên lửa rời bệ phóng thành công, tuy nhiên rơi và phát nổ ngay sau đó/Isar Aerospace.

Mặc dù vụ phóng thất bại ngay phút đầu, nhưng Isar Aerospace, một công ty khởi nghiệp của Đức được thành lập vào năm 2018 và là nhà chế tạo tên lửa có trụ sở chính ở Munich, vẫn ca ngợi chuyến bay thử nghiệm là một thành công.

Isar Aerospace nói rằng, vụ thử đã đưa họ trở thành công ty vũ trụ thương mại đầu tiên phóng tên lửa quỹ đạo từ lục địa Châu Âu.

 Trong chuyến bay thử nghiệm, tên lửa đã rời bệ phóng thành công. Nguồn: Isar Aerospace.

Trong chuyến bay thử nghiệm, tên lửa đã rời bệ phóng thành công. Nguồn: Isar Aerospace.

Tên lửa Spectrum đã rơi xuống biển Na Uy ngay sau khi phóng, tuy vậy nó đã cất cánh thành công và Isar Aerospace khẳng định, mục đích của chuyến bay đầu tiên chủ yếu nhằm thu thập dữ liệu và tích lũy kinh nghiệm.

“Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi đã đáp ứng kỳ vọng và đạt được thành công to lớn. Chúng tôi đã chứng tỏ rằng mình không chỉ có thể thiết kế, chế tạo tên lửa mà còn có thể khai thác chúng.”, Tổng giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Isar Aerospace, Daniel Metzler, phát biểu sau vụ phóng.

Diễn biến vụ phóng tên lửa đẩy của Isar Aerospace/ MosheDe_.

Ông Metzler cho biết, nền tảng này đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về các dịch vụ phóng vệ tinh linh hoạt.

Truyền thông Đức dẫn lời Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đức Marie-Christine von Hahn cho biết, vụ phóng là bước đột phá cho ngành du lịch vũ trụ của Đức.

 Kết thúc chuyến bay thử nghiệm là vụ nổ ở vùng mặt nước gần bệ phóng. Nguồn: Wingmen Media/ Isar Aerospace/ AP.

Kết thúc chuyến bay thử nghiệm là vụ nổ ở vùng mặt nước gần bệ phóng. Nguồn: Wingmen Media/ Isar Aerospace/ AP.

“Cuộc thử nghiệm tên lửa cực kỳ phức tạp do Đức sản xuất đã mang lại một lượng dữ liệu quan trọng giúp chúng tôi có thể đạt được những tiến bộ hơn trong tương lai.”, bà von Hahn nói.

Bà Von Hahn kêu gọi hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn cho ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu, vốn tụt hậu so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ…, để bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính tự chủ trong công nghệ phóng vệ tinh, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu phải có giải pháp thay thế cho chòm sao vệ tinh Starlink của Elon Musk.

Khoảnh khắc tên lửa quay đầu và kết thúc bằng vụi nổ/ Osint613.

Tên lửa đẩy Spectrum dài 28 m, đường kính 2 m, có khả năng mang tải trọng từ 700- 1.000 kg vào không gian, tùy thuộc độ cao quỹ đạo.

Nỗ lực của Isar Aerospace, cũng là nỗ lực của châu Âu trong việc chủ động đưa vệ tinh lên quỹ đạo, để giảm dần sự phụ thuộc vào các công ty Mỹ, đặc biệt là công ty công nghệ khai phá không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Văn Phong/DW, Isar Aerospace

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/ten-lua-day-cua-duc-phat-no-trong-lan-phong-thu-dau-tien-175233.html