Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga không phải công nghệ mới

Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik để tấn công Ukraine hôm 21/11 và mô tả đây là loại tên lửa hiện đại, không thể bị đánh chặn. Điều này đã khiến giới chuyên gia quân sự phương Tây bắt đầu tò mò, tìm hiểu và phân tích công nghệ, cách thức hoạt động của loại tên lửa này.

Theo đó, các chuyên gia quân sự phương Tây đã tiến hành phân tích các mảnh vỡ thu được từ tên lửa Oreshnik đã được sử dụng để tấn công Ukraine cũng như cách thức loại tên lửa này trút nhiều đầu đạn xuống khu vực cùng một mục tiêu. Loại tên lửa Oreshnik được thông báo là mang được 6 đầu đạn.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia phương Tây nhận định các công nghệ mà Oreshnik sử dụng thực chất là công nghệ cũ đã được sử dụng nhiều năm trên các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhưng đã được phía Nga thiết kế theo cách mới.

Video về các mảnh vỡ còn sót lại, cách thức hoạt động và vụ tấn công từ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga. Nguồn: Reuters

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á ở Mỹ lưu ý rằng tất cả các tên lửa đạn đạo có tầm bắn như tên lửa Oreshnik đều thuộc loại siêu vượt âm và có thể bị các loại tên lửa đánh chặn như Arrow 3 của Israel và SM-3 Block 2A của Mỹ phá hủy.

Sau khi phân tích hình ảnh những phần còn lại của tên lửa Oreshnik, ông Lewis đã tìm được 2 mảnh vỡ lớn nhất của bộ phận mang đầu đạn – nằm ở đầu tên lửa và sẽ được thả xuống khi tấn công mục tiêu. Ngoài ra, phần lớn trong các mảnh vỡ thu được có chứa một phần của bộ phận dẫn đưỡng, bình nhiên liệu và các thiết bị điện tử khác. Việc sử dụng các động cơ đẩy khí gas nhỏ cho phép bộ phận mang đầu đạt có thể di chuyển trên bầu khí quyển để sau đó lao xuống nhắm chính xác vào mục tiêu. Bộ phận này cho phép mang theo đầu đạn loại hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) theo cách khá độc lập nhau ngay trong cùng 1 tên lửa. Điều này giúp cho mỗi đầu đạn trong tên lửa Oreshnik có thể tấn công một mục tiêu khác nhau.

Ông cho biết không có công nghệ mới nào trong tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, ông đánh giá loại tên lửa mới này của Nga có cách thiết kế mới nhưng không phải là mới hoàn toàn. Ông nói rằng tên lửa không có quá nhiều sự thay đổi trong cách phát triển vũ khí thông thường mà là một loạt các công nghệ cũ được kết hợp theo một cách mới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tên lửa của Nga được cải tiến từ RS-26 - tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã được Nga thử nghiệm 5 lần nhưng chưa đưa vào sử dụng chính thức.

Ông Lewis cho biết thiết kế mới của Oreshnik rất có thể đã loại bỏ một tầng của tên lửa đẩy khỏi RS-26, làm giảm tầm bắn của nó. Ông lưu ý rằng việc sử dụng Oreshnik với đầu đạn thông thường là một sự lãnh phí khi không gây ra quá nhiều sự hủy diệt.

Ông William Alberque, nhà nghiên tại Trung tâm Henry L. Stimson cho biết Mỹ đã từng xem xét một chương trình sử dụng ICBM không có đầu đạn hạt nhân có tên là Conventional Prompt Strike, nhưng đã từ bỏ vì nhận thấy không quá cần thiết. Một vấn đề lớn khi lắp đầu đạn thông thường vào ICBM là kẻ thù dễ nhầm tưởng rằng họ đang bị tấn công hạt nhân - sự nhầm lẫn có thể vô tình kéo theo việc trả đũa hạt nhân.

Theo nguồn tin từ một số quan chức Mỹ, Nga đã thông báo cho Washington ngay trước cuộc tấn công ngày 21/11 và phía Mỹ cũng đã thông báo sơ lược cho Kiev và các đồng minh để chuẩn bị cho khả năng sử dụng vũ khí như vậy.

Ông Tim Wright thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết điều này cho thấy Nga nhận thức được rủi ro đó và muốn giảm thiểu nó. Một số các quan chức cấp cao của Ukraine cho biết tên lửa được Nga sử dụng để tấn công Dnipro không mang theo chất nổ và chỉ gây ra thiệt hại hạn chế .

Ông Lewis cảnh báo rằng xét đến chi phí, việc sử dụng loại tên lửa đạn đạo này để tấn công Ukraine có thể là một chiến thuật tâm lý hơn là chiến thuật quân sự.

Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận khả năng tấn công của tên lửa Oreshnik có độ chính xác cao, có thể tấn công quy mô rộng. Ông lberque cho biết độ chính xác trong các video về cuộc tấn công phù hợp với độ chính xác cần thiết cho một vũ khí hạt nhân nhưng không phù hợp với vũ khí thông thường.

Về phía Nga, Ngày 28/11, Tổng thống Liên bang Putin đã tiết lộ khả năng của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik, loại vũ khí mà Moskva đã sử dụng để tấn công mục tiêu quân sự ở thành phố Dnipro của Ukraine vào hôm 21/11. Thông tin này được truyền thông Liên bang Nga đưa tin dựa trên bài phát biểu hôm 28/11 của ông Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan.

Nhà lãnh đạo Liên bang Nga cho biết tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có khả năng tấn công mục tiêu là những cơ sở kiên cố được gia cố và nằm sâu dưới lòng đất. Theo ông Putin, việc triển khai hàng loạt loại tên lửa này trong một cuộc tấn công duy nhất sẽ tạo ra sức mạnh có thể so sánh với một cuộc tấn công hạt nhân.

Tổng thống Liên bang Nga nói: “Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa cách tên lửa Oreshnik hoạt động, vì các bạn đã hỏi. Hàng chục đầu đạn tự dẫn, tấn công mục tiêu với tốc độ 10 Mach, tương đương khoảng 3 km/s. Nhiệt độ mà tên lửa tạo ra khi tấn công đạt đến 4.000 độ C. Nếu tôi nhớ không nhầm, nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời là khoảng 5.500 – 6.000 độ C. Vì vậy, mọi thứ nằm trong trung tâm vụ nổ (mà tên lửa Oreshnik tạo ra) bị chia nhỏ thành các phân tử cơ bản, về cơ bản là biến thành cát bụi”.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters, TASS, United24)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/ten-lua-sieu-vuot-am-oreshnik-cua-nga-khong-phai-cong-nghe-moi-20241129055802085.htm