Test nhanh COVID-19: Không nên lạm dụng
Mấy ngày gần đây trên thị trường rất khan hiếm thiết bị test nhanh COVID-19. Một phần nguyên nhân là do có hiện tượng tiểu thương găm hàng chờ tăng giá.
Mặt khác, một số người dân, cơ quan doanh nghiệp đã không thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lạm dụng test nhanh nên khiến giá kit test nhanh "nhảy múa" liên tục.
Dạo qua một số cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội nhận thấy, giá của loại test nhanh đã tăng gấp đôi so với trước đây. Hiện mức giá dao động từ 100.000-130.000 đồng/bộ test. Thậm chí, có nhiều cửa hàng không còn kit test nhanh để bán do không nhập được thiết bị này từ các đầu mối cung cấp.
Tính đến 18 giờ ngày 24/2, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 8.864 ca COVID-19, khiến cho nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng nên đã tìm cách trấn an bằng việc test nhanh để kiểm tra việc có bị nhiễm hay không. Việc test nhanh COVID-19 là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Tuy nhiên, lạm dụng test nhanh là việc không nên.
Như trường hợp của chị L.T.T, 40 tuổi ở phường Bạch Mai (Hai Bà Trưng) là nhân viên một ngân hàng thuộc quận nội thành là một ví dụ. Hằng ngày trước khi đi làm, chị đều tự tay hoặc nhờ người thân thực hiện ngoáy dịch mũi để làm test nhanh COVID-19. Mỗi lần test nhanh vậy, không chỉ làm nước mắt, nước mũi của chị chảy ra giàn giụa, rát hết hai bên thành mũi, giảm khứu giác mà còn làm cho "hầu bao" hao hụt đáng kể. Theo thời giá hiện nay, mỗi lần test, chị T đã mất đi một nửa ngày lương nhân viên ngân hàng của mình.
Chị T là người chưa bị mắc COVID-19 còn như vậy, thì với những người là F0 được chỉ định, theo dõi và điều trị tại nhà còn sốt sắng và lạm dụng hơn. Do tâm lý lo lắng và nôn nóng mong khỏi bệnh nên có người ngày test đến 3 lần: sáng, trưa, chiều tối. Hôm nào cũng xét nghiệm để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào thì âm tính. Do “bệnh tưởng” COVID-19 nên trong nhà có một người dương tính thì cả nhà đều xét nghiệm liên tục. Có triệu chứng xét nghiệm, không triệu chứng cũng xét nghiệm như thể làm như vậy sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được SARS-CoV-2 khỏi cơ thể.
Mấy ngày qua, truyền thông phản ánh tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai), nhiều F0 phải xếp hàng dài trong nhiều tiếng đồng hồ để chờ được test nhanh và xin giấy xác nhận mắc COVID-19. Lượng người có nhu cầu test nhanh đông, trong khi trạm y tế trên chỉ có khoảng 10 nhân lực dẫn tới cảnh tượng rồng rắn, chen chúc nhau, đôi lúc bỏ qua các quy định 5K để được đến lượt ngoáy mũi. Nhiều người đến test cũng đã tỏ ra bức xúc về việc này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của những người đã có nguy cơ cao mang mầm bệnh trong người, vừa gây mất an toàn cho cộng đồng.
Còn ở chiều ngược lại, nhiều nhân viên y tế cơ sở cũng cho biết họ đang bị quá tải vì lượng công việc rất nhiều, lại cộng với gần đây một số người dân liên tục gọi điện, nhắn tin yêu cầu đến nhà test nhanh COVID-19, trong khi không hề thuộc diện nguy cơ cao hay có triệu chứng gì đáng nghi ngại.
Theo một số chuyên gia y tế, tại những quốc gia có tiềm lực về kinh tế với nền y tế phát triển, khi đối mặt với biến thể Omicron đã rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19. Từ Mỹ, đến châu Âu, rồi châu Á như Nhật Bản hay Australia, mặc dù đã lường trước tình huống và có sự chuẩn bị trước nhưng đều bị thiếu bộ xét nghiệm. Qua đó, thấy rằng tại Hà Nội, việc một số người người lạm dụng test nhanh là rất lãng phí và tốn kém, gây ô nhiễm môi trường. Vì trong trường hợp, người dân tự test, khi bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không có kiến thức để xử lý rác thải y tế, gây lân lan dịch bệnh.
Do vậy, nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị, chỉ nên xét nghiệm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, hoặc những bệnh nhân nằm viện nếu dương tính sẽ thay đổi kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh; những ca có triệu chứng COVID-19 sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì nên xét nghiệm.
Ngược lại, những người khỏe mạnh không hoặc ít triệu chứng, học sinh và giáo viên trong trường học, công nhân trong nhà máy, nhân viên trong công sở; sẽ được coi là “giá trị thấp” không cần phải xét nghiệm.
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia y tế cũng phân tích, mỗi người cần định hình một tâm thế mới, ngay cả khi tiếp xúc gần F0, không cần xét nghiệm ngay, mà chỉ cần test khi có triệu chứng. Vì có test nhanh ngay sau khi tiếp xúc với F0, cũng không cho kết quả chính xác. Vì qua theo dõi và điều trị thực tế, các chuyên gia y tế rút ra kinh nghiệm, phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, tiếp xúc xét nghiệm ngay không có giá trị. Mà ít nhất, sau tiếp xúc với F0 phải 1-2 ngày thì xét nghiệm mới cho kết quả chính xác.
Việc điều trị, theo dõi cách ly các F0, Bộ Y tế cũng đã quy định, F1 chỉ cần xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 sau cách ly. Còn F0 cũng chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7, sau khi cách ly.
Thiết nghĩ, phòng, chống COVID-19 còn kéo dài. Việc quá lạm dụng test nhanh khi không có chỉ định hoặc khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cũng như xét thấy chưa có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì mỗi người hãy cân nhắc trước khi quyết định việc ngoáy mũi tìm virus cho mình và người thân để vừa giảm gánh nặng chi phí, vừa bảo vệ môi trường.