Tết Bunpimay ở Buôn Đôn – Dấu ấn gắn kết văn hóa vùng biên
Trong 2 ngày 12-13/4, Tết cổ truyền Bunpimay của người Lào tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) đang diễn ra sôi nổi. Tết Bunpimay của cộng đồng dân tộc Lào tại Buôn Đôn vừa để đón mừng năm mới theo Phật lịch, vừa lan tỏa văn hóa đặc trưng và thể hiện tinh thần đoàn kết.
Không khí rộn ràng của Tết cổ truyền Bunpimay tại Buôn Đôn
Trong sắc nắng vàng rực rỡ của mùa khô Tây Nguyên, những thanh âm rộn ràng của điệu múa Lăm Vông, tiếng trống, tiếng chiêng ngân vang, cộng đồng gốc Lào nơi đây rộn ràng bước vào dịp lễ lớn nhất trong năm. Tết Bunpimay, hay Tết té nước là tết khởi đầu năm mới theo Phật lịch và cũng là dịp để gột rửa điều không may, cầu mong an lành, hạnh phúc.

Nghi lễ tắm phật tại Tết Bunpimay ở Buôn Đôn là cách để bày tỏ tôn kính và đức tin với đức Phật, qua đó giúp con người loại bỏ những tâm niệm xấu
Ông Lê Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, năm nay, Tết Bunpimay tại Buôn Đôn còn là hoạt động trong chuỗi kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Buôn Đôn, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đón chào kỷ nguyên phát triển mới với sự điều hành của chính quyền cơ sở hai cấp:
“Năm nay kỷ niệm những ngày lịch sử năm chẵn, ý nghĩa nữa là năm nay là năm cuối cùng bỏ chính quyền cấp huyện, vì đó muốn lưu lại để chính quyền xã thì họ sẽ lưu truyền ý nghĩa truyền thống này. Năm nay cũng tổ chức nhiều hoạt động khác ví dụ tuyên truyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hai nữa sẽ có đoàn nghệ thuật của huyện Lắk để giao lưu văn hóa giữa người M’Nông với người Lào” - ông Lê Văn Nuôi chia sẻ.

Cộng đồng người Việt gốc Lào tại Buôn Đôn thực hiện nghi thức cúng phật
Nghi lễ Bunpimay đậm đà bản sắc văn hóa Lào
Cùng với cộng đồng bà con gốc Lào, đông đảo dân tộc anh em khác đang sinh sống tại Buôn Đôn cũng tới chung vui trong dịp tết Bunpimay. Chị Vy Thị Mới, dân tộc Nùng, ở xã Ea Bar chia sẻ sự vui thích của mình khi được tham gia các nghi thức như buộc chỉ tay, tắm Phật và té nước: “Lần đầu tiên mình được tham gia một Tết Lào rất là vui, không khí rất là hào hứng. Mình được cột chỉ tay biểu tượng của sự may mắn và mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Những người lớn tuổi sẽ cột 1 sợi chỉ lên tay để cầu chúc phúc lành cho người được buộc chỉ
Buộc chỉ tay, theo quan niệm người Lào, là nghi lễ linh thiêng trong ngày Tết, khi sư thầy hoặc người lớn tuổi sẽ thắt một sợi chỉ trắng vào cổ tay người khác và cầu chúc phúc lành cho họ. Các nghi lễ tắm Phật, đắp cát hay té nước cũng mang đậm giá trị tinh thần và triết lý nhân sinh sâu sắc. Giải thích về ý nghĩa của những nghi lễ này, anh Y Nô Ly Kbuôr, thế hệ thứ ba người Lào sinh sống tại xã Krông Na, cho biết: “Khi mà chúng ta buộc chỉ tay các sư thầy sẽ cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta may mắn hơn. Còn đắp cát thì chúng ta sẽ vun cát đó là tình đoàn kết giữa các dân tộc. Té nước để chúng ta có thể xóa bỏ đi những ưu phiền, những cái không tốt trong cuộc sống để cho chúng ta có một cuộc sống may mắn và hạnh phúc hơn”.

Té nước là nghi thức không thể thiếu trong Tết Bunpimay. Việc té nước sẽ giúp mọi người xóa bỏ đi những ưu phiền
Tết Bunpimay ở Buôn Đôn càng sôi động bởi tiếng vui cười hòa trong tiếng nhạc và điệu múa Lăm Vông truyền thống. Chị H’ưng Ê Ban, ở buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn xúc động cho biết: “Tôi tham gia Tết Lào đã là năm thứ 4 rồi, năm nay huyện tổ chức với quy mô rất là lớn và rất nhiều bà con tham gia. Tôi thấy chương trình Tết Lào này có ý nghĩa vô cùng to lớn, gắn kết con người, gắn kết các dân tộc lại với nhau. Tôi cảm thấy rất vui, như hiện tại bây giờ nhạc Lăm Vông đang cất lên và bản thân tôi cũng đang muốn nhún nhẩy rồi”.

Các sư thầy và người dân, du khách thực hiện nghi thức thả hoa đăng, theo quan niệm của người Lào, những chiếc hoa đăng có “sứ mệnh” mang theo những xui rủi, những điều không may mắn đi xa
Không chỉ là nơi hội tụ văn hóa, Tết Bunpimay còn gợi lại những ký ức sâu sắc về tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt – Lào. Với ông Đinh Công Trình, cựu chiến binh từng chiến đấu tại Lào từ năm 1969 đến 1973, thì đây là dịp tri ân thiêng liêng: “Trước đây ở bên đó được nâng đỡ của bà con Lào từ hạt muối, nước, thậm chí ốm đau được bà con chăm sóc. Hôm nay đến đây được dự lễ hội này cảm thấy rất là tuyệt vời, được tri ân lại, nhớ lại công ơn của bà con dân tộc Lào và cũng mong Đảng nhà nước hai bên quan tâm xây dựng tình hữu nghị Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững”.
Tết Bunpimay, tết cổ truyền người Lào tại Buôn Đôn không chỉ là ngày hội của một cộng đồng, mà còn là biểu tượng đẹp đẽ của tình đoàn kết, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em trên vùng đất biên cương thiêng liêng của tỉnh Đắk Lắk.