Tết cổ truyền trong dòng chảy thời gian
Là ngày lễ đặc biệt của người Việt, tết Nguyên đán có ý nghĩa thiêng liêng bởi sự đoàn viên sum họp; sự kết nối gia đình, dòng tộc, cộng đồng; sự khởi đầu với bao hy vọng, ước mong về những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm.
Tết cổ truyền đã thay đổi như thế nào theo dòng chảy thời gian? Phong tục đón tết của người Việt ở ba miền có gì khác biệt...? PGS-TS-Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Xã hội - Truyền thông, Trường đại học Văn Hiến, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên; TS Đào Nhật Kim, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học, Trường đại học Phú Yên và nhà giáo Nguyễn Hữu Nhân (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trao đổi những điều thú vị trong bàn tròn Zalo Tết xưa - Tết nay.
Tết cổ truyền trong dòng chảy thời gian
TS ĐÀO NHẬT KIM:
Sự thay đổi của tết cổ truyền ngày nay so với tết từ 40-50 năm trước là tất yếu. Ngày xưa kinh tế khó khăn nên mọi người thường để dành tiền bạc đến ngày tết mới mua sắm thức ăn, hoa quả, bánh trái và trang hoàng nhà cửa. Muốn có thức ăn hay bánh trái, người dân tự tay làm lấy từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Vật chất tuy có thể không đủ đầy nhưng không khí rất đầm ấm, rộn ràng của những ngày áp tết len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị đến thôn quê.
Trước đây, cứ gần đến đêm giao thừa thì mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, sau đó ngồi quây quần bên nhau để gói bánh chưng, bánh tét và canh nồi bánh đến tận khuya. Nhờ vậy mà cảm nhận được không khí tết đến càng gần và sự ấm cúng, gắn kết của các thành viên trong gia đình.
Ngày nay nhịp sống hối hả, sôi động cuốn mọi người vào vòng xoáy công việc nên không có thời gian để làm bánh trái, hoa quả cho ngày tết. Thêm vào đó, hàng hóa, bánh trái được bày bán ở các cửa hàng tiện lợi, ở siêu thị phong phú, người dân có thể đến mua sắm mọi lúc, mọi nơi nên tâm trạng háo hức chờ đón tết không còn mãnh liệt như trước đây...
Trước đây du xuân thường là đến chơi, thăm nhà người thân hoặc đi chùa hay những địa điểm gần nhà. Ngày nay, nhiều người lại chọn du xuân ở những nơi xa bằng những chuyến du lịch cùng gia đình để nghỉ ngơi, xả stress...
PGS-TS-NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THU TRANG:
Tết đã thay đổi rất nhiều, có những phong tục, thói quen không còn, và có những cái mới. Cuộc sống bận rộn và có nhiều dịch vụ nên ít người còn gói bánh chưng bánh tét, làm bánh mứt. Việc cúng kính cũng giản lược bớt. Tuy nhiên, tết cũng có thêm những nét mới. Ví dụ: Người Phú Yên hồi xưa không có tục đi hái lộc hay xuất hành đầu năm, bây giờ có tục đó. Sau giao thừa, rất nhiều người đi xe hoặc đi bộ theo những hướng họ cho là tốt, xuất hành đầu năm.
Sự thay đổi là tất yếu, vì cuộc sống thay đổi, những quan niệm sống thay đổi, những tiện ích xuất hiện... Một điều rất quan trọng nữa là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Ví dụ: Người Việt ở miền Bắc cúng ông Công ông Táo có cá chép, có gà, xôi.
Còn người Phú Yên cúng đơn giản, lễ vật bất di bất dịch là ba miếng cốm, ngoài ra nhà ai có vật phẩm gì thì dâng cái nấy. Bây giờ lễ vật cúng ông Táo có sự thay đổi. Có người cũng cúng cá chép hoặc cúng xôi, gà giống như người ở miền Bắc. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa không chỉ diễn ra ở Phú Yên mà những nơi khác cũng vậy.
NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU NHÂN:
Ở Nam Bộ, khi đón giao thừa, gần như các gia đình đều tụ họp con cháu trước bàn thờ gia tiên, đốt mấy nén hương, mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Và nếu không có chuyện gì đặc biệt lắm thì phải có mặt đầy đủ. Năm đó, tôi 25 tuổi, đi làm được mấy năm rồi. Đêm giao thừa, tôi đi chơi hơi khuya. Khi về nhà, tôi thấy má đứng trước cổng.
Má giận lắm. Má hỏi: Con đi đâu? Con biết còn bao lâu thì đến giao thừa không mà giờ mới xuất hiện? Tôi chưa kịp giải thích thì má kêu vô rửa mặt, thay áo liền và ra để lễ ông bà. Ông bà được mời về ăn tết với con cháu, chứng kiến cảnh con cháu tề tựu, tưởng nhớ tiền nhân...
Kỷ niệm đó, mấy mươi năm sau tôi vẫn nhớ. Không giao thừa nào tôi vắng mặt và tôi cũng dặn con cháu sau này nên có mặt trong thời điểm giao thừa. Các bạn trẻ bây giờ có thể chọn đón giao thừa ngoài công viên hoặc đi ra bờ sông để xem pháo hoa; mình cũng không cứng nhắc, quá nệ cổ.
Tuy nhiên các bạn phải báo cho gia đình và đốt mấy nén hương, xin phép rằng cho con, cho cháu được hòa mình vào không khí chung của cả nước đón giao thừa. Như vậy, sự tiếp nối truyền thống và hiện đại không bị... gập ghềnh.
Tính nhân văn trong phong tục ngày tết
TS ĐÀO NHẬT KIM:
Phong tục đón tết cổ truyền của người Việt ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam có sự khác biệt rõ rệt từ ăn uống, vui chơi, cho đến các lễ hội truyền thống.
Miền Trung là vùng đất giao thoa văn hóa, phong tục của hai miền Bắc và miền Nam, nhưng vẫn có những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng. Các món ăn thường mang tinh thần tiết kiệm, san sẻ của con người miền Trung.
Ở đây, mỗi món sẽ được chia thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít và bày trên chiếc mâm tròn như: Gà luộc, bánh tét, thịt heo, nem chua, dưa hành, chả ram... Ngoài những món ăn chính này, nhiều gia đình còn làm thêm các món mặn khác để làm đa dạng mâm cỗ như: tôm rim, gà rán, thịt ngâm nước mắm, thịt luộc, cá hấp, nem lụi...
Ngày đầu năm mới, mọi người sẽ cùng đi lễ chùa, cầu bình an và chúc tết người thân, bạn bè. Sau đó sẽ là các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian mang nét đặc trưng của mỗi vùng quê. Phong tục tết ở miền Trung khá thoải mái, tuy nhiên vẫn có những điều kiêng kỵ nhất định trong dịp tết như: Kiêng các món ăn từ tôm, kiêng trứng vịt lộn, thịt vịt, kiêng mặc đồ màu trắng...
PGS-TS-NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THU TRANG:
Văn hóa là sợi dây được duy trì từ đời trước đến đời sau. Khi cộng đồng đã tiếp nhận, thực hiện, duy trì thì mỗi phong tục đều có cái lý của nó. Phú Yên mình có rất nhiều phong tục rất thú vị và có tính nhân văn, ví dụ như phong tục cúng ông Táo. Người Phú Yên không có khái niệm ông Công, cũng không quan niệm rằng ông Táo chỉ trông coi mỗi việc bếp núc.
Minh họa: HƯNG DŨNG
Người Phú Yên cho rằng ông Táo là một vị thần cai quản trong nhà, bao gồm cai quản bếp núc - là chuyện quan trọng - và bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình. Từ lúc đứa trẻ được sinh ra cho tới những cái mốc quan trọng như thôi nôi, 3 tuổi, 6 tuổi, 12 tuổi, người lớn trong gia đình đều cúng ông Táo. Đứa trẻ có chuyện gì thì người lớn cũng khấn ông Táo.
Cho nên nghi thức đưa rước ông Táo của người Phú Yên, nhìn thì có vẻ giản dị, nhưng tôi thấy rất là sâu sắc. Người ta quan niệm rằng có một vị thần phò trợ trong nhà, đặc biệt là chăm sóc cho em bé - đối tượng cần được ưu tiên nhiều nhất, quan tâm nhiều nhất trong gia đình. Việc đưa ông Táo đi và rước ông Táo về được thực hiện hết sức nghiêm túc.
Đối với người Phú Yên, ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa thì hoa là một “món” dường như không thể thiếu. Ngày trước, người Phú Yên có lệ trồng hoa. Cứ tới kỳ tới hạn là người ta đào lỗ trồng cây vạn thọ đã ươm trước đó rồi chăm sóc, săm soi coi thử nó có xoay tròn hay không, nếu cây xấu thì nhổ đi và trồng cây khác thế vô, tạo thành một hàng vạn thọ từ cửa ngõ vào tới nhà cho đẹp. Người ta rất chú ý đến chuyện trồng hoa: vạn thọ, thược dược, hoa mai..., tôi thấy rất là thú vị. Bây giờ, đa phần người ta đi mua hoa. Nhưng việc trồng một chậu hoa rồi “canh” xem nó có nở đúng tết hay không, hồi hộp khi hoa nở sớm, rất là vui.
Người Phú Yên cũng có quan niệm dương sao âm vậy. Sau khi quét dọn, trang hoàng nhà cửa thì “nhà” của ông bà, cha mẹ đã mất cũng được chăm chút, trang trí bằng những chậu hoa, sau đó người ta thắp nhang mời ông bà, cha mẹ về ăn tết. Và tới mùng 3 hoặc mùng 5, mùng 7, tùy theo từng gia đình, họ cúng tạ, tiễn ông bà. Giá trị của gia đình, của cội nguồn vào ngày tết rất thiêng liêng. Không chỉ là cuộc đoàn viên, sum họp con cháu trong nhà, mà trong cuộc đoàn viên đó có cả những người đã khuất. Ngày tết vì vậy trở nên thiêng liêng.
NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU NHÂN:
Người Việt Nam coi trọng tình cảm gia đình. Cho nên vào dịp tết, dù ở xa, người ta cũng cố gắng về, sum họp gia đình. Bữa cơm đoàn viên trong ngày cuối năm và ngày đầu năm mới có ý nghĩa rất đặc biệt. Nếu về được thì bữa cơm đó có đủ ông bà, cha mẹ, anh em, ấm áp tình thân. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ trong ngày 30 tết hoặc mùng 1 tết mới thể hiện tình thân.
Đương nhiên không khí tết là rất đặc biệt, nhưng chúng ta cũng không quá nệ cổ đến mức bằng mọi giá phải về. Khi người phương xa háo hức trở về với gia đình, và người trong gia đình cũng trông chờ người nơi phương xa về thì mới mang ý nghĩa đoàn viên, chứ không phải về cho hàng xóm thấy rằng mình là người con hiếu đễ.
Minh họa: HƯNG DŨNG
Nếu cuộc sống hay sức khỏe chưa đảm bảo và khi về mà tạo một sức ép, một gánh nặng vô hình lên gia đình thì mình nên xem lại. Tình cảm, tấm lòng là trong suốt cuộc đời, suốt những năm tháng mình sống, còn ngày tết chỉ thể hiện một phần. Đương nhiên về là vui. Đương nhiên về là đoàn tụ gia đình, nhưng không về cũng không có nghĩa là chưa làm tròn chữ hiếu. Nên người lớn tuổi mở lòng với con cháu ở phương xa.
Mong ước một năm hanh thông, tốt đẹp
TS ĐÀO NHẬT KIM:
Những kiêng kỵ trong dịp đầu năm mới đều nói lên mong ước của mọi người là mọi việc suôn sẻ, hanh thông mở đầu cho một năm tốt đẹp. Vì vậy, đầu năm mới nên kiêng kỵ, tránh làm những việc không tốt, không may mắn. Tuy nhiên, nếu như có lỡ nói hay xảy ra những việc này thì cũng không nên lo lắng, hoảng sợ mà bình tĩnh khắc phục.
NHÀ GIÁO NGUYỄN HỮU NHÂN:
Người Việt mình có những kiêng cữ, không chỉ xuất phát từ tâm linh mà còn từ cuộc sống đời thường. Ví dụ người ta nghĩ: Những ngày đầu năm mới, ông bà về vui tết, con cháu sum vầy, nỡ lòng nào lớn tiếng với nhau, mất vui. Tình làng nghĩa xóm lúc tối lửa tắt đèn có nhau cho nên chín bỏ làm mười, không to tiếng, không có cự cãi trong những ngày này.
Điều đó là đúng, nên duy trì. Nhưng có những quan niệm không phù hợp, như kiêng quét nhà. Đâu nhất thiết phải chờ qua mấy mùng mới quét nhà! Phải quét nhà cho sạch chớ, và bỏ rác đúng nơi, đúng giờ, có phân loại rác, để cho anh chị em công nhân môi trường đỡ cực. Còn chuyện kiêng để tiền bạc đi ra thì tôi nghĩ như vầy.
Ngày xưa làm đầu tắt mặt tối cả năm, người ta muốn đồng tiền chảy vào chứ không muốn nó tuôn ra. Nhưng bây giờ, trong thời đại mới, vào những ngày đầu xuân, nhiều thanh niên tham gia các chương trình thiện nguyện, đi thăm những cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi cơ nhỡ và gửi tặng món quà xuân. Đó chính là mình cho đi. Cho đi để rồi nhận về rất nhiều: Nhận về niềm hạnh phúc từ sự chia sẻ.
PGS-TS-NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THU TRANG:
Việc duy trì những phong tục truyền thống có cái hay, giáo dục giá trị gia đình. Đó là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà ngày tết trở thành nặng nề, mệt mỏi thì không nên. Nhất là bây giờ, đời sống công nghiệp quá bận rộn, cho nên ai cũng muốn ngày tết đơn giản và nhẹ nhàng.
Có 3 thứ mà tôi nghĩ là phải bỏ. Thứ nhất là bỏ chuyện mua sắm, ăn uống phô trương, lãng phí. Quanh năm tiết kiệm, đến tết mua ê hề, để đầy trong tủ lạnh rồi ép nhau ăn, rất lãng phí. Thứ hai là chuyện quà cáp biếu xén. Ở một mức độ nào đó, quà tết là niềm vui.
Nhưng nếu nó quá lên thì sẽ trở thành... nặng nợ. Thứ ba là những kiêng cữ vô lối. Không quét nhà thì nhà dơ. Của nả do mình làm ra, làm sao mà cứ sợ mất? Mất hay không đâu có phụ thuộc vô mấy chuyện đó. Đừng tin mù quáng vào những điều vô lý!
Tết là sự khởi đầu, cho nên ai cũng gửi gắm hy vọng. Và khi hy vọng thì mình muốn mọi thứ chu toàn, hoàn hảo. Nhà cửa phải sạch sẽ; đừng có mượn tiền; đừng nói lời nặng nề với nhau; hãy vui vẻ... Những kiêng cữ tích cực đó đều thể hiện mong ước về một năm tốt đẹp. Cái đẹp của tết, sự hấp dẫn của tết chính là vì mình chờ đón, mình hy vọng, mình tin vào phía trước.
YÊN LAN (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313192/tet-co-truyen-trong-dong-chay-thoi-gian.html