Tết của gia đình ba đời không biết gói bánh chưng xanh

Hơn ba mươi năm nay, nhà tôi không hề gói bánh chưng nhưng không vì thế mà tết kém vui.

Thiếu vị bánh chưng, đủ vị tình thân

Khi những bông cỏ may tím thẫm nở muộn lan tận triền đồi, khi cây lúa cấy sớm rục rịch ra rễ nhảy những chồi non đầu tiên, làng tôi rộn ràng vào tết. Phụ nữ vào rừng cắt ngọn chè xanh. Trẻ con lên tận khe núi kiếm nhánh thông, cây phát rừng đẹp nhất. Đàn ông nhanh chân hái lá chuối, lá dong. Trời cuối đông, thơm nồng mùi tết. Những nhánh mạ cuối cùng cũng đã được cắm xuống. Mẹ tôi từ dưới ruộng đi lên với đôi môi tím tái vì lạnh thở phào: Xong rồi! Nghỉ tết thôi.

 Một góc phiên chợ tết làng tôi

Một góc phiên chợ tết làng tôi

Nhiều năm về trước, tôi từng buồn bã hỏi ba, vì sao gia đình tôi chưa bao giờ có nồi bánh chưng. Ba tôi cười trừ phân bua rằng ông gói bánh không ngon nhưng cả nhà ngầm hiểu - ông không hề biết gói bánh. Mãi sau này tôi mới biết, nhà ông nội ngày xưa rất nghèo, tết đến cũng không có nếp có thịt mà bày biện cỗ bàn. Bà mất sớm, ông nội gà trống nuôi con. Lớn lên trong gia đình không có truyền thống gói bánh, anh hai tôi cũng không biết. Mẹ tôi cũng thử vài lần nhưng thất bại.

Cứ ngày 30 tết, mẹ tôi lại trêu ba: Ông ra mà coi, ông A hàng xóm đang nấu bánh chưng kìa. Ba tôi hóm hỉnh đáp lại: Thì bà cũng đâu biết đi xe đạp như bà B vợ ông A hàng xóm, có người đi chợ tết mà còn rề rà cả buổi.

Ba mẹ tôi nhìn nhau cười tủm tỉm. Mẹ tôi chỉ biết đi bộ nên muốn đi chợ phải gọi ba hoặc tôi chở. Tôi thường đứng chờ mẹ ngoài cổng chợ. Nhiều lần, chờ gần cả buổi, vãn người rồi vẫn không thấy mẹ ra. Nóng ruột, tôi vào chợ tìm. Mỏi mắt tìm giữa hàng trăm cái nón lá thấp thoáng, tôi thấy mẹ vừa thong thả lựa đồ vừa buôn chuyện. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện bà đã cấy xong vụ chưa, tết năm nay con bà có về quê không? Hóa ra, cả mùa năm mẹ tôi đã gắn với ruộng đồng với việc gia đình, nay thảnh thơi mấy ngày tết, mẹ tranh thủ hàn huyên với bạn cũ.

Hơn ba chục năm nay, chưa năm nào nhà tôi có lá dong xanh hay nồi bánh chưng nghi ngút khói. Ba tôi vẫn chỉ biết gói duy nhất mấy con giò bột. Còn mẹ tôi cứ giữ nguyên thói quen vừa đi chợ vừa rề rà buôn chuyện để mặc ba con tôi mỏi cổ đợi chờ. Có lẽ, khi biết bao dung với những điều không hoàn hảo thì vị bánh chưng có thể thiếu nhưng hương vị tình thân thì luôn đong đầy.

 Cây đa đầu làng tôi đón người con xa xứ về quê mẹ

Cây đa đầu làng tôi đón người con xa xứ về quê mẹ

Không đặt nặng chuyện cỗ bàn, có lẽ cả nhà tôi nghiêng về chơi tết chứ không đơn thuần là ăn tết. Sau bữa cơm tụ họp đầu năm, mỗi thành viên gia đình sẽ tự chọn cách chơi tết khác nhau, ở nhiều địa điểm tùy sở thích từng người. Mẹ tôi tạm gác chức vụ làm mẹ, chuyện bếp núc, mà dành thời gian tới nhà những người bạn thân thời chăn trâu cắt cỏ. “Hội đồng niên” cùng ngồi buôn chuyện thoải mái. Tôi để ý, mẹ cười nhiều, vui vẻ hẳn. Ba tôi cũng “tạm nghỉ” nhiệm vụ làm ba vài ngày, dành thời gian uống chè xanh với các bác đồng đội cũ, họ cùng đàm đạo chuyện đồng đội, chuyện làng xã… Tôi thường rủ mấy bạn thân leo núi ngắm lộc non rồi ra biển ngắm những con thuyền ngoài xa khơi. Buổi tối, cả nhà ngồi nhóm bếp, hơ tay, hào hứng kể chuyện ngày xuân.

Bao năm nay, tết nhà tôi vẫn giữ nếp cũ, tưởng nhớ tổ tiên nhưng không đặt nặng việc phải cúng bái mỗi ngày. Dù không đủ món, đủ mâm nhưng mẹ tôi luôn nói lòng thành cốt ở cái tâm. Mâm cỗ tết - mỗi người trong nhà sẽ phụ trách một công đoạn. Vì không bị áp lực, đầu tắt mặt tối với việc làm mứt kẹo, mâm cỗ nên ai cũng thảnh thơi, nhẹ nhàng. Có lẽ, niềm vui những ngày đầu xuân là các thành viên được tôn trọng làm điều mình thấy vui, được đến những nơi mình muốn, ở bên người mình thấy thoải mái. Điều quan trọng là được chấp nhận những điều khác biệt, bao dung với những điều không hoàn hảo. Những mùa tết, với gia đình tôi có thể thiếu nhiều thứ nhưng chỉ cần trọn vị quan tâm, đủ chia sẻ và yêu thương. Tết - đơn giản chỉ cần vui.

THU NGUYỄN

D4, Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-cua-gia-dinh-ba-doi-khong-biet-goi-banh-chung-xanh-post723253.html