Tết đất liền nhớ Tết trùng dương
Khi bài báo này đến tay bạn đọc, thì chúng tôi cũng được biết con tàu KN491 đã từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) vượt sóng mang hàng hóa, quà Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của bà con trong đất liền đến với quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những kỷ niệm đón Tết trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lại dội về mạnh mẽ và hào hùng đầy xúc cảm vinh quang trong từng nhịp đập trái tim.
Hải trình của trái tim
Đảo đầu tiên trên hải trình Trường Sa 2020 của chúng tôi đó chính là đảo Đá Lát. Sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, đánh vật với những cơn say sóng triền miên, dữ dội, thì “liều thuốc” kích thích mạnh mẽ nhất để tôi và các phóng viên tỉnh lại như sáo đó chính là thông báo của chỉ huy tàu KN491 “đã đến gần đảo Đát Lát”.
Được tham gia hải trình Trường Sa thân yêu, lại vào đúng dịp Tết, thay thu quân, đón Tết trên đảo như tôi có lẽ là may mắn mà bất cứ phóng viên nào cũng mong muốn có được trong cuộc đời cầm bút của mình. Sức mạnh của biển đảo quê hương đã giúp tôi cũng như không ít phóng viên tưởng chừng như nằm bẹp trong phòng vì say sóng cũng bật dậy chạy lên boong tàu, hồi hộp chờ xuống xuồng đặc chủng để vào đảo Đá Lát đang kiêu hùng đứng giữa biển khơi.
Trong muôn vàn những con người và những điều ấn tượng nhất trên đảo Đá Lát với tôi là nụ cười rất hóm hỉnh của người lính trẻ Đỗ Ngọc Trường, quê ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Dáng người cao, rắn chắc, nước da nhuộm màu nắng gió của Trường Sa, Đỗ Ngọc Trường đứng cạnh biểu tượng cột mốc chủ quyền, hai tay bồng súng mạnh mẽ, đôi mắt cương nghị nhìn thẳng ra hướng biển. Trường nhớ như in từng ngày, từng tháng bồng súng đứng như vậy canh giữ đảo quê hương, bởi với anh và đồng đội, đó là nhiệm vụ thiêng liêng nhất mà Tổ quốc, ông cha đã trao truyền.
Tết năm đó khi chúng tôi ra thăm, Trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương và được xuất ngũ trở về gia đình. Khi chỉ huy đảo dẫn một chiến sĩ trẻ ra thay, Trường và đồng đội làm thủ tục trao súng, đổi gác nghiêm trang và tự hào. Hai chiến sĩ dù tuổi đời chẳng chênh lệch là mấy, nhưng bất kỳ ai mới gặp cũng có thể dễ dàng nhận biết được đâu là “lính cũ”, “lính mới” qua nước da màu biển ấy. Không chỉ là ca đổi gác thông thường, đối với Trường, đó còn là sự tự hào, niềm tin và cả ước vọng hãnh diện, vinh quang tuyệt đối nhất trao truyền trong trái tim những người lính với nhau.
Trước giờ Trường chia tay đồng đội, xuống xuồng lên tàu KN491 cùng chúng tôi, Trường xin phép chỉ huy đảo dẫn mấy người lính trẻ được bổ sung lên đảo trong dịp thay thu quân đó, để dẫn ra vườn rau nhỏ xinh nơi mà trong suốt hơn 1 năm qua, anh và đồng đội chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận, hướng dẫn cách chăm sóc tốt nhất. Trước giờ chia tay, đối với người lính đảo ấy, từng chiếc lá, cọng rau, ngọn cây trên đảo cũng hóa tâm hồn, chẳng lỡ xa rời.
Trong khi đó, cùng lên đảo Thuyền Chài với chúng tôi là Thượng úy Hoàng Văn Thảo, Chính trị viên của đảo. Hơn 30 tuổi nhưng chẳng ai có thể đoán đúng tuổi thật của Thảo ngoài… lính đảo với nhau. Quê Thảo tận Nghệ An nhưng có thời gian khá dài là lính đảo trước khi trở thành chỉ huy. Khi biết tôi ở Bắc Ninh, Thảo thêm hào hứng câu chuyện bởi trong suốt quãng thời gian tuổi trẻ của mình trước đó, Thảo có 5 năm tham gia học tập tại đây.
Thảo khoe với chúng tôi cô con gái Hoàng Hạnh Ngân được 2 tuổi ngoan và biết rất nhiều trò. Trước khi xuống tàu làm nhiệm vụ, Thảo dặn vợ đang mang thai con thứ hai khi sinh sẽ đặt tên con là Hoàng Quang Minh. Thảo nói, đàn ông là phải luôn quang - minh - chính - đại, muốn gửi gắm niềm tin yêu vào cậu con trai đang chuẩn bị chào đời ước vọng lớn lao đó.
Quê nhà là Trường Sa
Nếu như thời gian ở trên các đảo Đá Lát, Thuyền Chài, An Bang… chỉ được tính bằng giờ, thì tôi và đoàn công tác lại có 2 ngày trọn vẹn sinh sống và làm việc cùng với quân và dân trên đảo Trường Sa lớn - “Thủ đô” - trái tim của quần đảo Trường Sa. Sự tính toán khéo léo, khoa học của chỉ huy đoàn tàu KN 491 trong việc di chuyển giữa các đảo trên hải trình Trường Sa đã giúp đoàn công tác của chúng tôi được đặt chân lên đảo Trường Sa lớn vào đúng mùng 1 Tết. Trong cuộc đời làm báo của mình, dù đã đi khắp nơi, đón Tết ở khắp mọi miền Tổ quốc, thì được đón Tết tại Trường Sa luôn là điều may mắn, đặc biệt, thiêng liêng nhất…
Buổi sáng mùng 1 Tết, những phóng viên sau một đêm văn nghệ đón Giao thừa không ngủ đầy hào hứng đã có mặt từ rất sớm khu vực dưới sân băng Trường Sa. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, ánh rực thêm giữa nắng mới trên cột mốc chủ quyền. Cùng với chúng tôi là các đơn vị đang đóng quân tại đảo Trường Sa. Và đương nhiên, trong hàng quân, dân đội ngũ chỉnh tề ấy, không thể thiếu những công dân Trường Sa, nơi cha ông bao đời khai hoang mở đất, lập nghiệp trong dải đất thiêng liêng của Việt Nam anh hùng.
Sau khi chào cờ, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Bảo tàng Trường Sa, chúng tôi cùng bộ đội gói bánh chưng. Những chiếc bánh chưng được gói bằng lá dong từ đất liền gửi ra vẫn còn xanh biêng biếc màu trời. Đôi khi lá dong thiếu, để có đủ lá gói bánh, anh em bộ đội còn lấy cả lá bàng vuông. Những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông bao giờ cũng thật đặc biệt trên mâm ngũ quả, mâm cỗ ngày Tết, mang đậm hương sắc rất riêng biệt nơi đất trời Trường Sa.
Vào thăm và chúc Tết nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - một trong rất nhiều hộ dân sinh sống lâu đời trên đảo, ấn tượng với chúng tôi đó chính là sự khang trang, đẹp đẽ và ấm cúng như chính mình đang đón Tết ở nhà cùng gia đình. Mâm cơm của gia đình cũng có đầy đủ những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, canh măng…
Trên bàn thờ gia đình và Bác Hồ cũng đầy đủ ngũ quả. Những vỏ sò, ốc biển đủ sắc màu mà chồng đánh bắt được mang về sau buổi đánh cá, kéo lưới trên biển được chị Dung khéo léo chế tác thành cây mai vàng và hoa đào rực rỡ. Sau bữa cơm, cháu Nguyễn Quốc Anh con của chị Dung thấy chúng tôi cứ kéo tay ra sân để chơi trò đá bóng với đám bạn cùng trang lứa. Dưới tán dừa xanh mát được cha ông vợ chồng chị Dung trồng bao đời nay ở trước cổng nhà, những bàn chân chơi đùa cùng trái bóng của các công dân tí hon trên đảo càng làm cho không khí ngày Tết thêm rộn rã tiếng cười, niềm vui. Sau trận bóng, Quốc Anh lấy chiếc xe đạp nhỏ dẫn theo mấy bạn đạp xe quanh đảo khoe với các chú bộ đội về những món đồ chơi, quà được tặng trong năm mới.
Ngày Tết, cư dân trên đảo Trường Sa không thể thiếu việc dâng hương đi lễ chùa đầu năm cầu cho một năm mưa gió thuận hòa, quân dân mạnh khỏe, chắc tay súng, vững tay chèo bảo vệ biển đảo quê hương muôn đời hòa bình, thịnh vượng. Chùa Trường Sa nằm ngay vị trí trung tâm của đảo, đối diện với Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ… Ngôi chùa Trường Sa cũng giống như biết bao ngôi chùa Việt khác trên khắp dải đất hình chữ S thân thương này. Thanh âm của tiếng chuông chùa ngân vang trong gió, thân thương như khói bếp mái nhà quê, ấm áp như ánh lửa nồi bánh chưng đêm 30 Tết…
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tet-dat-lien-nho-tet-trung-duong-post457735.antd