Tết Đoan Ngọ ăn rượu nếp có lên nồng độ cồn?
Rượu nếp là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ, thế nhưng không ít người băn khoăn liệu khi ăn rượu nếp có bị xử phạt liên quan đến nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Những tác dụng của rượu nếp đối với sức khỏe
Ngoài được biết đến như một thứ rượu uống thì rượu nếp còn nhiều công dụng tuyệt vời mà người dùng chưa biết đến như:
Rượu nếp kích thích tiêu hóa
Các chuyên gia cho biết, rượu nếp cẩm hay rượu nếp cái vừa là thức ăn vừa là đồ uống, dùng cả cái lẫn nước, nó có hương thơm ngọt, được rất nhiều người ưa thích cả trẻ em và người lớn. Rượu nếp vừa có tác dụng bồi dưỡng cơ thể vừa kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon miệng hơn.
Ngoài ra, rượu nếp còn có thể kết hợp ăn với sữa chua, món này còn được gọi là “Sữa chua nếp cẩm” là một món ăn tốt cho tiêu hóa và rất được trẻ yêu thích. Lượng cồn trong cơm rượu nếp rất thấp. Khi làm cơm rượu nếp người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày (rượu được ủ trong 7 - 10 ngày, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn khi thời gian ủ rượu càng lâu). Do đó bạn không cần lo sợ rằng ăn vào sẽ bị say.
Tác dụng trong việc chữa bệnh có liên quan đến tuyến tính, trực tràng
Hạt gạo nếp chứa nhiều thành phần chất xơ nên có tác dụng rất tốt trong phòng và chữa bệnh ung thư tuyến tính, trực tràng… Những người hay bị khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa có thể dùng một nắm gạo nếp rang khô với một quả cau khô, một ít hạt tiêu cho vào giã nhuyễn, tán thành bột mịn để uống với nước ấm. Điều này sẽ rất có tác dụng làm giảm những triệu chứng trên.
Rượu nếp với công dụng phòng ngừa tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên những người mắc chứng dị ứng sử dụng thuốc hạ huyết áp thì cho ra kết quả cơm rượu nếp cẩm có thể làm giảm nồng độ cholesterol có hại trong máu.
Cụ thể họ tiến hành nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân: Nhóm thứ nhất sử dụng thuốc hạ huyết áp, nhóm thứ hai ăn cơm rượu nếp cẩm và cả hai nhóm này đều cùng tham gia vào một quá trình điều trị bằng cách thay đổi hoạt động sống. Kết quả sau hai lần kiểm tra vào tuần thứ 12 và tuần thứ 24 đều cho thấy lượng cholesterol (tổng mức cholesterol và cholesterol có hại) ở nhóm thứ hai giảm nhiều hơn so với nhóm thứ nhất. Điều này chứng tỏ rằng rượu nếp có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa tim mạch, tăng huyết áp và đột quỵ.
Tác dụng phòng chống ung thư của rượu nếp
Với mẫu phân tích là cám lấy từ gạo nếp cẩm được trồng ở Mỹ, nhóm nghiên cứu của Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phát hiện thấy lượng lớn chất chống oxy hóa anthocyanin - một chất có khả năng chống ung thư, tim mạch và nhiều loại bệnh khác. Anthocyanin cũng là chất làm cho một số loại rau quả có màu đen sẫm như việt quất, mận, khoai lang tím, cà tím…
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chất chống oxy hóa màu đen có tác dụng bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa sự hủy hoại của ADN - một trong những yếu tố gây nên ung thư. Gạo nếp cẩm có màu đen sẫm, sau khi chế biến sẽ chuyển sang màu tím sẫm và nó cũng chứa nhiều khoáng chất và aminoaxit. Đây cũng là lý do tại sao gạo nếp cẩm có tác dụng chống ung thư.
Rượu nếp cẩm có khả năng phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt
Theo phân tích, sắt trong thành phần gạo nếp rất cao. Thiếu máu do thiếu sắt là một bệnh phổ biến, bệnh nhân thiếu máu thường dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, hạ huyết áp… Do đó, ăn gạo nếp hàng ngày sẽ bổ sung sắt cho cơ thể, từ đó phòng được các bệnh về thiếu sắt.
Làm đẹp
Một trong những công dụng không ngờ của rượu nếp là làm đẹp. Trong gạo nếp chứa một lượng lớn vitamin B có công dụng làm đẹp da, cải thiện chất lượng tế bào da. Cụ thể như:
Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Chất dinh dưỡng trong rượu nếp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và duy trì vẻ đẹp của làn da.
Làm giảm sự tiết bã nhờn của da.
Tham gia vào quá trình hình thành các tế bào da và sinh năng lượng cho tế bào.
Rượu nếp có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, tuy nhiên theo TS Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý người ăn rượu nếp lượng quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể bị say. Ăn nhiều rượu nếp cũng có thể dẫn tới bị quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nồng độ cồn trên 0 độ vẫn là vi phạm giao thông. Vì vậy, ăn 1/3 bát rượu nếp thì khoảng một vài tiếng sau mới nên tham gia giao thông.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, ăn một số trái cây chứa đường như nho, sầu riêng hay rượu nếp… có thể để lại hàm lượng cồn trong hơi thở, dẫn đến nguy cơ một số trường hợp có thể bị xử phạt oan.
Trước thông tin trên, một số chuyên gia về thực phẩm khẳng định, người dân không cần lo lắng bởi hàm lượng cồn rất nhỏ phát sinh khi ăn hoa quả sẽ nhanh chóng được chuyển hóa. Thậm chí, sau khi ăn, người dân chỉ cần uống một cốc nước hoặc vận động nhẹ nhàng là hàm lượng cồn đã không còn lưu lại trong hơi thở. Ngoài ra, xác suất người dân vừa ăn xong thực phẩm chứa cồn liền bị CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn là rất thấp.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia cũng cho biết, lực lượng CSGT đã được tập huấn kỹ càng về những thông tin này nên người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng. Nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường thì sẽ không bị xử phạt.
Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội cho biết, tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra theo chuyên đề về đo nồng độ cồn đều được tập huấn, quán triệt kỹ càng quy trình xử lý theo các bước nhất định.
Theo đó, người điều khiển phương tiện được dẫn vào khu vực kiểm tra, nghe hướng dẫn cụ thể về cách thổi vào thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn. Kết quả ngay sau đó cũng sẽ được in ra một bản giấy. Người điều khiển phương tiện nếu thừa nhận vi phạm, sẽ ký vào giấy báo kết quả đo và biên bản vi phạm hành chính sẽ được lập ngay sau đó.
“Nếu phát sinh các trường hợp kết quả đo khí thở có nồng độ cồn nhưng người vi phạm không thừa nhận việc mình đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích, mà giải thích rằng mình vừa ăn hoa quả, rượu nếp hay sinh tố... thì sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để lấy máu kiểm tra. Việc ăn hoa quả hay rượu nếp chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu. Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký thông tư phối hợp, quy định trong những trường hợp cần thiết, lực lượng CSGT sẵn sàng mời người vi phạm đến cơ sở y tế để lấy máu, tiến hành đo nồng độ cồn, tìm ra nguyên nhân chính xác tuyệt đối”, Trung tá Vũ Văn Hoài thông tin.
Tuy nhiên, Trung tá Vũ Văn Hoài cũng cho biết, thông thường, đó chỉ là những lý do “ngụy biện” cho việc sử dụng bia, rượu, bởi với thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định, bảo đảm các thông số kỹ thuật an toàn thì sẽ không có tình huống xử phạt “oan” cho người ăn hoa quả.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tet-doan-ngo-an-ruou-nep-co-len-nong-do-con-post1544902.tpo