Tết Đoan Ngọ - mong mùa bội thu
Tết Đoan Ngọ là lễ truyền thống quan trọng của nhiều dân tộc trong tỉnh, người dân quen gọi là tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, nhiều hộ làm bánh gio, dâng hương tổ tiên, ăn các loại trái cây có vị chua và cơm rượu nếp... Cách đón tết Đoan Ngọ ở nhiều nơi có thể có chút khác nhau nhưng đều chung ý niệm loại bỏ điều xấu, mong sức khỏe bình an, diệt sâu bọ và cầu mong mùa màng bội thu.
Chị Vương Ngọc Thư sinh ra và lớn lên ở Mường Khương, sau đó lập nghiệp, sinh sống tại phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai). Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, từ tấm bé, chị Thư đã phụ giúp cha mẹ những công việc sinh hoạt thường ngày hoặc việc đồng áng quen thuộc của nhà nông. Thế nên, từ ngày nhỏ chị đã được học cách gói nhiều loại bánh cũng như chế biến các món ăn truyền thống. Trong trí nhớ của chị Thư, ngoài những lễ phụ (có thể đón hoặc không) người dân trong làng mỗi năm có 3 ngày lễ lớn là tết Nguyên đán, Rằm tháng Bảy và tết Đoan Ngọ - diệt sâu bọ.
Rời xa bản làng đã hơn 10 năm nhưng vẫn theo thói quen cũ, dịp tết nào chị Thư cũng tự tay gói những chiếc bánh truyền thống để dâng cúng tổ tiên. Là người dân tộc Nùng nên dịp đầu năm chị Thư gói bánh gù (bánh chưng đen), Rằm tháng Bảy làm bánh gù và bánh rợm và dịp Tết Đoan Ngọ sẽ làm bánh gio. Trong cái nắng tháng Năm nóng như rang, bà con vào vụ thu hoạch lúa, thóc phơi ngoài sân, rơm rạ phơi ngoài đồng, ngoài bãi, chị Thư chạy xe từ thành phố Lào Cai vào Bát Xát để xin... 2 bao rơm. Rơm đem về chị mang lên tầng 3 phơi cho thật vàng rồi đốt lấy tro. Chị Thư tâm sự: Mình phải vào Bát Xát xin rơm là vì trong đó bà con cấy lúa Séng cù, rơm phơi khô, đốt lên rất thơm. Phần tro sau khi đốt sẽ ngâm, tách lấy nước để ngâm gạo làm bánh gio. Đây cũng là một trong những bí quyết để có món bánh ngon, màu vàng, trong và dẻo vào ngày tết diệt sâu bọ.
Để chuẩn bị cho ngày tết quan trọng này, chị Thư cũng tranh thủ chạy xe đến vùng ven thành phố hái lá chít về gói bánh. Theo chị Thư thì lá chít để gói bánh phải là lá bánh tẻ, đem về luộc chín rồi dùng gói bánh sẽ có mùi thơm đặc trưng. Ngoài cách làm bánh bằng gạo nếp ngâm với nước tro bếp, nhiều gia đình còn làm bánh bằng gạo nếp trộn với than của cây núc nác giã nhuyễn, thảo quả rang và muối... Bánh làm cách nào cũng phải dùng đến tro bếp (hoặc than) vì theo quan niệm có thể xua đuổi những điều xấu, không may mắn...
Bánh gio là món bánh phổ biến của nhiều dân tộc, có nơi gọi là bánh chít, bánh 3 sừng hoặc bánh sừng trâu. Quan niệm về món ăn, cách gói, chế biến có thể khác nhau nhưng bánh gio là món ăn truyền thống trong ngày tết diệt sâu bọ.
Ngoài bánh gio, tùy theo phong tục từng nơi mà mâm lễ cúng tổ tiên sẽ có thêm thịt gà, thịt vịt, chân giò, cơm rượu và hoa quả (thường có vị chua). Nhiều người tin rằng trong ngày này có thể diệt được các loại sâu bọ ký sinh trong cơ thể bằng một số món ăn, nhất là bằng cơm rượu và các loại quả chua. Tháng Năm cũng là lúc Lào Cai vào mùa mận chín nên các loại mận cũng là loại quả thường thấy nhất trong dịp lễ này.
Năm nào cũng thế, ngoài chuẩn bị mâm cơm thắp hương dâng cúng tổ tiên, bà Tung Thị Hoa, thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương) đều đi chợ từ sáng sớm, mua 1 - 2 cân mận hoặc 1 chùm vải về cho các cháu... diệt sâu bọ. Để tăng “hiệu quả” diệt trừ, bà Hoa hướng dẫn các cháu ăn vài quả mận chua ngay sau khi thức dậy. Bà vẫn luôn giữ niềm tin như thế bởi từ ngày nhỏ bà đã được nghe người lớn truyền tai nhau rằng buổi sáng sớm ngày tết Đoan Ngọ, khi cơ thể chưa dùng bữa mà ăn quả chua, ăn cơm rượu nếp cái, nếp cẩm sẽ giúp đào thải các loại sâu bọ, côn trùng ký sinh có thể gây hại cho con người. Việc dâng hương tổ tiên, ăn quả chua diệt sâu bọ trên cơ thể là để mong một năm khỏe mạnh, cây cối được mùa, tốt tươi.
“Các con, các cháu lớn dần, mỗi dịp tháng Năm đều nghe có đứa cằn nhằn ăn đồ chua buổi sáng sẽ không tốt, dễ đau bụng nhưng ai cũng cười tươi, nhăn mặt thưởng thức bữa sáng đặc biệt nhất trong năm này. Có thể các con nói đúng nhưng truyền thống mà, ai cũng cố gìn giữ vì thành nếp rồi. Một năm chỉ diệt sâu bọ 1 lần chứ mấy” - bà Hoa tươi cười lý giải.
Với những người làm nông như bà Hoa, tết diệt sâu bọ là tết đặc biệt gắn liền với mùa màng và thời tiết. Cái nắng tháng Năm giục những mảnh ruộng chín vàng, nông dân vào mùa thu hoạch. Thế nhưng tháng Năm bắt đầu nắng nóng, chuyển mưa nhiều và cũng là giai đoạn dịch bệnh dễ phát sinh cho cả các loại cây trồng lẫn con người. Tết Đoan Ngọ là dịp để người dân bày tỏ mong cầu một năm sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe, bình an. Sau này, mặc dù nhiều gia đình đã “ly nông, ly hương” nhưng phong tục đó vẫn được giữ gìn, trở thành một ngày tết truyền thống của nhiều dân tộc. Tại Lào Cai, tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ, tết chính của các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Giáy, Phù Lá, Mường, Thái, Pa Dí, Bố Y... Mỗi dân tộc có một định nghĩa, quan niệm hoặc truyền thuyết khác nhau về ngày lễ này nhưng hầu hết liên quan đến tập quán sản xuất nông nghiệp và coi ngày này là ngày lễ diệt trừ sâu bọ, mong mùa màng bội thu và gia đình luôn gặp may mắn, dồi dào sức khỏe.
Trình bày: Lê Nam
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tet-doan-ngo-mong-mua-boi-thu-post385171.html