Tết Đoan ngọ trong đời sống nông nghiệp người Tày

Trong các ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc có thể nói Tết Đoan ngọ cùng với cúng cầu mùa, lễ ăn cơm mới... là những ngày Tết, lễ gắn chặt với đời sống nông nghiệp. Với ý nghĩa là lễ cúng diệt trừ sâu bệnh, cầu cho mùa màng tốt tươi, Tết Đoan ngọ còn có tên gọi dân dã là Tết diệt sâu bọ. Ngày Tết dân dã này được người Tày coi là một ngày quan trọng bởi một vụ mùa bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại sẽ mang đến no đủ cho cả năm.

Các món ăn không thể thiếu trọng ngày Tết Đoan ngọ của dân tộc Tày.

Các món ăn không thể thiếu trọng ngày Tết Đoan ngọ của dân tộc Tày.

Người Tày chuẩn bị ăn Tết Đoan ngọ từ ngày 4.5 âm lịch. Cá nướng, xôi, hoa quả và thuốc nhuộm móng tay là những thứ không thể thiếu trong ngày này nên cần được chuẩn bị trước; những người bạn bè, họ hàng thân thích ở xa cũng được mời trước để ngày 5.5 đến thăm chơi, ăn Tết diệt sâu bọ cùng gia đình. Hệ thống ngày lễ trong năm của người Tày thường gắn với ngày Rằm âm lịch hàng năm gần như 12 tháng đều có ngày lễ với đặc trưng các món ăn truyền thống tùy từng lễ trong tháng. Riêng Tết diệt sâu bọ được tổ chức ngày 5.5 theo truyền thống trong ngày này người Tày sẽ ăn xôi ngũ sắc với cá nướng, hoa quả vào buổi sáng ngày 5.5. Do vậy, từ hôm trước các món cần thiết đã được chuẩn bị chu đáo; xôi ngũ sắc được đồ, cá được bắt thường là cá Bỗng loại cá đặc sản của người Tày Hà Giang, hoa quả gồm vải, đào, mận… Trong đó không thể thiếu là thuốc nhuộm móng tay thứ mang biểu trưng cho sức khỏe, may mắn trong ngày đặc biệt.

Nhuộm móng tay cầu may mắn, sức khỏe cho trẻ nhỏ trong ngày Tết Đoan ngọ.

Nhuộm móng tay cầu may mắn, sức khỏe cho trẻ nhỏ trong ngày Tết Đoan ngọ.

Nhuộm móng ngày Tết Đoan ngọ là phong tục được truyền đời của người Tày. Sau khi chuẩn bị hết các đồ cần thiết cho ngày diệt sâu bọ, người phụ nữ trong nhà thường dành thời gian để hái lá cây móng tay, củ nghệ…về để làm thuốc nhuộm móng. Buổi tối khi nướng cá, đồ xôi bên bếp lửa, gói thuốc bằng bàn tay được bọc trong lá dong cũng được mang ra hơ trên than lửa để các nguyên liệu kết dính với nhau. Lúc cá vừa nướng xong cất đi thì bắt đầu bó thuốc nhuộm móng cho cả nhà. Gói thuốc được chia nhỏ thành từng mẩu vừa với móng tay từng người, các mẹ, các chị đặt ít thuốc nhuộm đó vào móng tay từng thành viên trong gia đình rồi buộc lại bằng sợi rơm. Thường thì người lớn sẽ nhuộm 1 đến 2 ngón trên bàn tay hoặc nhuộm ngón chân cái, còn đám trẻ con ngày xưa háo hức với phong tục này lắm. Mỗi đứa đều đòi nhuộm cả mười ngón tay, có lúc nhuộm cả mười ngón chân luôn mới hài lòng. Ngay cả em bé mới sinh cũng được nhuộm móng, bó thuốc còn sót lại bao nhiêu sẽ được buộc hết vào bàn chân của bé để hôm sau cả bàn chân bé xíu nhuộm thành màu đỏ cho may mắn, an lành.

Sáng sớm mùng 5.5, sau khi cả nhà thức dậy các món cá nướng, xôi, hoa quả được bày ra. Cá là cá Bỗng, cá Chép được chia miếng bằng bàn tay rồi ướp riềng, mẻ, nghệ, mắc khén khử tanh rồi nướng trên than lửa cho chín đều và dậy mùi thơm. Từng miếng cá nướng thơm nức được xé miếng vừa ăn bày trên đĩa, bên cạnh là gói xôi ngũ sắc đẹp mắt. Trung tâm sẽ là đĩa hoa quả với đủ thứ quả đặc trưng của mùa này là mận, đào, vải… Từ xưa, quan niệm các món ăn trong bữa sáng mùng 5.5 đều là một vị thuốc, để bắt đầu vào bữa mọi người sẽ chia nhau ăn hoa quả trước rồi mới lần lượt đến xôi và cá.

Sau bữa sáng sẽ là lúc chuẩn bị đón khách đến chơi, bữa cơm trưa sẽ được thêm rượu để đãi khách. Những khách đường xa như từ bản người Dao, từ xã khác đến sau khi về gia chủ sẽ chuẩn bị sẵn một gói xôi, một miếng cá nướng để làm quà mang về cho trẻ con ở nhà.

Trong ngày này, ngoài ý nghĩa diệt trừ sâu bọ, để cho mùa màng tốt tươi thì những người làm nghề thầy lang có thể truyền nghề cho con, cháu, học trò, hoặc mọi người thực hiện khảo cây để các loại hoa quả đơm hoa kết trái nhiều hơn. Là một dân tộc mang nhiều nét văn hóa bản địa đặc sắc, người Tày hiện nay vẫn lưu giữ được những nét riêng ít pha trộn của dân tộc. Những giá trị tốt đẹp được lưu truyền sẽ giúp con cháu hướng thiện, coi trọng giá trị của lao động.

Bài, ảnh: Trà Nhân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202306/tet-doan-ngo-trong-doi-song-nong-nghiep-nguoi-tay-f2e638a/