Tết độc lập đặc biệt ở xứ Lệ

Không thể tìm thấy nơi nào có cách đón ngày Quốc khánh đặc biệt như ở Lệ Thủy (Quảng Bình). Với người dân ở nơi đây, ngày 2/9 không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập nước đơn thuần, mà đó là một ngày quan trọng không kém gì tết Nguyên đán. Với người dân Lệ Thủy, đây cũng là ngày của sự đoàn tụ, sum vầy.

“Dù ai đi Tây, về Đông/Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”. Không biết từ bao giờ, câu ca này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Lệ. Để cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày độc lập, người ở nơi này từ mọi miền Tổ quốc lại theo nhau về quê đón “Tết”.

Vui như Tết

Ngôi nhà của ông Đinh Văn Bảy (49 tuổi), trú tại thôn Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, nằm gần bên một nhánh sông Kiến Giang chảy xuyên qua Lệ Thủy. Những ngày cuối tháng 8, ông bắt đầu công việc dọn dẹp lau chùi bàn thờ tổ tiên. Lá cờ Tổ quốc đã nhuốm màu mưa nắng của gia đình treo từ tết Nguyên đán cũng được ông thay bằng một lá cờ mới tinh tươm trước ngõ. Ngoài sân, những người con của ông sửa sang lại hàng rào, cắt tỉa cây cối. Trong nhà những thúng nếp ngon nhất vừa thu hoạch ở mùa vụ trước được sàng sảy bỏ lên ngăn bếp, trước để dâng lên bàn thờ, sau để đãi con cháu, khách khứa.

 Với người dân Lệ Thủy, ngày tết Độc lập là ngày của sự tri ân và sum vầy -Ảnh: T.P

Với người dân Lệ Thủy, ngày tết Độc lập là ngày của sự tri ân và sum vầy -Ảnh: T.P

Ông cũng dặn dò người nhà ra chợ mua dần những đồ lễ để làm mâm cúng tổ tiên trong ngày Quốc khánh sắp đến. Mâm cúng mà ông chuẩn bị ngoài bánh trái, hương hoa theo phong tục còn có những sản vật địa phương. “Mỗi gia đình ở xứ này đều coi đây là ngày tết. Thậm chí ngày tết này còn quan trọng hơn cả tết Nguyên đán. Đó như là một lời tri ân đến những thế hệ đi trước. Nhờ họ mà chúng ta có ngày hôm nay”, ông Bảy chia sẻ.

Chạy dọc theo con đường hai bên sông Kiến Giang, từ giữa tháng 8, mọi ngã đường đã rợp màu cờ hoa, biểu ngữ. Một không khí tươi vui, đầm ấm tràn ngập khắp nơi. Những bậc cao niên ở Lệ Thủy cho biết, người dân nơi đây bắt đầu mừng tết Độc lập từ những năm đầu tiên sau khi cả nước vừa giành lại được chính quyền. Ý thức về giá trị của nền độc lập chính là điều mà người dân xứ Lệ khắc cốt ghi tâm. Vì thế, mâm cơm cúng mừng độc lập như là cách để người dân thể hiện lòng thành kính và biết ơn. Từ đó, mâm cơm được duy trì cho đến tận bây giờ, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Lệ. Mâm cúng không cần của ngon vật lạ, mà chỉ cần những món ăn đậm chất quê hương và tấm lòng thành kính là đủ.

Cũng chính mâm cơm này tạo ra không khí sum vầy đoàn tụ. Người dân ở đây truyền tai nhau rằng, dù có đi xa tới đâu cũng phải nhớ để trở về quê hương. Thậm chí ngày tết Nguyên đán có thể không về, nhưng ngày tết Độc lập thì nhất định phải về. Vì ngày độc lập cũng là ngày sum họp. Sau lễ cúng mừng tết Độc lập, con cháu trong nhà sum vầy bên mâm cơm. Đặc biệt, không biết từ bao giờ, trên bàn thờ của người dân Lệ Thủy, ngoài thờ ông bà tổ tiên còn thờ ảnh Bác Hồ. Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, nhiều gia đình còn đặt thêm di ảnh của Đại tướng lên bên cạnh để thờ. “Có độc lập mới có ấm no, hạnh phúc. Nên tết Độc lập của người Lệ Thủy mang ý nghĩa của sự tri ân”, ông Bảy nói.

Tưng bừng trên bến dưới thuyền

Lễ hội đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2019. Nhưng lễ hội này đã có từ lâu đời ở Lệ Thủy, gắn liền với ngày tết Độc lập. Người xứ Lệ truyền tai nhau rằng, chưa về xứ Lệ coi đua, bơi thì chưa biết không khí Tết.

 Tết Độc lập ở Lệ Thủy còn là ngày hội, trong đó lớn nhất là hội đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang -Ảnh: T.P

Tết Độc lập ở Lệ Thủy còn là ngày hội, trong đó lớn nhất là hội đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang -Ảnh: T.P

Tương truyền, trước đây, vào dịp hè hằng năm, sông Kiến Giang đều khô cạn nước bởi hạn hán. Nhưng cứ đến tháng 8 là có mưa, nước sông dâng đầy, ruộng đồng cũng ngập nước, thuận lợi cho việc đồng áng. Nước lũ cuốn sạch sâu bọ, mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Dân làng khắp nơi mở hội đua thuyền ăn mừng và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Từ giữa tháng 8, dòng Kiến Giang đã rộn rã bởi thuyền đua thay phiên nhau tập luyện trên sông. Các tay chèo nhịp nhàng “mái xắp”, “mái khoan” theo tiếng mõ phách, tiếng hò phách “hố lê, hò lê”. Người dân cũng chộn rộn, bỏ bớt công việc theo cổ vũ. Dưới sông thuyền bơi đua tập luyện, trên bờ người dân ngóng theo. Sau hai năm dịch bệnh không thể tổ chức, nay người dân xứ Lệ càng hào hứng hơn. Có làng còn đầu tư cả thuyền mới, tuyển chọn trai bơi để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền.

Hội đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang mang nét đặc trưng riêng. Sông Kiến Giang hẹp về chiều ngang. Nên các thuyền tham gia đua phải đua một quãng đường dài đến 25 km với nam và 15 km với nữ từ Mũi Viết ở trung tâm Kiến Giang đến thượng nguồn rồi mới vòng về. Cũng vì đặc trưng sông hẹp này mà người xem đứng hai bên bờ sông, mỗi lần thuyền bơi đi qua, ai cũng reo hò cổ vũ và dùng nón lá, thau chậu tát nước động viên cho các trai bơi, gái đua.

Theo các bậc cao niên ở xứ này, trước đây, lễ hội đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân để cầu mưa thuận, gió hòa, đất đai trù phú. Nhưng từ sau ngày đất nước độc lập năm 1945, để hòa chung vào niềm vui của đất nước nên lễ hội đua, bơi thuyền được tổ chức vào dịp tết Độc lập. Và lễ hội đua, bơi thuyền này trở thành nét đặc trưng của xứ Lệ trong ngày Quốc khánh cho đến nay. Ông Bùi Thanh Hùng (67 tuổi), ở xã Lộc Thủy từng là một tay bơi thuyền lão luyện.

Ông Hùng nói “cái máu” đua thuyền đã ngấm vào từng người con Lệ Thủy. Theo ông Hùng, một thuyền đua có khoảng 30 thành viên, trong đó 24 người là tay bơi. Còn lại là người tát nước, người đánh sanh.

Hội đua, bơi thuyền ở đây được tổ chức đúng ngày 2/9. Nhưng trước đó 2 ngày, 24 đội đua đã phải bước vào một cuộc đua vòng loại để xếp bảng. Năm nay 24 đội đua sẽ dựa trên thứ hạng của cuộc đua vòng loại này để phân về hai bảng, mỗi bảng 12 đội. Chưa năm nào hội đua thuyền Lệ Thủy vắng người xem. Từ sáng tinh mơ ngày 2/9, hàng chục ngàn người dân khắp nơi đổ về ven sông Kiến Giang cùng xem đua thuyền. Những nẻo đường đông đúc người qua lại, hàng chục kilomet hai bên bờ sông chật kín người hò reo cổ vũ. Bên dưới dòng sông già trẻ, gái trai tay trống, tay kèn cổ vũ các thuyền đua.

“Lệ Thủy những ngày này vui như tết. Cả con người và cảnh vật như hòa vào niềm vui chung của cả nước, niềm vui của ngày độc lập. Đối với người xứ Lệ, đua thuyền không chỉ là lễ hội để giải trí mà đây còn là hoạt động thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh của con người”, ông Hùng nói.

Thiên Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=170172&title=tet-doc-lap-dac-biet-o-xu-le