Tết đổi thay hay ta đã thay đổi?
Trong phòng chờ của chuyến bay bị hoãn gần một tiếng đồng hồ sau đợt nghỉ Tết, tôi nghe hai ông khách ngồi gần tranh luận sôi nổi chuyện Tết ngày càng khác xưa, 'hồi trước thế này thế kia, nay thì nhạt như nước ốc…'.
Ai cũng có cái lý của mình. Một bên cho rằng càng hiện đại, Tết không còn vui vẻ và giữ đúng bản chất như ngày trước, cái thời ông ấy còn trẻ. Còn người kia nói đó là đương nhiên, khi cuộc sống đã thay đổi rất nhiều thì Tết cũng phải thay đổi theo cho phù hợp.
Tết Nguyên đán truyền thống của Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước và nói đâu chi xa, những ai trên 50 tuổi ở Việt Nam đều ít nhiều cảm nhận cái Tết đầm ấm, đoàn viên, đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc của hơn 30 năm về trước.
Ngày còn nhỏ tôi ở quê, Tết là dịp đoàn viên gia đình, dòng tộc, là những lễ hội đầu trên xóm dưới trong thôn xã. Cuộc sống lúc ấy chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng, con cháu dựng vợ gả chồng chỉ trong thôn, xa lắm là khác thôn; còn khác huyện thì xem là lấy vợ, lấy chồng xa, đi lại thăm hỏi ngày Tết thật vất vả. Nhưng nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà một gia đình ở nông thôn nhưng con cháu sinh sống, làm ăn nơi xa, thậm chí là du học, làm việc ở nước ngoài không còn hiếm, thì việc “thưởng thức” Tết sẽ không còn như xưa.
Tuy không phải số đông nhưng việc đoàn viên gia đình ngày Tết như xưa là điều không thể của nhiều gia đình, cách thức cúng kiếng, mâm ngũ quả, mua hoa, trồng hoa cho ngày Tết cũng đã thay đổi rất nhiều. Có thể nhiều người cho rằng lối sống công nghiệp đã thay đổi dần bản chất các lễ hội truyền thống, trong đó có Tết, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ “có qua có lại”, tức lối sống hiện đại đang ảnh hưởng tới Tết theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, tận dụng các ngày nghỉ Tết cốt để du lịch thăm thú trong và ngoài nước, nghỉ dưỡng. Và, lễ hội Tết cũng phải đổi thay dần cho phù hợp là điều đương nhiên.
Cũng trong phòng chờ sân bay, tôi bất chợt lướt qua facebook cá nhân của một người quen là nhà báo và giựt mình trước cách vui vui nhưng là sự thật trên các tờ báo. Anh ấy viết đại ý kịch bản thời sự ngày Tết tại một tòa báo và nhiều tờ báo có vẻ na ná nhau, những cái tít hay chủ đề trên báo năm nào cũng như năm nào, như rước ông Táo: đường về miền Tây kẹt cứng…; trước 30 Tết: hoa cảnh vẫn còn ế, câu chuyện kinh tế nông nghiệp; mùng 1 Tết: thành phố lung linh đón năm mới, du khách nước ngoài xông đất TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội…; mùng 2 Tết: người dân nườm nượp/lũ lượt du xuân; mùng 3 Tết: người dân xếp hàng dài mua gà cúng ông bà, các điểm vui chơi đông nghịt khách…; mùng 4 Tết: đường đi miền Tây, Đà Lạt, Vũng Tàu tắt nghẽn; mùng 5 Tết: thời tiết đẹp, biển người đổ về chùa X, khai mạc lễ hội đền X, tắc đường lên chùa Y…; mùng 8 Tết: các cửa ngõ vào TPHCM tắc nghẽn, kẹt cứng hàng cây số; mùng 9 Tết: văn phòng công sở vẫn uể oải, doanh nghiệp đồng loạt ra quân; mùng 10 Tết: bán hàng ngàn con cá lóc nướng, tiệm vàng đông khách ngày vía Thần Tài…
Tôi chợt nhớ trước Tết có dự kỷ niệm hình thành khoa báo chí của một trường đại học, các diễn giả trong tọa đàm bên lề lễ kỷ niệm đều nói qua nói lại chuyện đi xuống của báo giấy, báo hình, và ngay cả báo điện tử thời thượng của xã hội cũng đang hụt hơi trong cuộc đua truyền thông mà suy cho cùng là do cách thâu nhận tin tức của thời bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay của người đọc báo.
Cũng như lối sống công nghiệp, hiện đại đang dần thay đổi cách đón tết vui xuân thì sự phát triển của xã hội ngày nay cũng đang dần thay đổi cách đón nhận thông tin của con người nhưng nếu các tờ báo chỉ đăng tin tức, chủ đề trên báo như cách mà anh bạn nhà báo viết trên facebook cá nhân hay trong tọa đàm mà tôi đã ngồi nghe thì dường như chỉ mới thay đổi từ một phía. May quá, trong tọa đàm có một anh đại diện tờ báo đã nói báo chí phải cần thay đổi, cũng như đến lượt mình, Tết cũng phải thay đổi.
Thay đổi thế nào thì tờ báo của anh ấy đang dò dẫm, nào là bán thông tin, đọc tin trả tiền, chuyển đổi số… và đặc biệt là thay đổi mô hình tòa soạn. Ý là gần cả thế kỷ qua mô hình cơ quan báo chí Việt Nam vẫn chưa hề thay đổi dù “vật đổi sao dời” trong cách đón nhận thông tin, nay cơ quan anh ấy mạnh dạn phá bỏ mô hình tòa soạn, thay vào đó một mô hình khác. Nghe cũng hay hay và không biết thay đổi đó có làm cho cơ quan báo anh ấy phát triển hay không, nhưng ít ra không phải ngồi cùng nhau than vãn, so với “hồi xưa, hồi trước” như thế này thế kia.
Ngay như chuyện hoa Tết, năm nào báo chí cũng mổ xẻ chuyện hoa Tết ế ẩm nhưng suy cho cùng, chẳng qua cũng là sự thay đổi cách vui xuân, đón Tết của người dân thì hoa Tết cũng phải thay đổi theo. Đó là quy luật tất yếu, Tết ngày càng thay đổi theo hướng đơn giản, gọn nhẹ thì biết đâu đó, không bao lâu nữa, có khi hoa Tết ở các thành phố, đô thị chỉ còn trưng bày trên đường hoa hay trong công viên suốt mùa Tết cho người dân thưởng lãm, cảnh mua bán hoa xuân không còn, các làng hoa chỉ còn là nơi trồng hoa cung cấp cho trang trí văn phòng, khuôn viên hay chỉ là nơi check-in cho du khách.
Cũng như tôi và có không ít người đầu đã hai thứ tóc, đã chứng kiến Tết truyền thống 40-50 năm thì cách nay hơn 30 năm mà Tết không đoàn viên với gia đình, không dắt nhau về quê ngồi nấu nồi bánh chưng bánh tét đón giao thừa là viễn tưởng, không hề có trong suy nghĩ. Nhưng nay, cứ ra sân bay xem, người dân đi du lịch Tết trong và ngoài nước ngày một nhiều.
Cuộc sống luôn vận động thay đổi thì hà cớ gì Tết không thay đổi nhỉ?
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tet-doi-thay-hay-ta-da-thay-doi/