Tết dương lịch 2022 nhiều khả năng xuất hiện mưa rét

Chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo, sau ngày 28/12, khí lạnh suy yếu, nhiệt độ tăng dần lên. Sau đó, những ngày đầu năm Tết dương lịch sẽ có không khí lạnh tăng cường gây mưa và làm giảm nhiệt độ...

Chiều 24/12, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, bộ phận không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng ngày mai (25/12), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Ngày mai, ở Bắc Bộ trời chuyển rét; từ ngày 26-28/12, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra đợt rét đậm, vùng núi có nơi rét hại; nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ, vùng núi có nơi từ 4-7 độ, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ; nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ.

Không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng Việt Nam từ ngày 25/12. Ảnh: NCHMF

Vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Đợt không khí lạnh gây rét đậm, có nơi rét hại này có khả năng kéo dài từ ngày 26-28/12, những ngày sau không khí lạnh suy yếu, nhiệt độ vì vậy cũng tăng dần lên. “Theo dự báo của chúng tôi, khả năng trong những ngày đầu năm Tết dương lịch sẽ lại có không khí lạnh tăng cường gây mưa và làm giảm nhiệt độ trở lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và có những thông tin kịp thời trong thời gian tới”, ông Thành thông tin.

Những năm trước có hiện tượng bão rớt sang những ngày đầu tháng 1, trong tháng 1/2022cũng vẫn có khả năng xuất hiện các xoáy thuận nhiệt đới trên biển Đông nhưng không mạnh và ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Ông Thành khuyến cáo, trong đợt rét đậm, rét hại lần này, người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, khách du lịch, học sinh, nhất là tại các trường nội trú ở vùng núi cao như: hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Triển khai che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tet-duong-lich-2022-nhieu-kha-nang-xuat-hien-mua-ret--i639155/