Tết này giữa 2 bờ mới cũ
Má muốn cái Tết năm nay phải là cái Tết đủ đầy nhất, cái Tết cuối cùng má được tận tay chăm lo cho chị, cái Tết đánh dấu con gái mình sắp thành con của người ta nữa.
Không ai nhắc về chuyện đó, nhưng tự trong mỗi người đều rõ ràng những chông chênh. Tết nay khác những mùa Tết trước, ngập ngừng như một loài hoa mới sắp rời khỏi vườn quê sang chậu, ra chỗ bày trưng đón những chúc cầu, chị nửa mừng nửa lo, cứ hay mơ màng giữa màn sương kí ức. Làm chuyện chi cũng tự hỏi, mai mốt lỡ mình chưa về, ai phụ mấy việc này. Hay hồi đó vui biết mấy he, cái thuở con nít vô lo, làm mẻ mứt mà như được coi múa lân. Hay năm sau, giờ này, mình đang làm chi, chắc bận rộn hơn như vầy…
Ở trong buồng của má, nơi cuốn sổ ghi chép những ngày tháng quan trọng, mới đậm mực dấu tích mới. Đã chọn được ngày xuất giá, nghĩa là sang năm chị đi lấy chồng rồi.
Má như ai đốt lửa ở bàn chân, cứ đứng một lát là nóng, hết làm việc này tới việc kia, làm bao nhiêu cũng không thấy đủ. Chuẩn bị xong mớ dừa để sên mứt non, má lại quay qua dặn ba lần thứ một trăm, nhớ gọi ông Tám đặt cá ruộng thả vô ao gọng nha mình.
Má lẩm nhẩm coi làm món gì, kho, nấu canh chua, rồi lẩu. Đang ngâm mớ nếp nửa chừng, má đứng bật dậy, ngó ra hàng ba coi cây bưởi còn bao nhiêu trái, bụng đã bắt đầu nhen nhóm chuyện nấu chè bưởi và thử làm món mứt vỏ bưởi cô Ba mới chỉ hồi tháng trước. Chừng như thấy còn thiếu, má ngoắc chị, hỏi dồn, còn chi nữa không con. Thèm chi nữa không con. Cần chi nữa không con.
Một sự xốn xang chảy lên, ấm như giọt dầu gió xoa vô rốn lúc bụng lên cơn đau quặn. Và nồng hăng, làm mắt cay, khiến chị bỗng nhiên thấy nghèn nghẹn. Chị biết má thương, má sợ mai mốt này qua nhà chồng biết có còn được cưng chiều. Lỡ cơn thèm món má nấu, biết lấy đâu ra.
Chị cũng như má, hóa thành cái xuồng được gắn thêm máy koler 4 chạy hết tốc lực, không phút nào muốn yên một chỗ. Hết pha bột đổ bánh bông lan, chị lại ùa vô làm mớ mứt gừng. Chị cắt lá dứa, lá cẩm xay lấy màu xanh đỏ, làm cho đám em một mâm rau câu để dành Tết ăn chơi. Chị trữ sẵn trà cho ba, ngâm kiệu giòn cho má. Với chị, đây cũng là cái Tết cuối được thỏa thuê lăn xả, dành hết cho ba má, cho các em.
Nghe mấy chị bạn than, có chồng rồi bận bịu đâu về thăm nhà được bao nhiêu, chị thấy mỗi giây trôi mình đều không tranh thủ kịp sự quý giá hiếm hoi.
Bếp trở thành cuộc đua của má và chị. Đám em có đứa còn non nớt, chưa hiểu thấu chuyện người lớn, chị kịp dấy lên dự cảm xa cách, ùa vô tìm cách giành phụ việc này việc kia. Những đứa đã lớn vô tuổi ẩm ương, mắt hoe hoe đỏ muốn kêu, chị ơi hay chị đừng đi lấy chồng, mà đâu có được. Tết như cái đồng hồ cát với mỗi hạt đều là vàng, rơi vội vội trước sự gấp gáp của người.
Cho tới khi ba bước vô, ôm má, ôm chị lại. Như một cái thắng, căn bếp được nhịp nghỉ, nhẹ nhõm cái thở phào. Ba kêu, từ từ thôi, cái gì cũng nhanh nhanh đâu phải là Tết.
Rồi ba bưng xịa cơm khô vô, bắc chảo dầu lên, bắt đầu nổ cốm. Không biết tự lúc nào, ba đã nấu cơm, dàn ra xịa, phơi đủ nắng cho khô cong lại. Giờ, gặp nhiệt lừng thơm, những hột cơm tong teo bừng lên, bung ra như nụ mai nở. Lốp bốp nghe như tiếng cười giòn. Cả nhà nhìn nhau, cùng bật cười, nhớ quá những mùa nổ cốm.
Chị bắt đầu thắng đường, không quên xắt gừng bỏ vô cho dậy mùi thơm ấm. Trộn cốm với đường đã ngả màu nâu mật, ba dồn vào hộp ép chặt. Chờ cốm nguội, ba đổ ra vuông vức một khay, cắt thành từng miếng vừa ăn. Mỗi người một miếng nhỏ, đứng ăn liền tại bếp, thấy vị cốm xoa dịu những luồng thổn thức vô cớ. Chút bình an nhẹ nhàng tí tách đâm chồi.
Đám em như nhớ ra, rủ nhau ùa vô vườn, đốn buồng chuối già còn xanh ngắt. Vừa nhìn má đã hiểu, cười khen tụi con nít tinh ý, hồ hởi cùng chị cắt lát mỏng từng trái một. Cũng chảo dầu khi nãy được làm nóng tiếp, chiên cho giòn mớ chuối. Đường đợi sẵn ngào vô, giòn tan thơm từng đầu ngón tay. Chị ăn, nhớ cái ngày còn nhỏ đã trông ngóng Tết biết chừng nào, vì món này đây. Như mới hôm qua thôi.
Giờ, là lúc vui nhất của Tết, má bắt đầu đem lá ra lau. Cả nhà lụi hụi bên nhau, chị đổ nếp học má gói bánh tét sao cho khéo. Theo từng nếp bánh đều thẳng tắp, ngắm nghía những đòn bánh chắc nịch vững chãi, dấy lên trong chị hy vọng tươi mới.
Năm sau, có lẽ chị đang ở bên nhà chồng, trổ tài với lòng tự hào, nấu từng món má đã dạy. Chị sẽ học cách gia giảm, nêm nếp cho vừa miệng gia đình mới, như cái thuở xa xưa, má ngại ngùng về ở với ba. Chuyện đó không còn đáng sợ nữa mà bỗng nhiên trở thành hay hay, là lạ.
Sẽ không bơ vơ đâu, khi mâm cơm Tết luôn là dịp quây quần. Dẫu gia đình này, hay gia đình mới bên chồng, chị tin tất cả sẽ cùng phụ nhau. Đâu còn những khe khắt ngày nào, và anh cũng thương chị hết lòng. Cứ bình tĩnh chờ đón những thay đổi, có khi chính nó, như cái cách nụ lạ lẫm hé cánh hóa thành hoa, sẽ đem lại những điều tốt đẹp.
Tiếng con phèn sủa rân, giọng hí hửng không phải hù khách lạ. Anh lóng ngóng gãi đầu, ngượng miệng gọi ba má, tay ôm thùng nước ngọt. Chị cười, rất tự nhiên, ra kéo anh vô, để anh ngồi kế mình. Anh thủ thỉ, má anh dặn qua phụ nhà chị, rồi vài bữa nữa, tới lượt chị qua nhà anh phụ. Và sang năm, cả hai xuôi ngược tới lui giữa hai nhà, cực nhưng chắc vui dữ lắm.
Những thay đổi mới mẻ luôn khiến người ta lo sợ. Nhưng biết đâu được, chính điều đó, khi ta biết dung hòa và đi theo dòng chảy, ta lại nhận ra đó chính là thứ ta cần. Má ngày xưa không phải cũng như chị bây giờ, lo lắng khi biết chân đến vùng đất lạ đó sao. Nhưng má vẫn sống một cuộc sống đầy yêu thương, chị thầm mong, và tin rằng, mình sẽ được như má.
Chị bổi hổi nghĩ thầm, năm sau, cái Tết đầu tiên bên nhà chồng, chắc sẽ thú vị lắm. Đầy bất ngờ để ngỏ. Thử tưởng tượng coi, chị sẽ cùng sên mứt bên chồng, thử nghiệm mấy loại mứt mới, khúc khích đoán dò phản ứng của đàn em. Và bên vợ, anh sẽ cùng chị gói bánh, hớn hở chia đòn này cho má đòn này cho ba, cho tất cả mọi người. Dù bên này, hay bên kia, ở hai bờ mới cũ, trong lòng nhau vẫn nghĩ tới nhau.
Tết, với ý nghĩa chào đón một năm mới, ẩn chính trong nó, sự thay đổi. Ta mở lòng ra, ta nhìn lại điều cũ, ta thử thách chuyện mới, ta trải nghiệm. Hơn bao giờ hết, chính ý nghĩa đó không phải là điều khiến ta chờ đợi nhất ở Tết sao? Chị ôm lấy anh, dụi dụi lên vai, như hít mùi nắng xuân đầy phổi. Sang năm, bờ vai này sẽ là nơi chị tựa nương, như cánh én chở mùa xuân, cho chị đong đầy cả hai bờ tình nghĩa.
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//giai-tri/tet-nay-giua-2-bo-moi-cu-c3a46582.html