Tết Nguyên đán vòng quanh châu Á
Lịch sử hình thành Tết Nguyên đán ở các nước châu Á bắt nguồn từ Trung Quốc khoảng 3.500 năm trước.
Nhiều phong tục cổ xưa mang những ý nghĩa gắn với đời sống của cư dân nông nghiệp cổ đại vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Hằng năm, ước tính có khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu, chủ yếu ở khu vực châu Á ăn mừng Tết Nguyên đán theo những phong tục truyền thống của đất nước mình.
Tết ở Trung Quốc
Theo truyền thuyết của Trung Quốc, vào mỗi đêm giao thừa, con quái vật Nian ("niên" - cũng có nghĩa là “năm”) sẽ tấn công người dân. Để đuổi con thú, mọi người phải sử dụng tiếng động lớn, lửa và màu đỏ. Từ đó, Tết Nguyên đán ra đời với những phong tục được lưu giữ cho đến nay.
Thông thường, ở các quốc gia, mọi người sẽ tiến hành dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa với màu sắc chủ đạo là đỏ (thường thấy ở các nước có cộng đồng người Hoa). Riêng Trung Quốc và Việt Nam có tục cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, nhưng phong tục mỗi nơi mỗi khác. Ở Trung Quốc, người ta dâng cúng các vị thần bếp loại kẹo làm từ hạt kê, lúa mạch, mạch nha, bột gạo để các vị bẩm lên Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp. Còn ở Việt Nam, không thể thiếu tục thả cá chép - “phương tiện” đưa ông Táo lên chầu trời.
Vào đêm giao thừa - ngày cuối cùng của năm cũ, người dân khắp nơi sẽ thực hiện nghi thức cúng lễ tổ tiên nhằm cầu mong những điều tốt lành, may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng quây quần bên bữa tối, thưởng thức các món ăn ngon. Ở Trung Quốc, không thể thiếu các món cá (cách phát âm giống với từ mang nghĩa “dư thừa”), jiaozi - bánh bao (có nghĩa là “sự phong phú”), rễ sen (có nghĩa là “truyền khôn ngoan”), xúc xích (có nghĩa là “tuổi thọ”), bánh gạo (có nghĩa là “năm tốt đẹp”)... Tục thức quá nửa đêm đón giao thừa cũng mang những ý nghĩa nhất định. Người Trung Quốc tin rằng, việc con cái thức đêm đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ mang lại tuổi thọ cho cha mẹ. Vì thế, mọi người thường quây quần nói chuyện để chờ đón năm mới.
Ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán tượng trưng cho một khởi đầu mới. Vì vậy, người Trung Quốc đốt pháo, đi thăm người thân và bạn bè, xem múa sư tử - những việc làm được cho là mang lại may mắn và những điều tốt đẹp trong năm mới. Ngày thứ mười lăm của Tết Nguyên đán được người Trung Quốc gọi là “Lễ hội đèn lồng”, báo hiệu sự kết thúc của dịp lễ hội. Trong ngày này, người ta thường tiến hành các hoạt động truyền thống như ăn tangyuan - bánh trôi nếp, ngắm đèn lồng giấy đầy màu sắc và giải những câu đố về đèn lồng.
Tết ở các nước Đông Á và Đông Nam Á
Ở các quốc gia Đông và Đông Nam Á - những nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia..., Tết Nguyên đán thường được tổ chức với các nghi lễ, phong tục tương tự nhưng được gọi tên khác nhau.
Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là “Seollal”. Lễ hội thường kéo dài 3 ngày, tập trung vào các bữa ăn sum họp và nghi thức cúng lễ tổ tiên. Trong dịp này, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống hanbok, thực hiện các nghi thức như Charae nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ tổ tiên; nghi thức Sebae - trẻ em cúi chào người lớn tuổi để chúc họ một năm mới hạnh phúc. Đáp lại, người lớn tuổi sẽ mừng tuổi hoặc tặng quà cho trẻ em. Rồi cả gia đình quây quần, ăn các món ăn truyền thống như tteokguk (súp với bánh gạo cắt lát), jeon (bánh kếp), mandu (bánh bao), galbijjim (sườn bò om), japchae (mì thủy tinh)... Sau đó, trẻ em và người lớn cùng chơi các trò chơi truyền thống như yutnori - một trò chơi đẩy gậy gỗ xung quanh tấm bảng bằng vải; hoặc yeonnalligi (bay diều) - điều ước về một năm mới may mắn.
Ở Philippines, Tết Nguyên đán được gọi là “Media Noche”, nghĩa là “nửa đêm”. Khi đồng hồ điểm 12 tiếng, trẻ em sẽ nhảy lên vì vui mừng và còn bởi niềm tin, chúng sẽ cao hơn trong năm mới. Đây cũng là thời điểm các gia đình nhỏ tập trung tại nhà của người lớn tuổi, có địa vị cao nhất trong dòng họ. Mỗi gia đình sẽ mang theo món ăn yêu thích góp vào bữa tiệc đoàn viên, nhưng không thể thiếu những món ăn truyền thống mang tính biểu tượng gồm các món xôi như biko, bibingka và nian gao - tượng trưng cho sự gắn kết gia đình; pancit (mì dài) mang ý nghĩa về sức khỏe, tuổi thọ; và 12 loại trái cây hình tròn đại diện cho sự may mắn, thịnh vượng. Người Philippines ngày nay vẫn duy trì một số niềm tin cổ xưa trong dịp Tết Nguyên đán như mặc quần áo có hình chấm bi mang lại tiền bạc và may mắn; bắn pháo hoa tạo ra tiếng động lớn hoặc múa sư tử với những âm thanh vui nhộn giúp xua đuổi tà ma; hay không tiêu bất kỳ khoản tiền nào vào ngày đầu tiên của năm sẽ có nguồn tài chính tốt hơn...
Nếu như ở nhiều quốc gia, việc chào đón năm mới được cho rằng càng ồn ào càng xua đuổi những điều xấu, thì các cư dân sinh sống trên hòn đảo Bali của đất nước Indonesia lại đón Tết trong im lặng. Năm mới Nyepi của người Bali dựa trên lịch âm của người Hindu, thường vào khoảng tháng 3 - 4 hằng năm. Vào đêm trước Nyepi có một lễ hội sôi động. Mọi người đi theo đám rước rộn ràng âm thanh của dàn gamelan (tương tự cồng chiêng của Việt Nam) đến ngã tư chính của làng để thực hiện buổi lễ trừ tà với các hình nộm được làm bằng giấy và tre. Đến đúng Nyepi, mọi thứ đều chìm trong im lặng. Khắp hòn đảo, mọi đường phố đều vắng vẻ; các gia đình hầu hết không nấu nướng, không bật nhạc và tivi, không rời khỏi nhà và hạn chế nói chuyện. Việc chào đón năm mới trong im lặng nhằm bày tỏ sự tôn kính với các vị thần linh.
Có thể thấy, nhiều quốc gia ở khu vực châu Á đều chào đón năm mới theo âm lịch hoặc lịch riêng của từng tôn giáo. Nhưng tựu trung đều có những phong tục tập quán hướng tới tinh thần chung là cầu mong một năm mới may mắn, thịnh vượng, đoàn kết, hòa bình. Ấy chính là tính nhân văn nổi bật nhất của Tết Nguyên đán ở các nước khu vực châu Á.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tet-nguyen-dan-vong-quanh-chau-a-658469.html