Tết rằm tháng Bảy ở Cao Bằng

Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, mọi người, mọi nhà lại rộn ràng đón Tết. Đây là tết lớn thứ hai sau Tết Nguyên đán, một trong những phong tục tập quán thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng.

Chợ rằm tháng Bảy lúc sáng sớm. Ảnh chụp 6h20 ngày 18/8/2024.

Chợ rằm tháng Bảy lúc sáng sớm. Ảnh chụp 6h20 ngày 18/8/2024.

Ngay từ sáng sớm, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đi chợ để mua vịt, nhu yếu phẩm, bún, hoa quả… để ăn Tết.

Vịt - món ăn chính trong Tết rằm tháng Bảy.

Vịt - món ăn chính trong Tết rằm tháng Bảy.

Ngày này, con gái đi lấy chồng về thăm cha mẹ, gia đình, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ. Người Tày, Nùng quan niệm, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng, phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình (pây tái) trở về nhà bố mẹ đẻ để tỏ lòng hiếu thuận với cha mẹ, tổ tiên. Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh thành và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ. Quà cho cha mẹ thường là một đôi vịt béo, một chục bánh rợm, bánh gai... Chính vì vậy, phong tục này luôn được gìn giữ, là nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Bánh rợm, bánh gai không thể thiếu trong ngày rằm.

Bánh rợm, bánh gai không thể thiếu trong ngày rằm.

Chị Nông Thị Thơ, quê ở huyện Hòa An, hiện lập gia đình tại Thành phố Hà Nội cho biết: Do ở xa, công việc lại bận quanh năm nên lâu lâu 2 vợ chồng mới có dịp được về quê ngoại, nhưng Tết rằm tháng Bảy thì không thể không về. Năm nào cũng vậy, cứ ngày 15/7 Âm lịch, cả nhà lại chuẩn bị đồ đạc, đặc biệt là không thể thiếu một đôi vịt để “pây tái” nhà ngoại.

Bún cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm.

Bún cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm.

Các loại quả phong phú phục vụ ngày rằm.

Các loại quả phong phú phục vụ ngày rằm.

Vịt quay được đóng gói hút chân không để các gia đình "Pây tái".

Vịt quay được đóng gói hút chân không để các gia đình "Pây tái".

Có thể nói, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc có sự khác nhau. Nhưng cái chung nhất là tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên trong ngày Rằm tháng Bảy thì dân tộc nào cũng có. Đây là một trong những dịp để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, trong quan hệ hàng xóm láng giềng… là nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Ngày Tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng, cùng thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.

Mâm cỗ sum vầy của người dân địa phương trong dịp Rằm tháng Bảy.

Mâm cỗ sum vầy của người dân địa phương trong dịp Rằm tháng Bảy.

Vũ Tiệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tet-ram-thang-bay-o-cao-bang-3171407.html