Tết Trung thu - Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

PTĐT - Tết Trung thu – Rằm tháng Tám âm lịch, được xem phong tục sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân nông nghiệp và nền văn minh lúa nước. Không chỉ Việt Nam, ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đón Tết trung thu, với nhiều nghi lễ khác biệt. Là một nét đẹp truyền thống, Tết Trung thu không chỉ có giá trị về mặt tín ngưỡng mà còn ý nghĩa về mặt tinh thần, qua năm tháng vẫn được người dân bảo tồn, phát huy nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Múa lân đã trở thành một nét văn hóa độc đáo lâu đời, thu hút đông đảo trẻ em vào mỗi dịp Trung thu

Múa lân đã trở thành một nét văn hóa độc đáo lâu đời, thu hút đông đảo trẻ em vào mỗi dịp Trung thu

Phong trào tham gia thi múa lân của các xã, phường trên địa bàn thành phố Việt Trì được đẩy mạnh từ nhiều năm trở lại đây

Phong trào tham gia thi múa lân của các xã, phường trên địa bàn thành phố Việt Trì được đẩy mạnh từ nhiều năm trở lại đây

Với người Việt, Tết trung thu là một lễ hội lớn, đặc trưng và nhiều ý nghĩa. Theo các nhà khảo cổ Việt Nam thì Tết Trung Thu đã có từ thời các Vua Hùng dựng nước, với bằng chứng là những họa tiết hoa văn xuất hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn. Tết Trung thu diễn ra vào thời điểm giữa mùa thu, tiết trời mát mẻ, thích hợp cho các hoạt động lễ hội. Nếu như Tết nguyên đán người dân làm bánh chưng, bánh giầy dâng cúng Tổ tiên thì Tết Trung thu, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ngọt ngào cùng nhiều loại hoa quả lại không thể thiếu trong các mâm cỗ truyền. Đây là dịp để cha mẹ thể hiện tình thương yêu, chăm sóc con cái, người lớn chăm lo cho trẻ nhỏ. Sau này, Tết Trung thu còn có thêm một số nét văn hóa có ý nghĩa rất cao quý khác, đó là dịp sum vầy, đoàn tụ của cả gia đình. Bánh nướng, bánh dẻo cũng giống như bánh chưng, bánh giầy đều có một nét văn hóa ẩm thực chung là vỏ bánh bọc lấy các loại nhân (ngũ vị) thể hiện quan niệm âm dương đối đãi, tương hợp, tương sinh, tình cảm gắn bó, bao bọc lẫn nhau.

Nghề làm đèn ông sao truyền thống được người dân thị xã Phú Thọ lưu giữ cho đến ngày nay

Nghề làm đèn ông sao truyền thống được người dân thị xã Phú Thọ lưu giữ cho đến ngày nay

Mặt khác, Tết Trung thu vốn được coi là ngày Tết của trẻ em nên còn có tên gọi khác là “Tết trông Trăng”. Trẻ em trong dịp Tết này thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn cù, mặt nạ các con giống, trống ếch, trống bỏi... Trong những ngày cận Tết Trung thu, dạo quanh các tuyến phố chính của thành phố, rực lên sắc màu của những gian hàng bán bánh Trung thu, các đồ chơi truyền thống. Còn tại các nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi cũng rộn ràng chuẩn bị chương trình vui chơi cho tết thiếu nhi. Thị trường đồ chơi Tết Trung thu năm nay đã xuất hiện nhiều nhóm sản phẩm truyền thống được làm từ mây tre đan, giấy nện, giấy bóng kính… Bên cạnh bánh Trung thu của các hãng bánh kẹo nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Thu Hương…, dòng bánh Trung thu truyền thống của các cơ sở gia truyền vẫn được người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn.Thị xã Phú Thọ hiện có 12 cửa hàng bán bánh trung thu truyền thống nổi tiếng như Tạ Quyết, Hoàng Vần, Kim Liên, Thu Thủy… Trải qua hàng chục năm phát triển, các thương hiệu bánh trung thu tại thị xã Phú Thọ ngày nay đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân Phú Thọ nói riêng và người dân cả nước nói chung. Không chỉ là bánh trung thu truyền thống, nhiều năm nay ở thị xã vẫn lưu giữ nghề sản xuất đèn ông sao truyền thống như gia đình ông Hà Chí Dũng, phường Âu Cơ – người đã say mê duy trì nghề từ hơn 20 năm nay.

Đêm hội trung thu được tổ chức hàng năm nhằm duy trì và phát huy các nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc

Đêm hội trung thu được tổ chức hàng năm nhằm duy trì và phát huy các nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc

Tết Trung Thu giờ đây không chỉ là dịp để thể hiện tấm lòng thiện nguyện của cộng đồng, quan tâm nhiều hơn đến tinh thần, vật chất của trẻ em. Việc chăm lo cho trẻ em nghèo vui trung thu ngày càng lan tỏa, từ các cơ quan, địa phương cho đến các nhóm từ thiện xã hội. Hầu hết các đoàn, nhóm từ thiện đã vận động đóng góp kinh phí, hiện vật cho trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Với trẻ em nghèo quanh năm thiếu thốn, nhận được phần quà, được vui chơi là một niềm vui, hạnh phúc.Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đêm hội trăng rằm, hội thi múa lân..., giúp các em hiểu nguồn gốc Tết Trung thu; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… giúp các em có một cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm.

Bánh trung thu truyền thống của thị xã Phú Thọ

Bánh trung thu truyền thống của thị xã Phú Thọ

Là nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm, ông Phạm Bá Khiêm – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cho biết : Điều quan trọng nhất là phải giữ lại “hồn cốt văn hóa” cho Tết Trung thu. Chúng ta cần nghiên cứu xây dựng và tổ chức nên một không gian văn hóa, điểm văn hóa nhằm bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho các em nhỏ một không gian vui chơi bổ ích và hiểu biết hơn về các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức trưng bày các hình ảnh, hiện vật giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống; mời nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian: các loại đèn ông sao, diều giấy, nghệ thuật tò he (con giống bột), vẽ mặt nạ, vẽ tranh trên giấy dó...; làm bánh chưng, bánh giầy, bánh dẻo, bánh nướng… dành cho thiếu nhi.Trẻ em ngày nay không chỉ cần được hưởng thụ mà còn cần được giáo dục, cả trong trường học và ngoài xã hội để tăng thêm sự hiểu biết, ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị những nét văn hóa cổ truyền trong ngày Tết Trung thu góp phần làm phong phú bản sắc.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/201909/tet-trung-thu-gin-giu-net-dep-van-hoa-truyen-thong-166686