Tết về Mường lạy mẹ lạy cha
Tết, tôi hay nhớ về hình ảnh những người con ở Mường quỳ lạy mừng tuổi cầu an cho cha mẹ của mình.
Trên voóng gian thờ, ngoại tôi mắt mờ đục chậm rãi nhìn quanh, miệng không ngưng chóp chép miếng trầu. Thi thoảng ngoại lại nở nụ cười hiền hậu như bếp núc. Ngoại ngồi khoanh chân, run run trên chiếc đệm hoa lau vuông vắn, nhỏ xinh đã cũ, mắt hấp háy nhìn theo nhịp cha con tôi đứng lên, quỳ xuống.
Tôi và cha thì lạy bốn cái ở hướng bàn thờ ông ngoại xong, quay sang phía bà ngoại, mái tóc bạc phơ của cha ngẩng lên nhìn ngoại xúc động: “Thưa mẹ, con mừng lắm, lại thêm một năm mới nữa con về đây, còn được quỳ lạy mừng tuổi cho mẹ. Chúc cầu mẹ được mạnh khỏe, “sống già, chà lâu” làm cội, làm bóng cho chúng con, mẹ nhé”. Nói xong, cha giục tôi cùng lạy bà ba lạy. Cha phải lặp lại đủ mười tám động tác thật chậm rãi và kính cẩn. Lạy xong, cha tôi ngồi lặng yên sụt sùi khóc. Tôi biết, giây phút ấy ông thường nhớ cha mẹ của mình da diết.
Hồi ông bà nội còn sống, mỗi sáng mùng một tết, sau khi ông nội khấn cúng tổ tiên xong sẽ gọi cả nhà ra chào lạy ma trên bàn thờ. Rồi mọi người trong nhà sẽ lần lượt quỳ xuống để mừng tuổi cho ông bà bằng ba cái lạy.
Lạy mừng tuổi người già ở Mường Tạ - Ngọc Lặc xứ Thanh quê tôi là một phong tục đẹp mang đậm nét hiếu nghĩa, cung kính của con cháu dành cho ông bà, bố mẹ mình. Nó có ý nghĩa cầu chúc để người già sống được lâu, mạnh khỏe thêm nữa. Mỗi tết, nhận ba cái lạy của lòng yêu kính, hiếu nghĩa, nhận lời cầu chúc lành của con cháu, người già đều cảm thấy lòng an hơn, vui ấm hơn mà tin mình sẽ sống khỏe, sống bền thêm nữa.
Từ ngày ông bà nội tôi lần lượt mất đi, mỗi khi tết, bố lại có những khoảnh khắc rơi vào chơi vơi, buồn nhớ bơ vơ như thế. Tiếc nuối, ước ao, giá như còn mẹ, còn cha để được lạy mừng tuổi ngày tết… Bây giờ bà ngoại là cái cây, cái cội duy nhất còn lại của bố và mẹ, nên bố lấy làm trân quý, mừng vui, xúc động mỗi lần tết đến còn được lạy mừng tuổi cho bà.
Năm mới đến, người Mường có đón chào bao nhiêu điều may, tổng kết bao nhiêu thành quả đi chăng nữa cũng chẳng bằng ngày tết còn được quỳ xuống mà lạy mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà. Điều đó hẳn với những người đã thiếu vắng đi bóng cha mẹ trên cõi đời này mới càng thấm thía sâu sắc hơn như cha tôi vậy.
“Lạy người sống thì ba / lạy đằng ma thì bốn”, mỗi lần cúi xuống lạy thêm cái thứ “bốn” ấy trước di ảnh ông bà nội, tôi thấy cha cứ chậm rãi, cứ ngập ngừng như nghẹn lên. Chỉ là lạy thêm một cái nữa thôi mà khoảng cách đã trời xa đất vắng. Nên người Mường càng già càng thận trọng mà trân quý những cái tết còn được mừng tuổi mẹ cha bằng ba cái lạy, để ý thức cung kính, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ hơn.
Chẳng như nỗi buồn bác Tam cạnh nhà tôi. Mẹ mất sớm, bố đơn chiếc nuôi bác một mình. Suốt những năm ông cụ còn sống khỏe, bác đi biệt phố người, làm ăn giàu có. Mỗi tết, về thoáng vội qua nhà mừng tuổi cho bố bằng xấp tiền và cho rằng: Lạy liếc làm gì lạc hậu, mừng tuổi bằng tiền là quý nhất. Có tiền mới vui mới khỏe được... Bác đâu biết được, ông cụ thân sinh của bác mỗi lần tết nhìn qua cửa voóng nhà tôi, thấy con cháu xếp hàng lạy quỳ, cung kính mừng tuổi cho ông bà thì ông cụ lại ngậm ngùi, ao ước cái điều đơn giản ấy. Tôi nhớ có lần ông cụ sang nhà tôi chúc tết, phải lúc cả nhà tôi, con cháu đang lần lượt quỳ lạy mừng tuổi năm mới cho ông bà nội, bố tôi mời ông cụ lên voóng ngồi cùng ông bà nội để con cháu nhà chúng tôi lạy mừng tuổi luôn cho may vía, bình an ngày tết. Có thế mà tôi thấy ông cụ khóc.
Khi tóc đã bạc, mỗi lần về tết, bác Tam ở lại nhà lâu hơn, quỳ dưới bàn thờ của ông bà cụ lâu hơn. Nhưng giờ, bác đã phải lạy bốn cái, rồi lại rưng rưng khóc như ông cụ ngày xưa từng khóc tủi, ước được con trai lạy mừng tuổi cho mình ba cái như mọi người già khác ở Mường này.
Ở Mường tôi, giờ con cháu cũng mừng tuổi cho người già bằng tiền. Nhưng vẫn còn đâu đó những cái lạy mừng tuổi năm mới thật đáng quý và thiêng liêng, làm cho lòng người già vui sướng, ấm áp mà tin rằng, lòng hiếu kính của con cháu sẽ giúp mình được “sống già chà lâu”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-ve-muong-lay-me-lay-cha-post728078.html