'Tết Việt tết phố'- Người trẻ tích cực tham gia các nghi lễ truyền thống
Sau 5 năm tổ chức, chương trình 'Tết Việt Tết phố' do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với CLB Đình Làng Việt thực hiện tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể và hưởng ứng nhiệt tình của công chúng thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đây là chương trình thường niên với mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung tới đông đảo nhân dân và du khách.
Tham gia chương trình, bạn Nguyễn Khải chia sẻ: “Được tham gia vào đoàn rước, tôi cảm thấy rất phấn khởi, không những được trải nghiệm không khí của Tết đương đại mà được nhìn ngắm các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như múa nghê hoặc là các hoạt động dựng cây nêu và có cả các đoàn rước từ nhiều địa phương như Đoàn hát Xoan Phú Thọ, Trang phục Tày từ đồng bào dân tộc Tây Bắc…”
Bạn Trần Đức Dũng, sinh viên Đại học Kiến Trúc cho biết; “Hôm nay em tham gia nghi lễ cây nêu, được tìm hiểu sâu sắc về những giá trị văn hóa ngày xưa. Ví dụ như một bản cá gỗ hay là viết câu đối và còn nhiều các hoạt động hơn thế nữa. Dân ta phải biết sử ta, em thấy đây là giá trị cốt lõi cần phải lưu giữ và phát huy”.
Với trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, hơn 100 bạn trẻ tham gia đoàn rước lễ từ Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây đi qua nhiều tuyến phố, di tích với điểm đến là đình Kim Ngân (số 42 - 44 phố Hàng Bạc), đều mang tâm trạng hào hứng và tự tin quảng bá nét đẹp di sản của dân tộc thông qua nghi lễ truyền thống này.
Khác với những năm trước, các nghi lễ trang trọng như dâng lễ cửa Đình, lễ Cáo Yết Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu được chính các bạn trẻ thực hiện, thay vì lâu nay do các thành viên lớn tuổi trong câu lạc bộ Đình làng Việt chủ trì.
Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt cho biết, đây chính là điểm mới trong chương trình “Tết Việt tết phố” năm nay: “Năm nay chúng tôi hoàn toàn sử dụng các bạn trẻ, được các bạn trẻ rất hưởng ứng, như chúng ta thấy hoàn toàn những người trẻ bê lễ, dâng lễ và làm những nghi thức chính của Tết Việt Tết phố. Các bạn đã chuẩn bị từ rất lâu và trang phục hoàn toàn là áo dài truyền thống và đặc biệt năm nay có đoàn của Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế, của đồng bào hát Then Thái Nguyên, hát Xoan Phú Thọ và năm nay có rất nhiều các anh chị từ miền Tây Nam Bộ, các tỉnh lân cận cũng về tham dự hôm nay”.
Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, việc phỏng dựng các nghi lễ truyền thống trong ngày tết cổ truyền không những quảng bá nét đẹp văn hóa của người Việt đến du khách trong và ngoài nước mà còn giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu những giá trị quý giá của dân tộc: “Đây là hoạt động năm thứ 5 chúng tôi phối hợp với nhóm câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức và mong muốn mỗi dịp Tết chúng tôi làm sao bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cha ông và lan tỏa được nhiều đến với cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ để mọi người cũng có được ý thức chung tay bảo tồn những giá trị di sản văn hóa này”.
Cùng với các nghi lễ truyền thống, chương trình “Tết phố- Tết Việt” còn có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn như Diễn xướng dân gian: Múa con đĩ đánh bồng, Hát Then, Hát Xoan (Bài Mời rượu), hát ca trù.
Tham gia biểu diễn tại chương trình “Tết phố Tết Việt”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian truyền thống của thành phố Hải Phòng và bạn Lương Xuân Toàn, nhóm nghệ thuật Múa trống bồng Làng Triều Khúc, Hà Nội cho biết: “Tôi cùng học trò của mình năm nào cũng đồng hành cùng Tết Việt, cứ gần đến những ngày này chúng tôi thầy trò đều háo hức để hội tụ với nhau, để chung tay gìn giữ giá trị nét đẹp của văn hóa truyền thống, các bạn sẽ có trách nhiệm lớn lao hơn trong việc bảo tồn gìn giữ, cũng như sau này chuyển tải được những ngọn lửa đam mê yêu văn hóa Việt”.
Từ nay đến ngày 28/2/2024, chương trình “Tết Việt - Tết phố” giới thiệu đến công chúng các trải nghiệm hấp dẫn trong ngày tết cổ truyền như không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ qua “Nếp nhà xưa”, biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ; tổ chức gói và luộc bánh chưng tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; Các nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề ở Hà Nội giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống tại không gian bích họa phố Phùng Hưng…