Tết vùng cao
Chúng tôi đã có mặt ở thành phố Hà Giang khi trời xẩm tối. Nhóm ba người trên hai xe máy khởi hành từ Hà Nội vượt chặng đường dài hơn 300 cây số để đến được nơi này. Chuyến đi dài ngày bằng xe máy là ngẫu hứng của nhóm nhiếp ảnh để khám phá cái Tết của đồng bào vùng cao, tận hưởng không khí xuân bên núi rừng cao nguyên đá và chiêm ngưỡng sắc đào mận bên những nếp nhà sàn ven suối.
Tờ mờ sáng mùng 3 Tết, khi Hà Nội vẫn còn chìm trong giấc ngủ, đường phố vắng tanh, thì ba chúng tôi hướng Tây thẳng tiến. Tôi là người lớn tuổi nhất trong nhóm, còn lại hai nhiếp ảnh gia là Văn Luận và Tuấn Anh mới ngoài 50 tuổi. Phượt Hà Giang vào tuổi này, giờ này và bằng phương tiện này không rõ là một ý tưởng khôn ngoan hay không nữa. Mưa xuân vẫn lây phây như rắc bụi và lạnh sắt cả vào gan ruột. Văn Luận chở tôi, còn xe Tuấn Anh mang các thiết bị đồ nghề, chân máy ảnh, quần áo, đồ ăn khô cho chuyến đi dài ngày. Từ đây đến Đồng Văn còn những 500 km.Trước ngày lên đường, ai cũng gàn, bảo lui lại để sau Tết bố trí xe ô tô đi. Họ đưa ra đủ loại khó khăn, nguy hiểm. Đường sá xa xôi hiểm trở, trơn trượt, trời thì mưa rét “các bác lại không phải ở tuổi thanh niên”... Nhưng dù có thế nào cũng không thể ngăn sức hấp dẫn của mùa Tết trên cao nguyên đá Hà Giang. Cũng cần nói thêm, ngày khởi hành rơi đúng vào năm rét đậm, rét hại. Mấy chục năm mới có hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như thế này. Nhiệt độ đồng bằng xuống dưới 100C, học sinh được nghỉ học. Vùng núi cao nhiều nơi âm 1-20C độ, cây cối, hoa màu phủ tuyết trắng xóa, gia súc, trâu bò lăn đùng ra chết cóng.
Mọi năm trước Tết âm lịch, các vùng cao như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý đỏ rực hoa đào khắp bản làng, triền núi… Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và a-ma-tơ từ khắp mọi miền đổ về để chớp kịp những tấm hình đào nở giữa núi rừng Tây Bắc nhưng năm nay vắng tanh không thấy xuất hiện vì trời quá lạnh. Theo kinh nghiệm của dân săn ảnh thì Hà Giang năm nào hoa cũng nở muộn hơn ở các vùng Tây Bắc nên chuyến đi này hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công.
Tôi đã cảm nhận được mùi hương Tết vùng cao và cả những âm thanh ồn ã của phiên chợ Tết. Tôi đã chạm tay vào những rêu phong tường đá muôn năm cũ vẫn rì rầm kể lại những câu chuyện một thời hoàng kim của các ông vua xứ Mèo.
Đến thành phố Hà Giang, chúng tôi nghỉ lại một đêm rồi sáng sau đã lại gọn gàng hành trang. Rời thành phố lúc hơn 6 giờ mà sương mù vẫn dày đặc, cách ba mét là không nhìn thấy mặt người. Cả hai xe máy đều phải bật đèn pha mới rõ được đường đi. Được khoảng hơn hai cây số thì xe bắt đầu lên dốc. Một bên là núi đá dựng đứng, một bên là dòng sông uốn lượn hun hút dưới vực. Xe luôn gài số 1 để bò dốc cao, thi thoảng gặp ô tô đi ngược chiều thì lóa cả mắt vì đèn pha. Hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi cũng vượt qua được đèo Quản Bạ để sang đến thị trấn Yên Minh. Trời bắt đầu sáng dần, soi tỏ từng tốp người dân tộc đang gùi hàng xuống chợ. Nhìn thấy cây xăng ven đường, chúng tôi mừng rỡ ghé vào, cho dù cả hai bình xăng vẫn còn trên một nửa. Trước lúc khởi hành, cả nhóm đã thống nhất rằng điều quan trọng nhất khi đi đường dài là nhiên liệu, nên dọc đường hễ cứ gặp trạm xăng dù còn nhiều vẫn cứ đổ đầy cho yên tâm. Chúng tôi cũng đã kiểm tra động cơ, săm lốp, hệ thống phanh xem đã thật sự an toàn.
Trên quãng đường đến phố Cáo, lác đác mấy căn nhà sàn với vỏn vẹn vài cành đào xác xơ chúng tôi đã vội thất vọng. Cái rét đã tàn phá nét đẹp duyên dáng của những bông hoa đào đỏ rực vun mình trong những vườn cây, để ngào ngạt giữa mưa xuân hay khói tỏa lam chiều. Nhưng đến phố Cáo thì niềm vui đã quay trở lại. Hai bên đường, những mái ngói âm dương sẫm màu, tường đá bao quanh càng tôn vẻ rực rỡ của hoa đào trong vườn nhà. Rợp trời cờ đỏ sao vàng và giấy đỏ viết chữ Nôm bằng mực Tàu dán ngoài cổng cho thấy ngay không khí lễ Tết, hội của muôn mùa cũ. Các bà mẹ tay này bế con, tay kia dắt theo đứa lớn hơn, trẻ nào cũng vận áo váy hoa sặc sỡ, tay cầm những quả bóng bay xanh đỏ. Ba tay máy không bỏ lỡ thời cơ, tiếng xoành xoạch liên tục thu vào ống kính những hình ảnh hiếm hoi.
Hà Giang là tỉnh vùng cao ở cực Bắc với 19 dân tộc sinh sống, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, đông nhất là người Mông, rồi đến các dân tộc Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Dao, Tày, Nùng…Mỗi dân tộc lại có nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, nên Tết của người Mông diễn ra trước Tết người Kinh một tháng, còn các dân tộc khác cũng ăn Tết âm lịch bình thường nhưng kéo dài cả tháng mới ra nương làm rẫy. Vì thế đến Hà Giang mà không qua phố Cáo là một sai lầm. Đây là nơi vẫn còn giữ được nét kiến trúc nguyên bản của người Mông: Nhà sàn gỗ lợp ngói âm dương, xung quanh là tường đá rêu phong được xếp thủ công, cổng bằng gỗ có mái che và vườn nhà bao phủ đào mận với ba tông màu tuyệt đẹp từ trắng, hồng, đến đỏ. Từ đường dốc đằng xa có thể đã nhìn thấy phố Cáo nhấp nhô dưới thung lũng, bao quanh là núi đá điệp trùng. Khói lam chiều từ những nếp nhà sàn tỏa lan theo gió rồi mất hút sau những hàng cây. Những cô gái Mông xinh đẹp gùi cỏ tươi về bản đã hoàn tất nốt bức tranh chiều tà nơi sơn cước.
Sáng ngày thứ ba của chuyến đi, trên đường đi Đồng Văn, từ cao nhìn xuống thấy một nếp nhà sàn trơ trọi, bao quanh là vườn đào đỏ rực. Chúng tôi để xe trên đường rồi men theo dốc đá đi bộ xuống. Chủ nhà là một người Mông chừng 40 tuổi nói tiếng Kinh chưa sõi nhưng vồn vã, nhiệt tình như người quen lâu ngày gặp nhau “Chúng mày vào nhà chơi đi, trưa ở đây uống rượu với tao”.
Vừa lúc có cô bé khoảng 16 tuổi thấy khách lạ cũng bước ra. Chúng tôi đoán là con gái của anh chủ nhà. Không bỏ lỡ dịp, Văn Luận bảo cô gái vào thay đồ làm mẫu cho chúng tôi chụp. Vậy là cả tiếng đồng hồ, cô gái Mông xống váy sặc sỡ với chiếc gùi tre trên lưng trở thành người mẫu bất đắc dĩ bên vườn đào rực đỏ.
Trời càng lúc càng mưa rét. Hoa mận nở trắng xóa, nhìn xa như lớp tuyết dày đặc bên dòng Nho Quế xanh ngắt.Và tiêu điểm mà không ai có thể bỏ qua khi đã vượt qua bao đồi núi để đến được đây là tham quan khu nhà của Pao, tư dinh của vua Mèo Vương Chí Sình. Tại đây chúng tôi bắt gặp nhóm người xe máy phân khối lớn cũng phượt chặng đường dài từ dưới xuôi lên. Chợ Đồng Văn như một thị trấn cổ xưa trong bộ phim quyến rũ nhất về vương quốc của người Mèo. Vẫn còn đó những nhà cầu tường gạch đỏ, mái ngói âm dương chạy dài vài chục mét, đấy là nơi họp chợ của các đồng bào dân tộc. Họ mua bán, trao đổi hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, gia cầm gia súc… mang đến từ các bản làng. Từ Đồng Văn men theo những con dốc bám vào vách núi dựng đứng nhìn xa mảnh như sợi chỉ, hơn 20km nữa thì đến cột cờ Lũng Cú, cực Bắc của Tổ quốc. Ở đó chúng tôi may mắn được dự một lễ hội của người LôLô, được xem họ nhảy múa với những trang phục độc nhất vô nhị bằng lá cây theo nhịp chiêng trống đặc trưng của người bản địa. Và chuyến đi 1.300 cây số bằng xe máy trong thời tiết khắc nghiệt cũng bõ công. Những tấm ảnh của ba nhiếp ảnh gia đã được chọn đăng ở những tờ báo hàng đầu của cả nước. Nhưng hơn tất cả là một mùa Tết ngạt ngào hương sắc hoa cao nguyên mà nếu không dấn thân, có lẽ suốt kiếp này tôi cũng chỉ có thể được nhìn thấy trên tivi.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tet-vung-cao-post1499481.tpo