'Tết xóm' - tết hạnh phúc
Từ đầu tháng Chạp mà đâu đó ở mỗi góc phố, xóm nhỏ đã vang lên tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chày cối, tiếng băm chặt, tiếng bát đĩa lanh canh xen lẫn tiếng gọi nhau í ới. Thoảng trong gió mùi thơm của thịt nướng, dưa hành, canh măng… Một không khí vui tươi, rộn ràng như ngày hội đại đoàn kết. Ấy chính là 'tết xóm'- nét đẹp đã hiện diện ở nhiều khu dân cư từ vài năm nay.
Ngày cuối tuần, xóm nhỏ trên đường Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhộn nhịp hơn khi nào hết. Mỗi nhà phân công ít nhất một thành viên tham gia làm cỗ "tết xóm”. Trưởng nhóm là bà Hoàng Thị Dung cắt đặt mỗi người mỗi việc. Người đặt lợn, người lên thực đơn, người lo thuê bát đĩa, bếp nấu, người đi chợ, người nấu ăn, người sắp mâm…, tất thảy đều tăm tắp. Đúng 18 giờ, 10 mâm cỗ đã bày biện xong xuôi, gần 70 người trong xóm già trẻ, gái trai tề tựu đông đủ. Người lớn nâng ly chúc mừng nhau, trẻ nhỏ vừa ăn vừa trêu đùa, cười nói huyên thuyên bởi hàng ngày mỗi đứa mỗi trường, mỗi lớp nay mới có dịp gặp nhau...
"Cứ tưởng quanh năm lo làm ăn, mọi người "quên” hẳn việc quan tâm lẫn nhau, thế nhưng khi tôi đến từng nhà xin ý kiến mọi người cùng tổ chức ăn "tết xóm” thì ai cũng hồ hởi, đăng ký. Nhà ít thì một người, nhà nhiều thì già trẻ, gái trai đăng ký hết. Bản thân tôi rất vui, thấy mình làm được một điều thật ý nghĩa vì đã khơi dậy tình cảm ấm áp ở mỗi người. Cái đạo nghĩa "Tối lửa tắt đèn có nhau", "Bán anh em xa mua láng giềng gần” của ông bà xưa để lại được được mọi người trong xóm ủng hộ nhiệt tình. "Tết xóm” vui, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn!” – bà Hoàng Thị Dung chia sẻ.
Cũng giống như xóm nhà bà Dung, xóm nhỏ ở tổ 13, phường Yên Ninh cũng tưng bừng tổ chức "Tết xóm". 15/15 hộ trong xóm tham gia đầy đủ. Là những cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động tự do nhưng khi cùng nhau làm cỗ, họ như anh em một nhà. Đều là những người con xa quê lên Yên Bái lập nghiệp nên mâm cỗ của xóm phong phú, đa dạng vùng miền. "Tết xóm" là dịp ẩm thực quê hương của mỗi người theo họ đến đây lập nghiệp được nhắc nhớ và sẻ chia.
Bên ly rượu nồng là những câu chuyện hỏi thăm nhau về sức khỏe ông bà, cha mẹ; chuyện học hành tiến bộ của các con, chuyện công việc luôn bận rộn mà cả năm mới đến nhà nhau được, chuyện quê hương, chuyện về thực hiện an toàn giao thông trong ngày Tết… Cứ thế, bữa cơm khiến mọi người gần gũi nhau, yêu thương, cảm thông với nhau hơn. Ai cũng thấy ấm lòng khi đang sống trên quê hương thứ hai của mình. Và khi kết thúc bữa tiệc, trưởng nhóm đã tuyên bố từ nay xóm nhỏ này có tên gọi mới là "Xóm hạnh phúc” và tất nhiên, 100% vỗ tay hưởng ứng. "Tết xóm" hôm ấy thành công hơn mong đợi.
Anh Trần Văn Hải, thành viên "Xóm hạnh phúc” chia sẻ "Tết xóm tôi thường tổ chức sớm hơn vì sau đó ai cũng về quê. Hầu như ai cũng nhớ Tết quê bởi Tết là sum họp, là thương mến, là kỷ niệm tuổi thơ của mỗi người. Quý giá lắm! Ai thế nào chứ mình luôn thích khoảng thời gian này trong năm, khoảng thời gian mà lòng cứ bồi hồi, xốn xang khó tả, con càng lớn càng mong Tết về, năm nào cũng đợi những ngày xuân. Bữa cơm "Tết xóm" của chúng tôi xuyên suốt là chuyện về quê hương, hồn Tết Việt".
Đó mới chỉ là hai trong nhiều "Tết xóm”đang diễn ra trên khắp mọi miền quê hương, đất nước. Vì ai dự "Tết xóm” cũng mong muốn giữ hồn Tết Việt, cùng nhau "níu giữ” những nét văn hóa trường tồn của dân tộc cho thế hệ cháu con của mình.
Có người từng nói "Người ta không bao giờ thất vọng vì Tết cả, luôn luôn có những hi vọng mới mỗi dịp Tết về. Đó là thời điểm mọi người cho phép mình một lần nữa được khởi động lại, cho mình một cơ hội nữa để hy vọng”. Vui ăn "Tết xóm” giờ đây đang trở thành nét đẹp mới trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. "Tết xóm” - đó là gắn kết, là thương yêu, là sẻ chia, là hạnh phúc cùng nhau đón Xuân về!
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/318024/tet-xom---tet-hanh-phuc.aspx