'Tết xưa theo mẹ sang bà'…

Giá trị gia đình là cơ sở của niềm tin, chuẩn mực, một hệ thống trật tự các ưu tiên định hướng cho suy nghĩ, quan điểm, thái độ và hành động của mỗi con người. Những ngày Tết Việt là khoảng thời gian cho những giá trị gia đình được trân trọng, hội tụ và tỏa sáng ấm áp. Những giá trị gia đình cũng vận động, biến đổi, có những 'hằng số' và những 'biến số'.

Chúng ta đang chọn lọc bảo lưu những “hằng số” - những giá trị tốt đẹp của Tết gia đình truyền thống, và cũng đang chọn lựa chấp nhận, ủng hộ các “biến số” - những giá trị Tết mới, hay, lạ, rộng mở, hội nhập của gia đình hiện đại.

Cũng không biết từ khi nào câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” là câu cửa miệng của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về, hàm chứa mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn. Đó cũng là lịch trình thường thấy của các gia đình truyền thống theo nền nếp xưa.

Ngày Tết mẹ dắt con sang nhà bà trước tiên đương nhiên là để mẹ tỏ lòng hiếu kính bậc sinh thành nhưng cùng/kèm theo đó là truyền/dạy cho con nếp nhà yêu mến, kính trọng gia đình, xa hơn là họ hàng, tổ tiên. Cũng như các món đồ ăn Tết ngày xưa tất cả được các bà, các mẹ tự nấu và cũng nhân đó mà dạy cho cháu gái, con gái những kỹ năng trong nội hàm (theo cách nói ngày nay) của chữ Công - chữ đầu trong Tứ đức của người phụ nữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh, trước khi cô gái về nhà chồng. Đó là “hằng số di truyền” tốt đẹp trong nếp sống gia đình Việt, từ xưa nối đến nay…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhưng đó là chuyện chưa xa mà đã xưa. Các gia đình Việt Nam đã/đang chuyển đổi nhanh chóng, phức tạp, đa dạng các giá trị gia đình từ truyền thống sang hiện đại và cả hậu hiện đại. Sự biến đổi của các giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động của thay đổi kinh tế, chính trị đã làm các giá trị truyền thống dần dần bị thế chỗ bởi các giá trị của “thời 4.0”. Mô hình gia đình nhỏ dần chiếm đa số. Những gia đình lớn “nhiều đại đồng đường” ngày càng hiếm gặp. Và dường như đang có sự đứt gãy truyền thống trong các gia đình (?).

Với một số ít gia đình thành công, thế hệ trẻ đã trở thành những “công dân toàn cầu”. Quê hương đã không còn quan trọng bằng nơi làm việc và sinh sống, nơi chúng tìm được cảm giác ưng ý và tự do. Chuyện về (thăm) quê thưa thớt và cũng không nhất thiết phải chờ đến Tết. Ở những gia đình khá giả, hoàn toàn có thể trẻ con không “theo mẹ sang bà” mà cùng mẹ đón ông/bà đến cùng đón Tết ở phương xa. Đón Tết lại biến thành một chuyến thăm thân kết hợp du lịch. Và tất nhiên “thịt mỡ, dưa hành” đã “toàn cầu hóa” có thể mua ở các siêu thị phương xa nhưng “cái không khí” giao thừa, “cái ngưng đọng” thiêng liêng dồn nén trong thời khắc chuyển đổi hai năm cũ - mới đã bị lệch múi giờ. Bù lại, họ được ngắm thế giới rộng hơn và cũng giới thiệu Tết Việt rộng hơn với thế giới. Tết Việt đã được “cấp visa” bằng đường “ngoại giao nhân dân không chính thức” như thế.

Còn ở trong nước, các gia đình ở đô thị và cả gia đình nông thôn trong xu thế đô thị hóa đều ít con để dồn mọi sự chăm sóc cho con cái. Người dân thành thị cũng ưa thích các giá trị của cuộc sống riêng tư, kể cả những người già. Phương châm “chỉ ở gần, không ở cùng” ngày càng áp đảo với những gia đình có điều kiện kinh tế cao hơn. Vậy nên chuyện đón Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết của gia đình Việt nay cũng khác xưa nhiều lắm.

Các gia đình hiện đại gần như đã không còn đón Tết trong không khí náo nức từ rằm tháng Chạp, chuẩn bị những món “tủ” của Tết và các mẹ, các bà cũng ít cơ hội để truyền/dạy những món cỗ Tết với bí quyết chắt lọc của riêng mình như cách đây 70 - 80 năm. Cũng đã qua rồi thời mặc không đủ ấm, trẻ không còn mong ngóng “manh áo mới” xúng xính, đợi đến khi Tết mới được “diện” như những ngày xưa. Người dân thành thị bây giờ có xu hướng đề cao những giá trị hiện đại, liên quan đến chất lượng cuộc sống và cả thời gian tận hưởng cuộc sống cũng như có xu hướng tận/tiện dụng sự tiện ích của các loại dịch vụ ngày càng “phục vụ tới sát chân giường” (!). Trẻ con bây giờ không còn háo hức thòm thèm chờ bánh chưng ngày Tết nữa. Chúng đã có nhiều mối quan tâm mới/khác. Bánh chưng đặt lên bàn thờ thắp hương kính tổ tiên về ăn Tết chỉ cần một cặp, giá tiền cỡ nào độ ngon cỡ đó, có “bảo hành” cả khẩu vị - không ngon đúng ý không lấy tiền (!). Mứt, bánh, kẹo… hàng cao/thấp cấp nào cũng có, khỏi phải lo sắm trước cho “date” còn dài. Pháo Tết không được đốt cũng đã tròn 30 năm rồi nhưng mọi người sẽ rủ nhau đi “hái lộc” và ngóng xem pháo hoa được Nhà nước “chiêu đãi” (!)…

Ngược lại, người ở nông thôn có xu hướng đánh giá tầm quan trọng của những giá trị truyền thống cao hơn. Cả gia đình vẫn mong người đi làm xa trở về sum họp, vẫn muốn cùng chuẩn bị đón Tết, vẫn muốn cùng quây quần bên mâm cúng giao thừa trong giờ khắc chuyển giao năm cũ - mới. Và vẫn còn đó nỗi khắc khoải nhớ cha mẹ, quê hương mỗi khi năm mới đã sát gần của số đông, và rất đông, những người trẻ bình dân, giản dị mưu sinh ở phương trời xa, tằn tiện với mức lương không bao giờ đủ yêu cầu tích lũy phát triển gia đình. Với số đông những gia đình nhỏ và trẻ đó, chờ đón Tết trước hết cần giải quyết nỗi lo phải đặt được vé tàu xe để về quê đã, rồi mới tính đến chuyện mua quà cho cha - mẹ, ông - bà, người thân… theo lẽ bình thường nhất của tình cảm.

Và đến khi khu công nghiệp được nghỉ Tết là bắt đầu một dòng chuyển động vĩ đại của tình cảm nhớ thương tỏa về các miền quê với đồ đạc, quà Tết, cả trẻ con và người lớn... Và con theo mẹ về quê nhà bà luôn chứ không còn đợi đến mùng hai “theo mẹ sang bà” như ngày xưa nữa - khi cha mẹ còn “có phúc” gả chồng gần cho con gái. Mừng tủi sau cả năm nhớ nhung nhắc nhỏm cũng gấp gáp đầu tiên ở cổng, ở sân nhà bà… Đó là phút vỡ òa sau nhiều ngưng đọng tình cảm và thời gian như đứng lại. Và sau đó là những ngày Tết người lớn mệt nhoài vì muốn duy trì nếp cũ ở quê còn con trẻ thì lại thích thú khám phá khoảng trời quê mà thành thị hoặc khu công nghiệp không thể có được... “Quê” và những ngày “về quê” vẫn là một điều gì đó lạ lẫm và ấm áp khắc ghi trong tâm khảm tuổi thơ. Cho đến thời toàn cầu hóa bây giờ vẫn vậy.

Truyền thống bao đời vẫn có “lối” đi giữa muôn rừng khó khăn, biến đổi - vì binh lửa, thiên tai, vì cả “nhân tai” phù phiếm... Tình cảm truyền thống mộc mạc xưa cũ gặp khó khăn và cũng phải tự vạch đường len lỏi giữa những bon chen thực dụng hôm nay. Nhưng văn hóa có những đường dẫn truyền riêng có. Văn hóa gia đình trong Tết Việt cũng đã có những xáo trộn, biến đổi, phát triển nhưng vẫn chảy âm thầm mạnh mẽ dưới chiều sâu mà không quan tâm đến những ồn ào luôn diễn ra trên mặt nước. Hiếu - kính vẫn là một hệ giá trị gia đình. Tôn trọng truyền thống vẫn là nét đẹp văn hóa. Dù các gia đình “mới” đã theo những mẫu hình văn hóa “mới”, nhưng từ sâu thẳm những “hằng số” vẫn lung linh tỏa ánh sáng huyền ảo.../.

Thiên Phương

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ban-doc/-tet-xua-theo-me-sang-ba-145431.html