Thả nổi nguồn cung xăng dầu cho đại lý: Nên hay chưa?

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nơi thay vì chỉ một nguồn. Vấn đề còn bàn là quản lý ra sao về chất lượng, giá bán lẻ...

Tranh cãi chưa hồi kết

Bộ Công thương báo cáo Ủy ban Kinh tế ngày 21/4 về việc các đại lý bán lẻ xăng dầu có thể được lấy hàng từ nhiều nguồn khác nhau.

Theo đó, sau khi ghi nhận góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp về sửa Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cho biết, các đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện tại.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ quyền và nghĩa vụ của thương nhân bán lẻ xăng dầu độc lập. Đó là được ký hợp đồng mua bán xăng dầu với nhiều thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thương nhân bán lẻ xăng dầu phải đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối; phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nơi thay vì chỉ một nguồn

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy hàng từ nhiều nơi thay vì chỉ một nguồn

Dù rất vui mừng với dự thảo mới này, tuy nhiên, ông Bùi Văn Dũng, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM trăn trở với Báo Giao thông rằng, "phải làm sao để tránh tình trạng, còn 2-3 ngày nữa điều chỉnh giá bán lẻ, nếu giá xăng dầu có xu hướng tăng thì nhà cung cấp hạ chiết khấu xuống gần 0 đồng".

Vị này nêu thực tế: “Khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán. Hầu hết là nhất quyết không giao hàng để tồn trữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù doanh nghiệp bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng... dẫn đến phải đóng cửa hàng”.

Đồng tình quan điểm, ông Lê Văn Báu, trưởng cửa hàng xăng dầu Dương Anh Thư, ở quận Tân Bình TP.HCM nói thêm rằng, lấy nhiều nơi thì không nơi nào có quan hệ ràng buộc, do vậy, khi khan hàng sẽ không nơi nào chịu trách nhiệm cung cấp hàng.

Đó cũng là ý kiến từ nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu. Họ mong muốn có điều kiện ràng buộc với đơn vị cung ứng để chủ động nguồn cung, tránh diễn biến “lấy hàng như van xin” thời gian qua.

Không chỉ vậy, một chuyên gia xăng dầu lo ngại, theo quy định, mỗi đầu mối cần có tối thiểu 40 đại lý, như vậy, nếu thay đổi mỗi đại lý được lấy hàng từ nhiều đầu mối, thì cùng số lượng đại lý nhưng có thể làm được nhiều giấy phép xuất nhập khẩu.

“Việc này sẽ khiến cho việc cấp phép thêm phức tạp, nhiều hệ lụy”, vị thương nhân nói.

Vị này cũng đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu thì cửa hàng đó sẽ bán giá của đầu mối và thương nhân phân phối nào (các đầu mối quy định giá bán cho hệ thống của mình, không vượt quá giá trần điều hành). Bởi hiện nay, trên cả nước có tổng cộng 34 doanh nghiệp đầu mối và gần 400 thương nhân phân phối xăng dầu.

Bên cạnh đó, khi muốn thu hồi sản phẩm xăng dầu không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì biết thu hồi sản phẩm nguồn của đầu mối hay thương nhân phân phối nào. Bởi, hàng của nhiều đầu mối và thương nhân phân phối đã được đổ chung bồn chứa.

Chưa kể khi tính nguồn hàng dự trữ lưu thông thì tính như thế nào cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối.

Chịu giám sát chặt từ cơ quan quản lý

Theo đại diện Bộ Công thương, để quản lý chất lượng xăng dầu bán ra thị trường, tất cả các cửa hàng khi nhập hàng về sẽ phải lưu mẫu. Nếu cửa hàng bán xăng có vấn đề về chất lượng, chỉ cần kiểm nghiệm từng mẫu lưu là biết ngay nguồn hàng của đơn vị cung cấp nào có vấn đề.

Bộ này cũng cho rằng, việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn cũng là một giải pháp tốt thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường. "Về mặt quản lý sẽ phức tạp hơn, nhưng sẽ giúp đạt mục tiêu hướng tới việc các doanh nghiệp cạnh tranh hơn về giá và người tiêu dùng sẽ được lợi khi mua được xăng với giá tốt nhất, lãnh đạo Bộ này giải thích và bày tỏ, đây là quan điểm rất mới của Bộ trong việc quản lý.

Với những lo ngại từ chuyên gia và doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu sức ép giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý về nguồn cung và chất lượng.

Ngay cả những cây xăng nhượng quyền của Petrolimex cũng đóng cửa vì lỗ và một số thời điểm không có hàng bán

Ngay cả những cây xăng nhượng quyền của Petrolimex cũng đóng cửa vì lỗ và một số thời điểm không có hàng bán

Về lo ngại đại lý bán theo giá nào khi được lấy hàng từ nhiều nguồn, dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 cũng đã định hướng để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ theo giá định hướng của cơ quan điều hành. Việc cần làm là tính toán làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công thương cũng cho biết, Sở Công thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu nếu vi phạm.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, những quy định kèm theo phải thực sự minh bạch, thông thoáng và cởi mở, tránh tạo ra những “giấy phép con” gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tha-noi-nguon-cung-xang-dau-cho-dai-ly-nen-hay-chua-d589145.html