Thả nuôi được hơn 90% diện tích thủy sản nước ngọt vụ mới năm 2025
Căn cứ hướng dẫn khung lịch thời vụ của ngành chức năng, các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đã tập trung tu sửa, cải tạo ao đầm trong quý I. Đến nay, các vùng nuôi tập trung thủy sản nước ngọt đã cải tạo ao, đầm và thả nuôi được hơn 90% diện tích, các vùng nuôi tôm sú đã cải tạo trên 90% diện tích theo kế hoạch, các vùng nuôi cá biển đã cải tạo khoảng 70% diện tích, đang tích cực cải tạo diện tích ao, đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích đang nuôi khoảng 6.550ha, trong đó đa số là diện tích đang thả nuôi gối vụ từ năm trước; riêng tôm thẻ chân trắng mới có khoảng 20ha thả nuôi vụ mới năm 2025.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư (Sở Nông nghiệp và Môi trường): Người nuôi thủy sản ở các địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng thực hiện đủ các bước trong quy trình nuôi, mạnh dạn thử nghiệm kỹ thuật mới; chuyển từ hình thức nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, nuôi thâm canh áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về nuôi thủy sản, tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt giúp nâng cao hiệu quả và năng suất nuôi. Đối tượng nuôi đa dạng với các loài cá truyền thống là cá trắm, trôi, chép…; các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, diêu hồng, lóc bông, cá lăng, ếch, chạch sụn...
Năm nay, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh khoảng 14.345ha, trong đó nuôi mặn lợ 5.345ha, nuôi nước ngọt 9.100ha; diện tích nuôi tôm 2.800ha, tập trung tại các vùng nuôi ven biển; diện tích nuôi ngao 2.200ha tập trung tại vùng nuôi các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình xuống giống, các vùng nuôi, phát triển các đối tượng nuôi mới, con nuôi có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản.