Thác K50 (Gia Lai): Khúc tráng ca thác đổ giữa đại ngàn

Thác K50 còn được gọi là thác Hang Én nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc ấp Bình Định, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Kbang khoảng 70km về phía Bắc. Thác K50 được mệnh danh là 'Nàng thơ' của núi rừng Tây Nguyên.

Thác K50 nhìn từ xa phía hạ lưu. Ảnh: Tư liệu

Thác K50 nhìn từ xa phía hạ lưu. Ảnh: Tư liệu

Theo Chuyên trang du lịch, The Local Vietnam, thác K50 được xếp vị trí thứ 2 trong Top 10 thác nước đẹp nhất Việt Nam, chỉ xếp sau thác Bản Giốc nổi tiếng nằm ở biên giới Việt - Trung (tỉnh Cao Bằng). Như vậy, thác K50 không chỉ là thác nước đẹp nhất của tỉnh Gia Lai mà còn là thác nước đẹp nhất của cả khu vực Tây Nguyên. Điều đó lý giải vì sao thác K50 lại có sức hút mãnh liệt đến như vậy.

Các địa danh liên quan đến thác K50 cung cấp cho ta những thông tin vô cùng lý thú về con thác. Thác nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Định, cư dân sống trong khu vực gần đó là người Bình Định, nên tên ấp được gọi là ấp Bình Định. Thác có độ cao khoảng 50m từ đỉnh thác đến chân thác nên thác được gọi là thác K50. Thác có hình mái vòm, bên trong ngọn thác là một cái hang lớn là nơi cư trú của hàng ngàn con chim Én rừng, nên thác K50 còn được gọi là thác Hang Én.

Trước đây, để đến được thác K50, từ cổng khu bảo tồn Kon Chư Răng, du khách phải đi bộ qua một đoạn đường dài, băng qua những cánh rừng nguyên sinh, những con đường mòn, suối nước, ghềnh đá… mất khoảng 4 giờ. Nhưng hiện nay, địa phương đã đầu tư xây dựng con đường bê tông vào gần chân thác. Để vào thác K50, chúng ta có nhiều sự lựa chọn: có thể trekking theo các cung đường khác nhau hoặc thuê người dân địa phương chở bằng xe máy, vượt qua 16km đường rừng quanh co, uốn lượn, sau khoảng 20 phút là đến chân thác.

Lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy ngọn thác, chúng tôi đã phải thốt lên ngỡ ngàng: Tuyệt đẹp! Cảm xúc chợt vỡ òa, mọi mệt nhọc của hành trình đến thác dường như tan biến. Thác K50 đẹp vượt xa sức tưởng tượng của mọi người. Nhìn từ xa, thác như một dải lụa bạc lung linh giữa núi rừng. Xung quanh thác là những dãy núi cao vút lên giữa rừng cây xanh mướt. Khối nước khổng lồ từ độ cao hơn 50m đổ ầm xuống dưới tạo ra một cảnh tượng hùng vĩ, choáng ngợp; bọt nước tung trắng xóa, âm thanh vang động cả một góc rừng.

Để khám phá cận cảnh con thác tuyệt đẹp này, chúng ta phải men theo lối mòn đi vào trong lòng thác. Đường đi vào lòng thác còn tương đối hoang sơ, dây leo chằng chịt. Vào trong lòng thác, chúng ta mới cảm nhận hết được hết vẻ đẹp hớp hồn của ngọn thác bằng đủ mọi giác quan. Hơi nước từ dưới thác bốc lên tạo thành một lớp sương mù dày đặc, cộng với luồn gió thổi ào ào từ ngoài vào lòng hang tạo cảm giác mát lạnh. Âm thanh trong lòng thác là một bản giao hưởng vi diệu của thiên nhiên. Tiếng ầm ào của thác đổ ngay trên đầu; tiếng vù vù của từng cơn gió giật từ ngoài vào trong; tiếng ríu rít của hàng ngàn con chim Én đang bay lượn; tiếng ồm ộp của ếch nhái, côn trùng… tất cả hòa thành một bản giao hưởng tuyệt hay của đất trời. Tận mắt ngắm nhìn con thác từ khoảng cách rất gần ngay từ trong lòng thác là một cảm giác kỳ diệu, khó tả. Thác vừa đẹp, vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa huyền bí.

Tác giả trên đường vào lòng thác dây leo chằng chịt. Ảnh: Xuân Hiền

Tác giả trên đường vào lòng thác dây leo chằng chịt. Ảnh: Xuân Hiền

Dưới chân thác là những khối đá với nhiều hình dạng, xếp chồng lên nhau tạo thành những hình thù độc đáo, cổ quái. Du khác mặc sức tưởng tượng. Vào những ngày trời nắng, vào khoảng 8 giờ sáng, khi mặt trời lên bắt đầu chiếu vào lòng thác, ánh nắng mặt trời phản chiếu xuống dòng suối tạo nên cầu vồng lung linh vô cùng đẹp mắt. Ở đây không chỉ có 1 mà có đến 3 hoặc 4 cầu vòng tùy theo thời điểm chiếu sáng và hướng chiếu của mặt trời. Tối đến, bầu trời đầy sao khiến con thác hùng vĩ trở nên lãng mạn, nên thơ. Nhiều người ví thác K50 là khung cảnh thần tiên giữa núi rừng.

Khu vực xung quanh thác K50 là rừng già nguyên sinh, với nhiều loài thực vật quý hiếm và cảnh quan xinh đẹp. Du khách có thể đi dạo trong rừng, khám phá các loài thực vật và động vật quý hiếm hoặc có thể ngâm mình trong dòng nước mát lạnh. Một điều đặc biệt là ở lòng suối phía thượng nguồn của thác K50 có rất nhiều ốc đá. Ốc đá ở đây to, béo và rất ngon. Trong chuyến khám phá thác K50 vừa qua, chỉ sau hơn 2 giờ ngụp lặn trong dòng nước mát lạnh, chúng tôi đã bắt được hơn 4 kg ốc đá. Món ốc đá hấp trở thành một đặc sản “ngon, bổ, miễn phí” của cả đoàn.

Thác K50 khi ánh nắng mặt trời chiếu vào kết hợp với hơi nước bốc lên tạo thành cầu vồng đẹp mắt. Ảnh: Xuân Hiền

Thác K50 khi ánh nắng mặt trời chiếu vào kết hợp với hơi nước bốc lên tạo thành cầu vồng đẹp mắt. Ảnh: Xuân Hiền

Ở khu vực gần thác K50, có các làng người đồng bào dân tộc BahNar sinh sống. Ở đây, chúng ta được nghe dân làng kể về truyền thuyết thác K50 vô cùng hấp dẫn. Có 2 truyền thuyết về thác K50. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, ngày xưa, khi rừng Kon Chư Răng chưa có dấu chân người, có nàng H’Moa - con gái vị tù trưởng giàu lòng nhân hậu. Nàng yêu say đắm một chàng trai săn voi đến từ dòng tộc khác. Nhưng mối duyên bị ngăn cấm vì lời thề giữ máu huyết trong cùng buôn làng. Đêm trăng tròn, H’Moa rơi nước mắt trước vách đá thiêng. Nàng cầu khẩn thần rừng: Nếu tình yêu con là tội, xin hóa thân thành mạch nước để mãi tuôn trào giữa rừng thiêng, chở tình yêu về với núi. Sáng hôm sau, nơi H’Moa đứng một dòng thác xuất hiện. Người làng kinh sợ, gọi đó là “thác Kông Hoăh” - tức thác khóc. Về sau, người Kinh đến gọi lệch thành K50. Truyền thuyết thứ hai, vùng đất Kon Chư Răng ngày xưa có ba vị thần cai quản ba ngọn thác là: thần But Jai (nghĩa là Hang Én trong tiếng Bahnar), thần Sriêng (Bom Đạn) và thần Moi (Tổ Ong). Mỗi vị thần sở hữu một quyền năng nhất định. Thần But Jai, sở hữu nhiều bảo bối như đũa thần, đá mài, là vị thần dũng mãnh nhất vùng. Nhìn thấy dân làng sống trong hang khổ cực, chính thần đã dùng những bảo bối của mình để tạo ra lúa gạo, trâu bò, vải vóc… Dân làng rất tôn sùng vị thần tốt bụng này. Thấy vậy, thần Moi gần đó tỏ ra ghen tị và muốn giành lấy những bảo bối của thần But Jai. Thần Moi liên tục khiêu chiến và hai thần đánh nhau bất phân thắng bại. Mỗi lần đánh là một lần mưa bão, sấm chớp kéo dài năm này đến năm khác. Muôn loài phải dời đi nơi khác trú ngụ. Một ngày kia, hai vị thần đình chiến để nghỉ ngơi. Thần Moi đã dùng phép thuật đánh lén thần But Jai trong lúc ngủ. Thần But Jai vì không đề phòng nên đã bị trúng phép, thân hình gãy đôi, vỡ ra từng mảng. Thấy nguy, thần Sriêng đã dùng nỏ thần bắn thần Moi. Trúng tên, thần bỏ chạy, để lại một chiến trường ngổn ngang.

Người Bahnar nói rằng, vết tích của cuộc chiến hiện đang còn hiện hữu ở thác K50: thác nước là một dòng nước bạc thẳng đứng do thân hình thần But Jai bị gãy đôi. Chân thác là một vực sâu rộng với hàng chục khối đá to lởm chởm, đủ hình thù là do những mảnh vỡ từ thân mình của thần But Jai.

Giữa vùng rừng núi nguyên sơ, thác K50 không chỉ mê hoặc bởi vẻ đẹp hùng vĩ mà còn ẩn chứa bên trong những truyền thuyết đẫm nước mắt về tình yêu và công cuộc đấu tranh bảo vệ sự bình yên cho dân làng. Hãy đến để lắng nghe tiếng thác vọng giữa đại ngàn và cảm nhận hơi thở linh thiêng của rừng lan tỏa trong từng làn sương trắng cuộn mình dưới chân thác.

Ngô Xuân Hiền

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thac-k50-gia-lai-khuc-trang-ca-thac-do-giua-dai-ngan-a28612.html