Thắc mắc của doanh nghiệp Thụy Sĩ được Chủ tịch nước giải đáp cặn kẽ
Bà Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ, nói các doanh ngiệp Thụy Sĩ đã nêu thắc mắc, bày tỏ nguyện vọng đầu tư và được Chủ tịch nước trả lời thỏa đáng.
“Trong các hoạt động nhân chuyến thăm Thụy Sĩ lần này của Chủ tịch nước, Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Thụy Sĩ để lại trong tôi nhiều ấn tượng và suy nghĩ”, bà Nguyễn Thị Thục chia sẻ với Zing.
Bà Thục cho biết diễn đàn (diễn ra tuần qua) giúp các doanh nghiệp Thụy Sĩ có cơ hội thể hiện trực tiếp, công khai nguyện vọng đầu tư, cũng như góp ý một cách thẳng thắn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với lãnh đạo đất nước.
“Những ý kiến này được lắng nghe, tiếp thu và trả lời thỏa đáng từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành liên quan ngay tại diễn đàn”, bà Thục cho biết.
Ở góc độ người làm công việc kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, người sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG) nhận định diễn đàn đã tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước giao lưu với nhau.
Qua diễn đàn, "tôi đã gặp và trao đổi với một số doanh nghiệp Thụy Sĩ có thể là đối tác tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhờ SVBG tìm giúp. Tôi được biết rằng một số doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước lần này nhìn ra nhiều cơ hội hợp tác với Thụy Sĩ", bà Thục cho hay.
Bà chia sẻ thêm với thu nhập và khả năng chi tiêu ngày càng cao, doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng tìm kiếm đối tác, hàng hóa và dịch vụ của Thụy Sĩ - vốn được nhìn nhận là có uy tín và chất lượng cao, tạo được độ tin cậy, tuy giá có cao hơn so với mặt bằng chung thế giới.
Một kết quả khác từ chuyến thăm mà bà Thục rất quan tâm là khả năng thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) - gồm 4 quốc gia Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, và Liechtenstein.
Đàm phán bắt đầu từ năm 2012 vẫn đang ách tắc từ sau vòng đàm phán thứ 16 vào giữa năm 2018. Đại dịch Covid-19 cũng góp phần gây cản trở thêm việc nối lại đàm phán.
Tại cuộc họp báo chung hôm 26/11, Tổng thống nước chủ nhà Guy Parmelin cho biết hai bên nhất trí sẽ tìm cách nối lại đàm phán sớm nhất có thể và với hình thức linh hoạt, chủ động để có thể sớm đạt được FTA.
Ông Guy Parmelin cũng là Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu - đơn vị phụ trách việc đàm phán FTA của Thụy Sĩ. Do vậy, bà Thục tin tưởng phát biểu của ông Guy Parmelin "mang tính thực tiễn hơn là các phát ngôn nặng tính ngoại giao".
Bà Thục kỳ vọng chuyến thăm Thụy Sĩ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp kích hoạt lại hoạt động đàm phán và nhanh chóng đạt được FTA.
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, gút mắc trong đàm phán FTA Việt Nam - EFTA/Thụy Sĩ "dường như đã có thước đo tham chiếu”, theo bà Thục.
"FTA sẽ là một cú hích, thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Qua đó, doanh nghiệp và nhà đầu tư Thụy Sĩ sẽ lưu tâm nhiều hơn đối với thị trường Việt Nam", người sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ nói thêm.