Thắc mắc quanh ta (Kỳ 1)

Cuộc sống quanh ta có biết bao điều thân quen nhưng không dễ giải thích. Tiếp sau chuyên mục 'Từ bao giờ vậy?', từ số này, chuyên đề Tinh hoa Việt mở chuyên mục 'Thắc mắc quanh ta'. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Mỗi người có bao nhiêu sợi tóc?

Trung bình một người thường có khoảng 100.000 sợi tóc.

Trung bình một người thường có khoảng 100.000 sợi tóc.

Số lượng tóc mà một người có trên đầu có thể thay đổi theo từng cá nhân. Tuy nhiên, trung bình một người thường có khoảng 100.000 sợi tóc. Số lượng tóc bạn có cũng có thể thay đổi tùy theo màu tóc. Một số ước tính bao gồm: Màu tóc vàng thường có 150.000 sợi. Màu tóc nâu thường có 110.000 sợi. Màu tóc đen thường có 100.000 sợi. Một nghiên cứu đã tính mật độ tóc ở 50 người tham gia. Họ phát hiện thấy rằng trung bình có từ 124 - 200 sợi tóc trên mỗi cm2). Có khoảng 100.000 nang tóc trên đầu.

Có khoảng 85 - 90% tóc ở giai đoạn tăng trưởng trong một khoảng thời gian nhất định. Tóc đã ngừng phát triển trong giai đoạn này, nhưng vẫn còn trong nang tóc. Sau thời gian này, những sợi tóc sẽ rụng khỏi nang tóc. Đôi khi chu kỳ này có thể bị gián đoạn, tóc có thể mọc ra ít hơn so với lượng tóc rụng. Điều này có thể dẫn đến tóc mỏng hoặc hói đầu. Thường tóc rụng từ 50 - 100 sợi mỗi ngày. Còn tùy thuộc vào thói quen chăm sóc tóc, có thể rụng nhiều hơn nữa.

Trên thực tế, sau khi bước sang tuổi 30, khả năng tóc bạc sẽ tăng khoảng 10 - 20% sau mỗi thập niên. Toàn bộ cơ thể bạn có tổng cộng khoảng 5 triệu nang tóc. Bạn được sinh ra với tất cả các nang tóc và không phát triển thêm khi bạn già đi. Tóc trên cơ thể có nhiều chức năng. Tóc giúp bảo vệ chúng ta khỏi các yếu tố thời tiết, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và nhận biết được các cảm giác.

Trung bình, tóc sẽ dài khoảng 15,2 cm trong một năm. Đó là khoảng 1,27 cm mỗi tháng. Tóc nam thường mọc nhanh hơn tóc nữ. Bạn rụng khoảng 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày.

Màu tóc được xác định bởi di truyền. Tóc đen hoặc nâu là phổ biến nhất. Khoảng 90% người trên thế giới có những màu tóc này.

Có phải cấu trúc của tổ ong là mô hình tiết kiệm nhất về nguyên liệu?

Tổ ong có hình lục giác.

Tổ ong có hình lục giác.

Tổ ong và những con ong mật có đặc điểm gì chung? Câu trả lời rõ ràng là cả hai đều thành thạo trong việc góp phần cung cấp mật ngọt cho con người. Nhưng có một câu trả lời có tính kỹ thuật hơn cho câu hỏi này: Có phải loài ong mật này biết cách sử dụng nguyên liệu để làm tổ một cách rất hiệu quả.

Tổ ong được làm từ sáp do ong tiết ra, được sử dụng để lưu trữ mật ong, phấn hoa và các ấu trùng. Trong hàng ngàn năm, cấu trúc hình lục giác của tổ ong đã được con người chú ý và ngưỡng mộ. Người ta tự hỏi liệu kiến trúc côn trùng học này có truyền cảm hứng cho các đường nét bên trong và các căn phòng ẩn trong mái vòm của đền Pantheon ở Rome hay không? Ngày nay cấu trúc tổ ong đã dẫn đến nhiều ứng dụng kỹ thuật và khoa học, kể cả trong ngành hàng không vũ trụ.

Tại sao tổ ong có cấu trúc lục giác? Pappus của Alexandria tuyên bố rằng những con ong “sở hữu một cảm giác đối xứng thần thánh” và Charles Darwin đã mô tả tổ ong là một kiệt tác kỹ thuật “tuyệt đối hoàn hảo trong việc tiết kiệm sức lao động và sáp ong”.

Một cơ sở toán học được đưa ra bởi nhà khoa học người Ba Lan Jan Brożek (1585-1652): Hình lục giác lát mặt phẳng với ranh giới tối thiểu. Nói cách khác, Brożek phỏng đoán rằng cách tối ưu để bao phủ một vùng rộng lớn với các hình dạng có cùng diện tích trong khi giảm thiểu ranh giới là sử dụng cấu trúc lục giác.

Vấn đề này đã chống lại một số giải pháp trong nhiều thế kỷ nhưng cuối cùng đã được Thomas Hales giải quyết một cách tích cực vào năm 1998.

Màu sắc của hoa từ đâu mà có?

Màu sắc của hoa hồng.

Màu sắc của hoa hồng.

Hoa có đủ hình dạng và kích cỡ, nhưng điều khiến chúng thực sự nổi bật là có màu sắc rực rỡ. Những màu này được tạo thành từ các sắc tố và nói chung, khi càng ít sắc tố thì màu càng nhạt. Các sắc tố phổ biến nhất trong hoa có dạng anthocyanin. Những sắc tố này có nhiều màu từ trắng, đỏ, xanh dương, vàng, tím và thậm chí là đen, nâu. Một lớp sắc tố khác được tạo thành từ các carotenoid. Carotenoid chịu trách nhiệm cho một số màu vàng, da cam và đỏ. Trong khi nhiều loài hoa có màu sắc từ anthocyanin hoặc carotenoid, thì có một số loài có thể có màu sắc từ sự kết hợp của cả hai loại.

Anthocyanins và carotenoids là những nguồn sắc tố chính tạo nên màu sắc của hoa, nhưng có những yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến cách thể hiện màu sắc. Lượng ánh sáng mà hoa nhận được khi phát triển, nhiệt độ của môi trường xung quanh, thậm chí độ pH của đất cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc của hoa. Một yếu tố khác là từ môi trường, có thể bao gồm hạn hán, lũ lụt hoặc thậm chí là thiếu dinh dưỡng trong đất, tất cả đều có thể làm giảm màu sắc của hoa. Và sau đó, tất nhiên, có hình ảnh mà mắt và não hình thành: phần lớn mọi người có thể thấy tất cả các màu trong quang phổ thấy được, nhưng mỗi người lại cảm nhận màu sắc một cách khác nhau, vì vậy một bông hồng đỏ có thể rực rỡ hơn đối với người này trong khi lại có vẻ mờ nhạt hơn đối với người khác.

Vì sao trâu bò ăn được rơm rạ?

Bò sữa.

Bò sữa.

Rơm rạ có hàm lượng protein dao động từ 1-8%, tuy vậy hàm lượng chất xơ (cellulose) là quá cao, có thể tới 65%. Trâu bò và nhóm động vật nhai lại có dạ dày 4 túi, trong đó có các vi sinh vật có thể phân hủy cellulose và thức ăn được nhai đi nhai lại nên chúng mới có thể ăn được rơm rạ.

Dạ dày trâu, bò chia làm bốn túi: dạ cỏ (paunch), dạ tổ ong (honeycomb), dạ lá sách (omasum) - ba ngăn này gọi chung là dạ dày trước, và dạ múi khế (abomasum, gọi là dạ dày thực, có các tuyến tiêu hóa như các loài động vật có dạ dày đơn).

Vi sinh vật trong dạ cỏ có thể phân giải và tiêu hóa chất xơ và chuyển đổi chúng thành đường, acid acetic, acid propionic và acid butyric... Cùng với quá trình tiêu hóa thức ăn thô, dạ cỏ phát triển mạnh và khi trâu bò trưởng thành dung tích dạ cỏ rất lớn, khoảng 100 - 200 lít và chiếm tới 80% dung tích của toàn bộ dạ dày.

Ở trâu bò trưởng thành, dạ cỏ là ngăn lớn nhất, sau đó là dạ lá sách và dạ múi khế và cuối cùng dạ tổ ong là bé nhất. Những vi sinh vật sống trong dạ cỏ là những vi sinh vật có lợi, không gây độc hại cho trâu bò. Chúng được cảm nhiễm từ bên ngoài vào (qua thức ăn, nước uống và truyền từ trâu, bò trưởng thành sang bê, nghé).

Vi sinh vật sống và phát triển mạnh được trong dạ cỏ là nhờ tại đây có các điều kiện thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường yếm khí và nguồn dinh dưỡng dồi dào. Chúng tổng hợp nhiều vitamin nhóm B, vitamin K và tất cả các acid amin thiết yếu. Thậm chí chúng có khả năng sử dụng những hợp chất nitơ phi protein như urê để tạo thành những chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Chúng biến đổi chất xơ (chủ yếu là cellulose) và các chất bột đường thành các acid hữu cơ (các acid béo bay hơi) như acid acetic, acid propionic, acid butyric. Các acid này nhanh chóng được hấp thu qua thành dạ cô và cung cấp cho trâu bò khoảng 60 – 80% nhu cầu năng lượng.

Như vậy, thực chất nuôi dưỡng trâu bò là nuôi dưỡng khu hệ vi sinh vật dạ cỏ, là cung cấp và tạo cho chúng những điều kiện tối ưu để phát triển và sinh sôi, nảy nở. Sau khi vào miệng, thức ăn được trâu bò nhai và thấm nước bọt rồi được nuốt xuống dạ cỏ. Khoảng 20 - 30 phút sau khi ăn, bắt đầu quá trình nhai lại.

Trong một ngày đêm trâu bò nhai lại 7 - 10 lần, mỗi lần 40 - 50 phút và tổng thời gian nhai lại trong một ngày đêm là khoảng 7 - 8 giờ, trong đó có tính cả các đợt nghỉ ngơi xen kẽ. Nhờ nhai lại, thức ăn được nghiền nhỏ.

Cùng với sự phân giải của vi sinh vật trong thời gian thức ăn lưu lại ở dạ cỏ, độ cứng của thành tế bào các loại thức ăn bị phá hủy, các thành phần dinh dưỡng được giải phóng dần, thức ăn được chìm sâu dần xuống phần dưới túi dạ cỏ. Và từ đây, chúng được đẩy tới dạ tổ ong và sau đó tới lỗ thông giữa dạ tổ ong và dạ lá sách. Việc vơi dần lượng chất chứa trong dạ cỏ tạo điều kiện cho trâu bò tiếp tục thu nhận thức ăn và tiêu hóa các phần thức ăn mới.

GS NGUYỄN LÂN DŨNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thac-mac-quanh-ta-ky-1-10286193.html