Thạc sĩ 'cầm kéo' Nghiêm Văn Hoàn: Viết tiếp câu chuyện truyền nhân đời thứ ba của tiệm may Văn Hùng Tailor
Khác với nhiều hàng may Âu phục hiện đại, tiệm may Văn Hùng Tailor - thường được mệnh danh là 'Nhà may của các Đại sứ' - tuy có diện tích không lớn nhưng lại sở hữu một câu chuyện lịch sử thú vị và không gian ấm cúng, cổ kính. Dưới bàn tay của truyền nhân đời thứ ba - anh Nghiêm Văn Hoàn, những bộ comple tại đây mang vẻ đẹp giao thoa vượt thời gian, cổ điển mà vẫn hiện đại.
Gác bút nghiên, kế nghiệp gia truyền
Lớn lên trong tiếng kẻ vẽ, tiếng kéo cắt vải của bố, anh Hoàn khi đó chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành một thợ may. Theo định hướng của bố mẹ, anh tốt nghiệp Thạc sĩ Quan hệ quốc tế - Học viện Ngoại giao. Tuy nhiên, với dòng máu “con nhà nghề”, anh vẫn táy máy học may theo bố kể từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường và coi đó sẽ là “nghề tay trái” kiếm thêm thu nhập. Những năm tháng thanh xuân đó, anh miệt mài sáng đi học, đi làm, tối về nhà cắt may phụ gia đình.
Cuộc sống những tưởng sẽ trôi đi êm đềm như vậy nhưng biến cố đã tới. Mẹ mất, bố đã có tuổi, sức khỏe không còn như trước mà cửa hàng vẫn cần tiếp tục hoạt động. Không đành lòng nhìn tâm huyết từ thời cha ông lại đứt đoạn trong tay mình, với tình yêu nghề vốn có, anh Hoàn đã nhanh chóng quyết định bước tiếp con đường lưu giữ nghề gia truyền.
Tiệm may Văn Hùng Tailor khi ấy vẫn giữ nét hoài cổ từ thời cha anh mới mở. Anh nhớ lại: “Cửa hàng được đặt theo tên của bố tôi là Văn Hùng. Ông từng là giáo viên dạy nghề tại Trường Kỹ thuật Cắt may Hà Nội (nay là Trường Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội). Sau này ông trở thành 1 trong 10 ứng viên xuất sắc nhất Việt Nam được Cộng hòa dân chủ Đức bấy giờ lựa chọn sang học tập và làm việc tại Viện Mốt Berlin. Đây cũng là cơ duyên đưa ông đến với con đường may Âu phục sau này và gây dựng nên thương hiệu Văn Hùng Tailor từ cửa hàng cắt may gia công chuyên phục vụ người phương Tây mở từ năm 1950 của ông nội tôi là Nghiêm Văn Nho”.
Tuy nhiên, là một người trẻ được đào tạo bài bản và đặc biệt có thế mạnh về ngoại ngữ, anh Hoàn nhận ra, dù phương thức cổ điển vẫn mang vẻ đẹp riêng nhưng đối với cuộc sống hiện đại và đặc biệt là quốc tế hóa như hiện nay, tiệm may cần có sự cải cách để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tụt hậu.
Với quan điểm đó, Văn Hùng Tailor đã trở thành một trong những cửa hàng đầu tiên giao tiếp thành thạo tiếng Anh với người nước ngoài từ những năm 2000, sau đó qua truyền miệng mà gây dựng được một tệp khách nước ngoài lớn. Đồng thời, anh cũng làm lại bộ nhận diện thương hiệu, sửa sang lại cửa hàng, thổi một làn gió mới vào một thương hiệu truyền thống. Đây cũng là một trong những điều giúp tên tuổi Văn Hùng Tailor không chỉ ghi dấu trong lòng mọi thế hệ khách hàng Việt Nam mà cả khách nước ngoài.
Nhà may của các Đại sứ...
Là một nhà may gia truyền, vừa lưu giữ những câu chuyện lịch sử vừa cập nhật kịp thời xu hướng hiện đại và dịch vụ tầm quốc tế, Văn Hùng Tailor đã thu hút nhiều vị khách nước ngoài tò mò ghé thăm, rồi dần trở thành địa chỉ may đo yêu thích của nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, đặc biệt là các vị Đại sứ, Tham tán đến từ Đại sứ quán Anh, Mỹ, Australia, Canada, Đan Mạch, New Zealand và Thụy Sĩ.
Anh Hoàn cho biết: “Ba đời Đại sứ Pháp tại Việt Nam từng là khách hàng thân thiết của Văn Hùng Tailor. Trong đó, cựu Đại sứ Pháp Jean-Francois Giraud đã từng đặt may 20 bộ vest trong suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam (từ năm 2010 – năm 2012) để mặc trong những dịp tiếp khách đặc biệt.
Ngoài ra, tiệm may còn vinh dự được tiếp đón và phục vụ nhiều chính khách cấp cao khác như, Đại sứ Canada Shawn Steil, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew hay Tham tán Đại sứ quán Liên Bang Nga Arkady Druzhinin…
Dù là khách nước ngoài hay người Việt, là Đại sứ hay người bình thường thì nhà tôi vẫn luôn dành sự quan tâm giống nhau cho mỗi sản phẩm. Văn Hùng Tailor quan niệm mỗi khách hàng đều là một Đại sứ”.
Một điểm khác biệt lớn và cũng là thế mạnh của Văn Hùng Tailor so với nhiều nhà may khác là hai cha con anh Hoàn trực tiếp tư vấn, đo đạc và làm đồ cho khách, vì vậy có thể nhớ được từng đặc điểm về hình thể cũng như sở thích của từng khách hàng khác nhau, đồng thời, áp dụng kỹ thuật cắt may gia truyền nhiều đời, qua đó giúp sản phẩm ít sai số ở mức tối đa nhất. So với mô hình thuê gia công (outsource) đang rộ lên hiện nay, Văn Hùng Tailor có những thế mạnh nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đặc biệt, không nhiều nhà may hiện nay có các tệp khách hàng đa dạng như Văn Hùng Tailor, từ chính khách, giới ngoại giao, khách du lịch cho tới ca sĩ, nghệ sĩ. Nhờ có tính kế thừa, cửa hàng luôn linh hoạt thay đổi kiểu dáng, chất liệu cho từng đối tượng khách hàng khác nhau. Anh Hoàn nhận định: “Mình là người trẻ, tiếp cận được với các nền tảng mạng để cập nhật xu hướng ăn mặc hiện đại, qua đó biết được điểm mạnh điểm yếu của cửa hàng, biết mình, biết ta. Đây cũng là lý do nhiều nhà may truyền thống khó đi xa vì không có thế hệ sau kế thừa giúp đỡ”.
Cùng với đó, để tối ưu trải nghiệm khách hàng, Văn Hùng Tailor cũng cung cấp các dịch vụ vệ tinh với rất nhiều đối tác trong ngành cưới, các khách sạn lớn, váy cưới, áo dài, makeup, chụp ảnh quay phim... Hàng năm, Văn Hùng Tailor luôn nhận được lời mời tham dự từ các tập đoàn khách sạn nổi tiếng mỗi khi họ tổ chức triển lãm cưới. Điều này minh chứng cho việc Văn Hùng Tailor được đối tác đánh giá cao trên thị trường, là thương hiệu đáng tin cậy cho khách hàng.
“Ai rồi cũng phải mặc comple ít nhất 1 lần trong đời. Bản thân tôi luôn cập nhật những xu hướng ăn mặc hiện đại, trẻ trung. Đồng thời, cùng cộng đồng các bạn trẻ yêu phong cách cổ điển, tôi mong muốn phổ cập trang phục này tới nhiều khách hàng trẻ, khiến cho chiếc áo jacket dần trở thành món đồ cần thiết và không có gì quá “đóng hộp”, khó tiếp cận nữa”.