Thách thức chuyển đổi logistics xanh

Việc áp dụng các giải pháp logistics xanh trong thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và xã hội. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi sang logistics xanh vẫn là thách thức của các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ.

Hội nghị nhóm đối tác công tư với chủ đề "Doanh nghiệp với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp", do Bộ NNPTNT tổ chức. Nguồn: VGP.

Hội nghị nhóm đối tác công tư với chủ đề "Doanh nghiệp với chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp", do Bộ NNPTNT tổ chức. Nguồn: VGP.

Nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế

Nghiên cứu từ công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, doanh thu quý 1/2024 của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop đạt hơn 79,12 nghìn tỉ đồng, tương đương 768,44 triệu đơn vị sản phẩm của hơn 510.000 nhà bán hàng online được bán ra. Từ những kết quả trên cho thấy, sự tăng trưởng trong thương mại điện tử là khá lớn.

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) trong thời gian gần đây doanh số của TMĐT luôn tăng trưởng hai con số. Mặc dù TMĐT phát triển tích cực nhưng chưa bền vững, chưa “xanh hóa”. Ví dụ, việc đóng gói bao bì (hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần), giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói đã tác động đến môi trường rất lớn.

Thực tế hoạt động logistics đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng nhưng nó cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường đáng kể. Do đó, đối với xã hội, hoạt động chuyển đổi xanh hóa logistics góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn cho cộng đồng, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường. Còn với DN giúp giảm chi phí vận hành lâu dài nhờ vào việc tối ưu hóa tuyến đường, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu lãng phí trong logistics. Đồng thời cũng nâng cao uy tín và thương hiệu của DN nhờ sự chuyển đổi có tính đóng góp cho môi trường. Nhờ đó, DN đi đầu trong chuyển đổi logistics xanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh so với các DN khác.

Dù mang lại nhiều lợi ích thực tế nhưng quá trình chuyển đổi sang logistics xanh vẫn là thách thức của các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Đề cập về những thách thức “xanh hóa” logistics trong thương mại điện tử, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, thách thức đầu tiên thể hiện ở nhận thức và khả năng đáp ứng trong chuyển đổi xanh dịch vụ logistics. Không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng, nhận thức về logistics xanh và xu hướng tìm cách chuyển đổi còn hạn chế. Nhiều DN chưa thấy rõ lợi ích dài hạn của việc đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường. Vì vậy các chương trình đào tạo và hướng dẫn cho nhân viên về các phương pháp và quy trình logistics xanh cũng không được coi trọng. Người tiêu dùng cũng chưa thấy rõ tác động của logistics xanh TMĐT để có sự chuyển đổi trong hành vi.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi “xanh hóa”

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, chi phí logistics tại các DN bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% - 20%. Trong chi phí logistics, vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60% - 80%. Do đó, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp DN cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển. Chính vì vậy, việc “xanh hóa” logistics trong TMĐT cần được triển khai mạnh mẽ. Trách nhiệm này không chỉ ở phía nhà nước, DN mà còn ở cả chính người tiêu dùng.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho rằng, việc xanh hóa ngành logistics đương nhiên sẽ tiêu tốn chi phí của DN. Tuy nhiên, DN không nên nhìn nhận đó là chi phí mà nên coi đó như những khoản đầu tư cần phải có để đảm bảo cho tương lai cạnh tranh được trong chuỗi ngành logistics toàn cầu. Hiện nay có 73,2% DN cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh.

Ở góc độ DN, bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Đối ngoại cao cấp Nestlé Việt Nam cũng chia sẻ, để nâng cao giá trị thương hiệu Việt vươn xa, mong rằng, Nhà nước có khung chính sách nhất quán, dài hạn cùng với sự hợp tác của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng logistics, TMĐT xanh. Nhà nước cần sớm có cơ chế cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh và phát triển các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng xanh tại Việt Nam.

Để DN nhỏ và vừa chuyển sang “xanh hóa” hoạt động logistics, bà Phạm Thị Lan Hương - Trưởng ban Logistic của VLA cho rằng, về cơ chế, chính sách cần có một chương trình để hỗ trợ cho các DN. Ví dụ như khi DN muốn chuyển đổi xanh thì cần phải ứng dụng công nghệ, vậy chúng ta có thể bố trí nguồn vốn, hỗ trợ mức ưu đãi cho các DN đầu tư vào chuyển đổi số được không? Thêm nữa là về mối quan hệ giữa các DN đối với các sàn TMĐT. Bởi vì sàn TMĐT hiện đang là khách hàng chính của các DN logistic. Bởi vậy, các sàn TMĐT có thể hỗ trợ phần nào hoặc làm gì trong mối quan hệ với các DN vừa và nhỏ để họ có thể quyết liệt trong chuyển đổi số.

Bộ Công thương đang hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, vấn đề cần đặt ra là làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho DN trong nước, để các DN có thể chiếm lĩnh thị phần ngành hàng này, từ đó nâng cao vị thế của ngành logistics Việt Nam ngay tại sân nhà. Chiến lược phát triển dịch vụ logistics sẽ nhấn mạnh vai trò của hiệp hội trong việc kết nối DN; phát triển logistics xanh, bền vững.

Nam Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thach-thuc-chuyen-doi-logistics-xanh-10282590.html