Thách thức đặt ra trong công tác bảo tồn lễ hội 'làng trong phố'

Tại tọa đàm ' Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội' do Sở VHTT Hà Nội tổ chức, các đại biểu đã chỉ ra những thách thức trong công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống ở nội thành Thủ đô.

Tọa đàm vừa diễn ra sáng ngày 3/11 tại đình Đồng Cổ, Hà Nội với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và đại diện cộng đồng dân cư đang thực hành các lễ hội truyền thống ở Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Sở VHTT Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận có 221 lễ hội truyền thống. Trong đó quận Ba Đình (19 lễ hội), Thanh Xuân (4 lễ hội), Tây Hồ (9 lễ hội), Nam Từ Liêm (23 lễ hội), Long Biên (34 lễ hội), Hoàng Mai (9 lễ hội), Hoàn Kiếm (10 lễ hội), Hai Bà Trưng (9 lễ hội), Hà Đông (46 lễ hội), Đống Đa (18 lễ hội), Cầu Giấy (16 lễ hội), Nam Từ Liêm (24 lễ hội).

Trong đó có 9/19 lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội làng Lệ Mật, Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên); Lễ hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội bơi Đăm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội chùa Láng quận Đống Đa; Lễ hội thổi cơm Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm); Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), Lễ hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), Hội Thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ).

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội có lịch sử lâu đời, rất đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa khá riêng biệt của Hà Nội, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long; mang tính tổng hợp, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực cúng tế, các trò chơi, trò diễn dân gian. Có nhiều hội đền, hội đình, hội chùa không chỉ trong phạm vi địa phương mà thuộc nhiều phường, quận. Có lễ hội vẫn giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay như: Hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân), Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm).

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm.

Tuy nhiên, trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể với những hình thức biến tướng, trục lợi, thay đổi không gian vốn có của lễ hội...

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thách thức đặt ra đối với bảo tồn giá trị lễ hội truyền thống ở nội thành Hà Nội nằm ở sự mai một nhanh chóng của di sản văn hóa phi vật thể ở cả không gian của lễ hội và chính di sản đó. Bên cạnh đó là thách thức từ sự thay đổi của cộng động vì người dân ở khu vực nội thành phần lớn là dân nhập cư, mối liên hệ dòng họ, làng xã lỏng lẻo. Đó còn là thách thức về áp lực mưu sinh khiến cho những nét đẹp trong lễ hội dần biến mất như ẩm thực trở nên lai căng, không còn tìm thấy nét đẹp riêng của vùng đất. Đó còn là áp lực về nhận thức khi giới trẻ không gắn bó với cách làm và thực hành lễ hội. Cuối cùng, chính sách pháp luật không theo kịp áp lực cũng đặt ra những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.

Từ thực tế của việc phục dựng lễ hội thất truyền gần 70 năm của cư dân thập tam trại ở phía Tây kinh thành Thăng Long, ông Trần Sơn Trà, Phó ban quản lý di tích lịch sử đền Núi Sưa cho biết, trước năm 1945, dân thập tam trại vẫn có một lễ hội chung đó là lễ hội đình hàng tổng vạn phú. Lễ hội truyền thống không chỉ là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và hội họp vui chơi giao lưu của cư dân bản địa nữa mà nó còn tăng thêm phần gắn bó đoàn kết của cư dân 13 làng trại phía Tây kinh thành Thăng Long. Họ coi nhau là anh em ruột thịt cùng gốc Lệ Mật cùng giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Nhưng tiếc thay lễ hội đã bị mai một sau năm 1945 do nhiều lý do, đình hàng tổng và đình các làng bị lấn chiếm xuống cấp. Lối vào đình hàng tổng bị thu hẹp không đủ không gian rước phách nên mặc dù mong muốn nhưng mãi đên năm 2023 lễ hội mới được khôi phục. Còn lệ rước về Lệ Mật thì đã được khôi phục lại nhiều năm trước và giờ đã trở thành truyền thống. Việc khôi phục lại lễ hội thập tam trai hay lễ hội hàng tổng là một việc hết sức khó khăn và đòi hỏi sự quyết tâm thống nhất cao.

TS Lê Thị Minh Lý phát biểu tại tọa đàm.

TS Lê Thị Minh Lý phát biểu tại tọa đàm.

Theo ông Trần Sơn Trà, việc phục dựng lại một lễ hội đã thất truyền gần 70 năm có rất nhiều khó khăn có thể kể đến như: Tư liệu về nội dung và hình thức lễ hội rất hạn hẹp. Ký ức của các cố lão địa phương thì hạn chế do các cụ đã cao tuổi. Không gian tổ chức lễ hội cũ không đáp ứng được cho việc phục dựng lại lễ hội. Sự đoàn kết nhất quán của nhân dân các làng trong tập tam trại. Do biến thiên của thời cuộc, cư dân các làng hiện tại đã là phố việc biến động dân cư diễn ra thường xuyên nên rất khó cho việc tuyên truyền thu hút và trách nhiệm với làng xã. Một số ban quản lý di tích chưa ý thức được tầm quan trọng của lễ hội …

Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo quận và sự quyết tâm cao của các làng đã khắc phục dần những khó khăn cùng nhau ngồi lại để bàn bạc và xây dựng chương trình lễ hội. Mỗi một làng là một tiểu ban tổ chức cùng sốt sắng vận động cán bộ nhân dân cùng vào cuộc trong các nghi lễ, các hoạt động. Thông nhất với nhau về nội dung và quyết định lấy lễ hội rước về Lệ Mật của thập tam trại làm hình mẫu để phục dựng lại lễ hội tại Kinh quán Thăng Long.

Từ thực tiễn phục dựng lễ hội, ông Trần Sơn Trà cho rằng, điều quan trọng để bảo tồn lễ hội ở khu vực nội thành là sự thống nhất giữa cộng đồng dân cư và chính quyền. Chính quyền làm công tác định hướng, chỉ đạo, còn các hoạt động trong lễ hội nên giao cho nhân dân, các chủ thể chính thức của di sản. Bên cạnh đó, để giữ đúng tinh thần của lễ hội nên có các cuộc gặp gỡ và ghi lại lời của các cụ còn nhớ về lễ hội xưa, trước khi các cụ về với tổ tiên.

Tại tọa đàm, đại diện Cục Di sản (Bộ VHTTDL) khẳng định, di sản sống được là nhờ cộng đồng thực hành và trao truyền liên tục qua các thế hệ như cơm ăn áo mặc, như máu thịt của mình. Bảo vệ di sản sống chính là bảo vệ con người, bảo vệ nó trong xã hội biến đổi.

Đứng ở góc độ nghiên cứu, TS Lê Thị Minh Lý kiến nghị biện pháp để bảo vệ giá trị truyền thống lễ hội ở khu vực nội thành Hà Nội. Đó là việc lựa chọn lễ hội cần ưu tiên bảo vệ. Đồng thời, cần có chính sách riêng cho khu vực nội thành với đặc thù và thách thức như đã nêu trên. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định cần nhận diện cộng đồng thực hành di sản, giáo dục di sản và làm việc với truyền thông nhằm tuyên truyền nét đẹp của di sản và nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ lễ hội truyền thống.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thach-thuc-dat-ra-trong-cong-tac-bao-ton-le-hoi-lang-trong-pho-post556830.antd