Thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh

Ngày 28/7, Ngân hàng Trung ương Brazil cho biết, nước này đã nhận được 31,57 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu năm 2023, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công nhân làm viện tại một nhà máy ở Taubate, Brazil. Ảnh: AFP/ TTXVN

Công nhân làm viện tại một nhà máy ở Taubate, Brazil. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, vốn FDI đổ vào các dự án sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này chỉ đạt gần 5,3 tỷ USD, giảm tới 64%.

Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Brazil nhấn mạnh nguồn vốn FDI sụt giảm vẫn nằm trong giới hạn do của Chính phủ nước này đặt ra từ đầu năm nay.

Theo đó, Chính phủ Brazil dự báo vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này trong năm 2023 sẽ chỉ đạt 75 tỷ USD, giảm mạnh từ mức 91,5 tỷ USD ghi nhận vào năm ngoái.

Báo cáo do Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (Cepal) của Liên hợp quốc vừa công bố cho thấy Brazil hiện chiếm 41% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực trong năm 2022, tiếp theo là Mexico 17%, Chile 9%, Colombia 8%, Argentina 7% và Peru 5%.

Cũng theo Ngân hàng Trung ương Brazil, thâm hụt ngân sách ban đầu (trước khi trả nợ) của nước này trong nửa đầu năm 2023 đã ở mức 20,4 tỷ real (gần 4,3 tỷ USD), tương đương 0,39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều này trái ngược hoàn toàn với kết quả đạt được trong cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm ngoái, thặng dư ngân sách của Brazil đạt 129,9 tỷ real (khoảng 27,49 tỷ USD), tường đương 2,7% GDP của Brazil.

Ngân hàng Trung ương Brazil cho hay, thâm hụt ngân sách chủ yếu là do Chính phủ tăng chi tiêu để thúc đẩy các chính sách kinh tế-xã hội quan trọng.

Nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Brazil hiện đang lên kế hoạch tăng nguồn thu, bao gồm tăng thuế nhiên liệu và thuế xuất nhập khẩu./.

Ngọc Tùng (P/v TTXVN tại Buenos Aires)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-khong-nho-doi-voi-nen-kinh-te-lon-nhat-my-latinh/301080.html