Thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy

Ngày 8/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về tình hình phát triển giáo dục-đào tạo, trong đó có việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại địa phương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục Ninh Bình vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, như: giáo dục mũi nhọn còn hạn chế; thiếu các trường chất lượng cao…đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, định hướng của Bộ GD&ĐT để giáo dục Ninh Bình phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, có sự bứt phá trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những kết quả của giáo dục tỉnh Ninh Bình, trong đó có những lĩnh vực nổi trội và khẳng định vai trò rất quan trọng của các tỉnh/thành đối với phát triển giáo dục; nhất là trong xu hướng phân cấp, phân chia trách nhiệm ngày càng rõ hơn, mạnh mẽ hơn giữa bộ ngành, địa phương...

Trao đổi một số nội dung liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đội ngũ giáo dục cả về số lượng và chất lượng; phòng chống dịch bệnh và những vấn đề xung quanh chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cái khó là ở hạ tầng, các điều kiện bảo đảm chất lượng; ở đội ngũ; nhưng khó nhất, thách thức nhất, chính là thay đổi tư duy, cách làm.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Mong các đồng chí thấy hết những khó khăn của chương trình này để chỉ đạo chứ không phải nhẹ nhàng, giản dị chúng ta kiểm đếm SGK là xong. Tập huấn giáo viên không chỉ một vài lần."

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn, quá trình đổi mới có sự chia sẻ trong toàn bộ hệ thống; các địa phương thấy hết được khó khăn, thách thức, từ đó quyết tâm, cùng đồng lòng triển khai đổi mới giáo dục.

Thực hiện : Phan Hằng Đỗ Minh Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thach-thuc-lon-nhat-la-thay-doi-tu-duy