Thách thức nuôi trồng thủy sản trên biển

Với tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000ha, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đưa ra mục tiêu khiêm tốn 280.000ha đến năm 2025 và 300.000ha vào năm 2030. Thế nhưng, số liệu kỳ vọng diện tích nuôi biển đến hết năm 2023 mới đạt 85.000ha…

Là địa phương có nhiều thế mạnh về nuôi biển, song năm 2023, diện tích nuôi biển của Quảng Ninh mới đạt 10.200ha. (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Là địa phương có nhiều thế mạnh về nuôi biển, song năm 2023, diện tích nuôi biển của Quảng Ninh mới đạt 10.200ha. (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

2 năm “chạy nước rút”

Tại Hội thảo "Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp" diễn ra tại Bình Định hồi đầu năm 2023, ông Trần Công Khôi, khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm: cá biển, nhuyễn thể, giáp xác, rong tảo biển. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Thủy sản cho biết, tổng diện tích NTTS năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Hội nghị không đưa ra con số diện tích nuôi biển đến thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, số liệu công bố năm 2022 cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2021, nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể về quy mô, diện tích và sản lượng liên tục tăng qua các năm. Năm 2010, diện tích nuôi biển chỉ đạt 38.880ha, sản lượng đạt 156.681 tấn, đến năm 2021, diện tích nuôi đã tăng lên đạt 84.959ha (trong đó chưa tính 202.000ha nuôi cua xen ghép) và 8.942.493m3 lồng nuôi, tổng sản lượng đạt 700.000 tấn.

Theo Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành theo Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1664), mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu (XK) 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch XK đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Như vậy, nếu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha vào cuối năm 2023 như đại diện Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) nói hồi đầu năm thì trong 2 năm 2024 - 2025, mỗi năm phải tăng thêm gần 100.000ha nuôi biển mới đạt được mục mục tiêu của Đề án 1664. Đây chắc chắn là mục tiêu rất thách thức, chưa nói đến sản lượng hay giá trị XK mà Đề án 1664 đã đưa ra.

Đâu là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ?

Thông tin tại họp báo giới thiệu “Hội nghị phát triển bền vững (PTBV) nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” hôm 26/3 vừa qua, ông Phạm Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phát triển nuôi biển tại nước ta hiện cũng đang gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những vấn đề về: Cơ chế chính sách; Khoa học công nghệ; Liên kết sản xuất; Nguồn lực đầu tư; Cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững.

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) Nguyễn Hữu Dũng cho rằng doanh nghiệp (DN) nuôi biển hiện đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn chính là đến thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho DN và ngư dân quản lý. “Đây là rào cản lớn, khiến cho DN khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý. Nhiều DN đã phải đối mặt với khó khăn kéo dài nhiều năm…” - ông Dũng cho hay.

Cũng theo Chủ tịch VSA, đơn vị đã tiếp nhận hàng chục khuyến nghị, đề xuất từ DN với mong muốn giải quyết những trở ngại này. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các Bộ, ngành về chính sách nuôi biển.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển. Bộ NN&PTNT cũng chưa có chương trình khuyến ngư cho người dân ven biển tiếp cận công nghệ cao. Thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển cũng gây ra tình trạng không có đơn vị nào đăng ký cho trại nuôi biển. Mặt khác, thiếu bảo hiểm và rủi ro cao nên nhiều DN do dự, chưa dấn thân cho ngành nuôi biển bền vững…

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân thừa nhận, nuôi biển là một loại đầu tư mạo hiểm với rủi ro cao, nhưng hiện nay mới thí điểm bảo hiểm tôm và cá tra. “Về lâu dài, đây sẽ là nền tảng để Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để DN nuôi biển đăng ký các gói bảo hiểm phù hợp…” - Cục trưởng Luân khẳng định, đồng thời mong muốn VSA thực hiện ngay việc đóng góp, phối hợp phát triển các quy chuẩn và tiêu chuẩn về lồng bè nuôi, làm cơ sở cho việc thiết lập cơ chế và chính sách bảo hiểm phù hợp.

“Việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương…” - Chủ tịch VSA bày tỏ.

“Hội nghị PTBV nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” sẽ diễn ra trong 2 ngày 31/3 - 1/4 tại Quảng Ninh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sẽ chủ trì Hội nghị. Hội nghị được đánh giá là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam, khi dự kiến thu hút khoảng trên 350 đại biểu tham dự trực tiếp và nhiều đại biểu trong, ngoài nước dự trực tuyến…

Thanh Lan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thach-thuc-nuoi-trong-thuy-san-tren-bien-post507957.html