Thách thức tìm việc với lao động trung niên
Ra khỏi khu vực phỏng vấn của một doanh nghiệp, anh Trương Hoàng Hải (36 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) buồn bã chia sẻ, đây là lần thứ 4 anh bị từ chối bởi những lý do như không thích ứng được với nhịp độ công việc, không phù hợp với văn hóa công ty. Thậm chí có nơi còn chê anh Hải đã 'già'.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Phương (42 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, do công ty cũ làm ăn khó khăn bị giải thể nên chị đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Hơn 1 năm ngồi ở nhà, chị tham gia hầu hết các hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội và gửi đến cả trăm CV xin việc cho vị trí HR (nhân sự) nhưng không có đơn vị nào nhận. “Phần lớn các đơn vị tuyển dụng đều nói tôi lớn tuổi, thiếu hụt các kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ trong công việc nên không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng”, chị Phương cho hay. Người phụ nữ này cũng chia sẻ một thực tế đáng chú ý, trên nền tảng tuyển dụng nhân sự cho vị trí mà chị quan tâm, đa phần đều có mong muốn tuyển người tầm tuổi từ 25-35. Các vị trí trên 40 tuổi rất ít và đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ, có mạng lưới quan hệ rộng trong ngành và từng giữ chức vụ cao.
Thống kê của Bản tin thị trường lao động quý I/2025 của Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) cho thấy, từ dữ liệu của 18.000 lao động và 25.000 doanh nghiệp, người lao động 30-39 tuổi chiếm gần 43% tổng số người tìm việc, cao hơn hẳn nhóm 20-29 tuổi chiếm hơn 37%. Khảo sát mới nhất của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng chỉ ra, trong tháng 4/2025, người lao động tìm kiếm việc làm tại Hà Nội chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 35 trở lên, chiếm đến 45,82%, cao hơn so với các độ tuổi khác (từ 25-34 tuổi chiếm 43,73%; từ 15-24 tuổi chiếm 10,45%). Điều này cho thấy nhóm lao động trung niên đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Không dễ để những người lao động trên 35 tuổi có được việc làm phù hợp
Một số doanh nghiệp cho biết, vấn đề không nằm ở mức lương, bởi họ sẵn sàng trả lương cao nếu người lao động đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, tiêu chí tuyển dụng hiện nay đã thay đổi so với trước. Doanh nghiệp cần một bộ máy làm việc hiệu quả, do đó ngoài chuyên môn, ứng viên còn phải có kỹ năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ và giao tiếp. Đây lại là những điều thường thiếu hụt ở nhiều lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi.
Thực tế cho thấy, lực lượng lao động từ 35 tuổi trở lên đang gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới. Nhóm lao động này cũng càng dễ mất việc trong các ngành giản đơn, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, điện tử… Đáng chú ý, thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức cao tuổi sẽ rời khỏi khu vực công để tham gia thị trường lao động ngoài nhà nước, khiến sự cạnh tranh việc làm ở khu vực này dự báo sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, nhóm lao động này đang gặp sự cạnh tranh khá lớn với nhóm lao động trẻ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn. Bên cạnh đó, việc thiếu kỹ năng và không được đào tạo liên tục, do không có cơ hội, hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo kém hơn cũng là hạn chế của lao động trung niên khi tìm việc.
Bàn về vấn đề này, theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công (Viện khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động), nhóm lao động lớn tuổi dễ rơi vào bẫy việc làm trung niên khi công nghệ dần thay thế việc làm truyền thống, sự gia nhập của lao động trẻ.
Ông Toàn khuyến nghị, người lao động cần chủ động trang bị thêm kỹ năng công nghệ thông tin bên cạnh chuyên môn nghề nghiệp để nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, nên thường xuyên cập nhật thông tin thị trường lao động và vị trí việc làm phù hợp để định hướng nghề nghiệp một cách chủ động, linh hoạt.
Bên cạnh nỗ lực cá nhân, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng hiện nay vẫn thiếu các chính sách và chương trình hỗ trợ riêng cho nhóm lao động trung niên trong việc tìm kiếm việc làm và nâng cao kỹ năng. Các chính sách này cần tập trung vào đào tạo lại, hỗ trợ tiếp cận các ngành nghề mới và có cơ chế tài chính phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của họ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thach-thuc-tim-viec-voi-lao-dong-trung-nien-167031.html