Xuất ngoại làm kinh tế
Hết thời hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài, họ trở về mang theo câu chuyện về lao động, việc làm ở xứ người. Câu chuyện họ kể được mọi người quan tâm nhiều nhất là số tiền họ tích lũy được và sử dụng như thế nào?
Hiệu quả từ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trước khi xuất cảnh, người lao động được học tiếng và tìm hiểu về luật pháp, phong tục tập quán ở nước sẽ đến (ảnh chụp tại Công ty CP Hợp tác quốc tế Hashi Việt Nam tại Thái Nguyên).
Trong ngôi nhà mới còn nồng mùi vữa xi măng, ông Bàn Dùn Chòi, thôn Khuổi Luông, xã Ba Bể, kể: Nhà xây hết hơn 1 tỷ đồng. Toàn tiền của Bàn Dùn Minh, con trai tôi cùng vợ nó đang làm việc ở Đài Loan. Các cháu gửi về cho bố làm nhà. Sau này hết thời hạn lao động bên đó, các cháu trở về không phải lo làm nhà ở.
Có nhà mới, đồng nghĩa với việc “an cư lạc nghiệp”. Hơn nữa, được ở trong ngôi nhà không bị mưa dột, gió lùa, “người ta” sẽ cảm nhận được sự yên tâm, sức khỏe bảo đảm, tập trung cho công việc đồng áng hằng ngày và nuôi dạy con cháu.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sùng A Thàng, thôn Tà Han, xã Nam Cường, khoe: Nhờ tham gia lao động theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, gia đình tôi mới có tiền tích lũy làm nhà. Không riêng tôi, ở Tà Han này có gần 20 người lao động đang đi làm việc ở nước ngoài. Có người về lại đăng ký đi tiếp.
Vợ chồng Bàn Dùn Minh và Sùng A Thàng là 3 trường hợp trong tổng số hơn 20.000 người lao động (NLĐ) của tỉnh Thái Nguyên đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Riêng trong thời gian 2 năm gần đây trên toàn tỉnh có hơn 8.800 trường hợp NLĐ đủ điều kiện xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Trong đó năm 2023 có 5.100 người, năm 2024 có hơn 3.700 người. 6 tháng đầu năm 2025 có thêm hơn 1.000 người, chủ yếu đến thị trường lao động: Nhật Bản; Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Saudi Arabia… Khoảng 70% là lao động phổ thông, làm việc ở các lĩnh vực sản xuất - chế tạo; chăm sóc sức khỏe và các nghề nông nghiệp, xây dựng.
Ước tính bình quân 1 lao động có thu nhập 20 triệu đồng/tháng đã trừ các khoản chi phí, thì với số lượng 20.000 NLĐ thường xuyên làm việc ở nước ngoài sẽ gửi về cho gia đình ở Thái Nguyên với tổng số tiền 4.800 tỷ đồng/năm. Một nguồn tài chính không nhỏ đủ sức làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính vì thế, tỉnh coi việc đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp quan trọng trong tạo việc làm mới cho NLĐ.
Tuy có một số hạn chế về rào cản ngôn ngữ, nhưng NLĐ Việt Nam, trong đó có người Thái Nguyên, được thị trường lao động ngoài nước đánh giá cao về năng lực, phẩm chất, cần kiệm, không ngại gian khổ và có thái độ sống cởi mở. Đây là một trong những lý do thị trường lao động tại nhiều nước trên thế giới luôn mở cửa chào đón NLĐ và thực tập sinh Thái Nguyên đến làm việc, học tập.
Để đáp ứng thị trường lao động ngoài nước, trong những năm qua các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo, đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tích cực đổi mới, tập trung đào tạo ngành nghề thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động. Chủ động tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề.
Anh Nguyễn Văn Tuyến, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Linh Sơn, từng 2 lần đến Đài Loan làm việc. Mỗi lần đi 3 năm, khi trở về anh có trong tay một khoản tiền vốn nhất định, một phần dành làm nhà ở, phần đầu tư mua sắm máy nông cụ phục vụ sản xuất.
Anh Tuyến chia sẻ: Xác định ra nước ngoài là để làm kinh tế, nên hầu hết NLĐ Việt Nam đều cần cù lao động, tiết kiệm, chấp hành nghiêm luật pháp nước bạn để ngày trở về có lưng vốn cải thiện kinh tế gia đình.

Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến, tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Linh Sơn, được xây dựng từ tiền tích lũy đi làm việc ở nước ngoài.
Tham gia thị trường lao động ngoài nước, bản thân NLĐ cũng đã ý thức được việc tự rèn luyện nâng cao tay nghề, giúp bản thân dễ dàng hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm để đạt được thu nhập tốt hơn. Với các đơn vị tham gia đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng cũng luôn chú trọng tư vấn, định hướng cho NLĐ lựa chọn, đăng kí vào các thị trường lao động bảo đảm an toàn, công việc phù hợp và mang lại số tiền công ổn định.
Trước khi làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài làm việc, các doanh nghiệp đã tổ chức cho NLĐ tham gia khóa học giáo dục định hướng; cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng. Qua đó, NLĐ được trang bị những kiến thức cơ bản về truyền thống bản sắc văn hóa, pháp luật nước tiếp nhận. Vì thế, hầu hết NLĐ Thái Nguyên không bị bỡ ngỡ, nhanh chóng bắt nhịp ngay với yêu cầu công việc và có tiền lương gửi về cho gia đình sau 1 tháng xuất cảnh.
Chia sẻ với cúng tôi, Thạc sĩ Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), cho biết: Để NLĐ tham gia thị trường lao động ngoài nước an toàn, Trung tâm chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan, đặc biệt với NLĐ có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Nhờ đó, NLĐ nâng cao được nhận thức, có hiểu biết đầy đủ hơn khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài.
Ông Triệu Văn Tài, thôn Pác Phai, xã Chợ Rã, kể: Kinh tế gia đình trước đây khó khăn, phải đi vay mượn mới có đủ kinh phí cho con trai, con dâu đi Đài Loan làm việc. Hiện 2 đứa mới xuất cảnh sang Đài Loan làm việc lần thứ 2, với mức thu nhập 20 triệu đồng/người đã trừ chi phí. 2 đứa cộng lại được 40 triệu đồng/tháng gửi về cho ông bà nuôi 2 cháu. Không chỉ trả hết nợ, tôi còn có đủ tiền nuôi các cháu ăn học và xây được ngôi nhà ở khang trang.
Nhiều người đã chủ động tham gia thị trường lao động ngoài nước và đạt được kết quả như mong muốn. Anh Dương Quý Ngọc ở xã Dân Tiến là một minh chứng. Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Chăn nuôi (Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên), anh làm việc cho một số công ty trong tỉnh nhưng thu nhập không như mong muốn. Trong lúc còn băn khoăn, anh được nhân viên Công ty CP Hợp tác quốc tế Hashi Việt Nam tại Thái Nguyên tư vấn tham gia Chương trình kỹ sư chất lượng cao làm việc tại Nhật Bản. Năm 2023 anh đủ các điều kiện và được xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc, với mức lương 50 triệu đồng/tháng.
Hầu hết NLĐ sau xuất cảnh ra nước ngoài làm việc trở về đều có cuộc sống ổn định, sung túc hơn so với trước đó. Tuy nhiên, chủ trương chung của tỉnh trong đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng không đơn thuần là giảm nghèo, mà đích hướng tới là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. NLĐ đi để học hỏi, thu thập thông tin, tích lũy kinh nghiệm và tạo vốn khởi nghiệp khi trở về.
Và những người trở về đã kể cho người thân câu chuyện mình làm việc ở nước ngoài với tác phong công nghiệp; tinh thần trách nhiệm cao; nỗ lực từng giờ để tạo lập cuộc sống tốt hơn trên chính quê hương mình.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/xuat-ngoai-lam-kinh-te-52c11d5/