'Nhà tù mở': Mặt tối phía sau giấc mơ kinh tế của Ấn Độ
Giấc mơ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD được thúc đẩy bằng mồ hôi và nước mắt của hàng triệu lao động phi chính thức.

Phụ nữ làm việc trong một xưởng may.
Họ là những người bị bóc lột, cưỡng bức lao động và sống trong điều kiện tồi tệ, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nhà tù lao động
Anh Ravi Kumar Gupta, công nhân tại nhà máy thép ở khu công nghiệp Tarapur, bang Maharashtra, là một ví dụ điển hình. Mỗi ngày, giữa tiếng máy móc ồn ào, anh cung cấp phế liệu, điều chỉnh hóa chất, nhiên liệu và luồng khí để lò luyện thép vận hành.
Khi ca làm kết thúc lúc 4 giờ chiều, Ravi nghỉ chân ở quán trà ven đường, vẫn đội mũ bảo hộ nhưng đi đôi dép lê cũ kỹ, thứ không thể bảo vệ anh khỏi kim loại nóng chảy. Mắt anh đỏ ngầu vì kiệt sức, áo quần lấm lem dầu mỡ.
Ravi rời quê nhà ở Uttar Pradesh cách đây 4 năm. Hiện, anh kiếm được khoảng 175 USD mỗi tháng, thấp hơn thu nhập bình quân đầu người tại Ấn Độ và thường nhận trễ. Tiền lương bị khấu trừ 11 - 17 USD cho “phí trung gian” và thêm 7 USD cho suất ăn nghèo nàn ở căng tin.
Khi được hỏi sao không nghỉ việc, Ravi chỉ nói: “Tôi còn có thể làm gì khác?”.
Câu trả lời ấy phản ánh hiện thực cay đắng của hàng triệu lao động Ấn Độ. Gia đình Ravi gồm vợ, 2 con gái đang đi học, mẹ làm nông và cha già đau yếu đều sống nhờ vào 100 USD anh gửi về mỗi tháng. Nghề nông, kế sinh nhai truyền thống đã biến mất vì biến đổi khí hậu.
Dù Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt nhưng đằng sau đó là những “nhà tù lao động” vô hình, nơi người nghèo phải đánh đổi cả sức khỏe, nhân phẩm để góp phần vào giấc mơ kinh tế của quốc gia. Từ một nông dân thất nghiệp, Ravi trở thành công nhân thép tại khu công nghiệp Tarapur và là một trong hàng triệu người rời làng quê để tìm kế sinh nhai trong cơn xoáy chuyển dịch lao động ở Ấn Độ.
Anh là một bánh răng nhỏ trong cỗ máy mang tên “giấc mơ 5 nghìn tỷ USD”. Đây là mục tiêu mà Thủ tướng Narendra Modi đặt ra khi cam kết biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Nhưng đằng sau những con số và khẩu hiệu là một thực tế u ám. Hàng trăm nghìn công nhân như Ravi đang bị bóc lột sức lao động, giữ lương, làm việc không nghỉ và không hợp đồng, những dấu hiệu điển hình của lao động cưỡng bức, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Đạo luật Nhà máy Ấn Độ năm 1948 quy định rõ về quyền nghỉ phép có lương sau 240 ngày làm việc. Nhưng với Ravi và hàng ngàn công nhân khác, mọi ngày nghỉ, kể cả do ốm đau, đều không được trả lương. Dù Ấn Độ đã công nhận Chủ nhật là ngày nghỉ từ năm 1890, Ravi vẫn phải làm việc 30 ngày mỗi tháng, không có lựa chọn nào khác.
Nhiều nhà máy không cấp phiếu lương, khiến công nhân không thể biết chính xác mức thu nhập và các khoản bị khấu trừ. Trong khi đó, nếu vắng mặt 3 - 4 ngày liên tiếp, thẻ ra vào sẽ bị hủy. Khi trở lại làm, họ bị coi là “nhân viên mới”, mất hết quyền lợi liên quan như tiền thưởng hay quỹ dự phòng.
Không ít người buộc phải chấp nhận điều kiện tái tuyển dụng bất công này, chỉ vì chưa nhận được khoản lương còn nợ từ công ty hoặc qua trung gian. Nghỉ việc đồng nghĩa với mất trắng số tiền đã đổ mồ hôi kiếm được.
Ravi cho biết, anh chưa từng ký bất kỳ hợp đồng nào, cũng không ai thông báo rõ ràng về quyền lợi hay vai trò công việc. Thực trạng này phổ biến trong các khu công nghiệp, nơi lao động di cư chiếm tỷ lệ cao.
Một nghiên cứu công bố năm 2025 trên Tạp chí Đánh giá Pháp lý Ấn Độ chỉ ra, hợp đồng mập mờ hoặc không tồn tại, cùng tình trạng trừ lương vô lý và lao động cưỡng bức, ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo, lao động di cư, phụ nữ và những người có trình độ thấp. Đây là nhóm ít có khả năng tiếp cận hỗ trợ pháp lý.
Nhiệt độ quanh lò luyện thép nơi Ravi làm việc thường vượt 50 độ C, nhưng anh và đồng nghiệp không được cấp kính bảo hộ hay bất kỳ thiết bị an toàn nào. “Người trung gian cũng như chủ nhà máy đều không cung cấp cho chúng tôi ngay cả những thứ tối thiểu để bảo vệ bản thân”, anh nói.
Giấc mơ kinh tế của quốc gia đang được xây dựng bằng chính sự mòn mỏi, cạn kiệt của tầng lớp công nhân dễ bị tổn thương nhất. Và họ, như Ravi, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục gắn bó với “nhà tù lao động” ấy chỉ để sống sót.

Người lao động không được trang bị đủ đồ bảo hộ.
“Không có lựa chọn”
Câu chuyện của Ravi không riêng biệt. Tại thị trấn cảng Kakinada, ven vịnh Bengal, chị Sumitha Salomi, 47 tuổi, cũng đang sống trong cảnh tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn. Là công nhân lột vỏ tôm cho một nhà máy xuất khẩu sang Mỹ, chị kiếm được chưa tới 5 USD mỗi ngày. Không hợp đồng, không bảo hiểm, không quyền lợi. Tiền lương trả bằng tiền mặt, không có phiếu lương.
Găng tay và mũ bảo hộ mà chị được phát không phải để bảo vệ người lao động, mà để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cho lô hàng xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD. Dù biết quyền lợi bị xâm phạm, Sumitha không dám lên tiếng. “Có việc làm là đủ. Nếu bị đuổi thì sao?”.
Ở một nhà máy khác tại cảng Krishnapatnam, cách đó 500km, Minnu Samay, 23 tuổi, dần quen với nhịp sống của một công nhân thủy sản nhập cư. Cô chỉ được rời khỏi nhà máy một lần mỗi tuần, trong 3 giờ ngắn ngủi, để mua đồ thiết yếu ở làng Muthukur gần đó.
“Tôi rời quê năm 19 tuổi vì nhà quá nghèo”, Minnu kể. Gia đình cô lâm vào cảnh nợ nần sau khi cưới gả 2 chị gái. Khi gặp một người môi giới ở thị trấn, cô chấp nhận lời đề nghị công việc dù không biết rõ điều kiện hay điểm đến.
Minnu kiếm được khoảng 110 USD mỗi tháng, đổi lại là những ngày làm việc dài, không có hợp đồng, không có quyền lợi và tự do bị kiểm soát. “Chúng tôi biết mình đang bị bóc lột. Nhưng cũng như nhiều người khác, chúng tôi chỉ biết điều chỉnh và tiếp tục”, cô nói.
Đối với hàng triệu lao động như Minnu, Sumitha hay Ravi, quyền được lựa chọn công việc tử tế dường như là một điều xa xỉ trong khi họ đang gánh vác giấc mơ tăng trưởng 5 nghìn tỷ USD của cả một quốc gia.

Lao động Ấn Độ làm việc trong một nhà máy thép.
Sống trong vùng xám pháp lý
Theo các chuyên gia, hàng triệu công nhân ở Ấn Độ đang mắc kẹt trong “vùng xám” chỉ khu vực lao động không hợp đồng, không bảo vệ pháp lý, không có tiếng nói. Dù chính phủ tuyên bố đã đăng ký 307 triệu lao động phi chính thức, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Trong 470 triệu lao động trên toàn quốc, chỉ khoảng 80 triệu thuộc khu vực có tổ chức.
90% người lao động ở Ấn Độ làm việc trong khu vực phi chính thức, thường là lao động không đảm bảo, dễ bị bóc lột và trong nhiều trường hợp là lao động cưỡng bức.
Ấn Độ đã phê chuẩn Công ước ILO về lao động cưỡng bức từ năm 1954, nhưng đến nay, vẫn là quốc gia có số người sống trong chế độ “nô lệ hiện đại” cao nhất thế giới, theo tổ chức Walk Free. Ước tính, số người lao động bị bóc lột là hơn 11 triệu người.
Từ năm 2016 đến 2021, Chính phủ Ấn Độ chỉ giải cứu được 12 nghìn lao động cưỡng bức, dù từng cam kết giải phóng hơn 18 triệu người trước năm 2030.
Ngành dệt may, xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, cũng là một điểm nóng. Tại Tamil Nadu, Thivya Rakini, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Dệt may, cho biết trong hầu hết các chuyến thăm nhà máy, bà đều thấy dấu hiệu lao động cưỡng bức từ đe dọa, bóc lột giờ làm, đến bạo lực thể chất.
Phụ nữ, chiếm tới 80% trong ngành, thường không có hợp đồng, lương thấp hơn nam giới, và đối mặt với quấy rối, phân biệt đối xử. Nhiều người là mẹ đơn thân, người di cư hoặc thuộc nhóm thiểu số, khiến họ càng dễ bị tổn thương.
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở các nhà máy. Một báo cáo năm 2025 từ tổ chức Transparentem cho thấy, lao động cưỡng bức và trẻ em cũng xuất hiện ở các trang trại bông, nơi trẻ em phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu mà không có thiết bị bảo hộ.

Công nhân chế biến tôm tại một nhà máy ở Ấn Độ.
Hệ thống dựa trên bóc lột
Lao động cưỡng bức không phải là tai nạn. Đó là kết quả của một hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi các thương hiệu lớn đẩy giá xuống thấp, ép tiến độ gắt gao nhưng không cam kết đảm bảo quyền lao động. Những người như Sumitha, Minnu, hay hàng triệu công nhân khác, dù biết mình bị bóc lột, vẫn phải im lặng vì nghèo đói, gánh nặng gia đình và không có lựa chọn nào khác.
Đằng sau những sản phẩm giá rẻ xuất khẩu ra toàn cầu là cuộc sống không lối thoát của hàng triệu người không được thấy, được nghe và được bảo vệ.
Từ năm 2019 đến 2020, Chính phủ Ấn Độ hợp nhất 29 đạo luật lao động thành 4 bộ luật lớn, với mục tiêu giảm gánh nặng thủ tục và cải thiện phúc lợi cho người lao động. Dù số điều khoản tuân thủ giảm mạnh, các luật này vẫn chưa được thực thi toàn quốc.
Trong khi chính phủ khẳng định đây là bước cải cách cần thiết, các công đoàn cảnh báo rằng quyền của người lao động đang bị xói mòn; đặc biệt là quyền thành lập công đoàn, vốn giờ đây bị siết chặt hơn trước.
Ông Santosh Poonia, chuyên gia từ tổ chức lao động India Labour Line, bày tỏ lo ngại: “Khi không thể tổ chức công đoàn, người lao động buộc phải chấp nhận điều kiện làm việc bóc lột”.
Theo luật sư lao động Sanjay Ghose, vấn đề cốt lõi nằm ở việc thiếu thực thi pháp luật, trong khi cơ hội việc làm lại suy giảm. Ngay cả sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng như IIT cũng vật lộn để tìm việc, buộc phải chấp nhận bất kỳ công việc nào, dẫn đến nguy cơ bị bóc lột và lao động cưỡng bức.
Tình hình càng nghiêm trọng khi đầu tư tư nhân và FDI đều giảm. Cơ hội việc làm chủ yếu đến từ khu vực phi chính thức, nơi điều kiện lao động thiếu bảo hộ.
Poonia cảnh báo: “Tôi không thấy chính phủ có kế hoạch cụ thể để giải cứu 18 triệu lao động bị ràng buộc. Ngược lại, tình hình sẽ còn xấu hơn nếu quyền con người tiếp tục bị hy sinh vì môi trường kinh doanh”.