Thách thức trong điều hành giá và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2025

Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ 'bình ổn' sang 'bứt phá', từ 'kiểm soát' sang 'kiến tạo động lực mới'. Việc dự báo đúng, hành động sớm và điều hành linh hoạt sẽ là chìa khóa để hóa giải những áp lực về giá, kiểm soát lạm phát, giúp giữ vững niềm tin và duy trì đà tăng trưởng hợp lý trong những tháng cuối năm 2025.

Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.

Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.

Ngày 9/7, Học viện Tài chính phối hợp Cục Quản lý Giá tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”.

Chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát nằm trong ngưỡng kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội

Theo các số liệu mới được Bộ Tài chính công bố, (CPI) trung bình 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015-2024 là 2,81%.

Phân tích về các nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng cao, Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, chỉ ra nhóm thực phẩm ăn uống tăng 3,69%, đóng góp 1,24 điểm phần trăm vào CPI. Giá thịt lợn tăng mạnh tới 12,75%, do chi phí chăn nuôi và thức ăn tăng cao. Nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng tăng 5,73%, đặc biệt giá điện tăng 5,51% sau 2 đợt điều chỉnh vào tháng 10/2024 và tháng 5/2025. Y tế và giáo dục tăng nhẹ (1,8%-2,1%), nhưng vẫn trong khung lộ trình đã công bố trước đó nên không tạo sốc giá.

 Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đồng chủ trì Hội thảo.

Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đồng chủ trì Hội thảo.

Đánh giá chung 6 tháng đầu năm, bà Vũ Hương Trà, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2025 ở Việt Nam, cơ bản giá cả thị trường diễn biến theo quy luật hằng năm, giá cả tăng vào tháng Tết do nhu cầu mua sắm của người dân tăng, sau đó hoạt động mua bán, giá cả dần trở lại bình thường sau Tết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức phù hợp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nguồn lực được tập trung đẩy mạnh để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Bàn về lạm phát 6 tháng đầu năm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính, cho rằng lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung.

 Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2025 chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế (tăng 18,07% do điều chỉnh giá từ ngày 17/10/2024) và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 5,73%). Các áp lực lên lạm phát từ tỷ giá được giá xăng dầu trung hòa.

Mặc dù giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Phát biểu tại Hội thảo, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý thấp hơn mức mục tiêu 4,5% rất nhiều. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như một năm trước.

 Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý.

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý.

Như vậy, có thể tin tưởng rằng các chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Tiểm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên điều hành giá những tháng cuối năm

Theo bà Vũ Hương Trà, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát vừa để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội được giao, đồng thời đảm bảo tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Tại phiên thảo luận, các khách mời tham dự cho rằng những tháng tiếp theo của năm 2025, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo không thuận lợi. Ở trong nước, việc cung tiền, tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới.

Tuy vậy, có điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan.

 Các khách mời thảo luận tại Hội nghị.

Các khách mời thảo luận tại Hội nghị.

Ông Phạm Minh Thụy, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Nghiên cứu Kinh tế Tài chính, Viện Kinh tế-Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2025 so với năm 2024 sẽ tăng ở mức từ 3,3% 3,9%.

Lý do chính là bởi giá bình quân các loại hàng hóa trên thị trường thế giới năm 2025 có thể sẽ giảm từ 4-7% so với năm 2024. Ở Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình đã định trước (giá điện, y tế, giáo dục, các hàng hóa gây tác động xấu tới môi trường).

Dự báo lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, cho rằng chỉ số này sẽ dao động từ 4,0-4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra. Một số chuyên gia dự báo thấp hơn mức 4%. Dù là kịch bản nào, thách thức trong điều hành giá và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm rất lớn.

Các khách mời tham dự Hội nghị cho rằng, nửa cuối năm 2025 còn tiểm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

QUỲNH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thach-thuc-trong-dieu-hanh-gia-va-kiem-soat-lam-phat-6-thang-cuoi-nam-2025-post892580.html