Thách thức trong giữ vững tiêu chí nông thôn mới ở miền núi

So với mặt bằng chung trong tỉnh, các xã ở miền núi gặp nhiều khó khăn, thử thách hơn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Chuyện sụt giảm tiêu chí là nỗi lo thường trực đối với chính quyền và người dân địa phương, vì vậy rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng.

 Nguồn thu từ cây chuối giảm ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Long - Ảnh: T.Q.H

Nguồn thu từ cây chuối giảm ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Long - Ảnh: T.Q.H

Nỗi lo sụt giảm tiêu chí

Từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, lãnh đạo xã Tân Long, huyện Hướng Hóa luôn lo lắng, trăn trở về việc giữ chuẩn tiêu chí NTM. Toàn xã Tân Long có khoảng 1.136 hộ dân. Trong đó, gần 65% hộ sống nhờ vào cây chuối mật mốc. Trong điều kiện đất sản xuất có hạn, nhiều hộ dân đã phối hợp với người dân nước bạn Lào để trồng chuối trên đất Lào. Thế nhưng, sự hợp tác ấy gặp trở ngại khi COVID-19 xuất hiện.

Đến thời điểm chuối chín, người dân xã Tân Long không biết phải làm sao để sang thu hoạch vì vướng quy định phòng chống dịch. COVID-19 cũng khiến nhiều đơn hàng lớn trong và ngoài nước của người dân bị đứt quãng. Chính điều này khiến nguồn thu của người dân xã Tân Long sụt giảm, từ đó ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM của địa phương. Chủ tịch UBND xã Tân Long Võ Văn Cương cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giữ chuẩn NTM. Thế nhưng, năm vừa qua, xã vẫn bị sụt giảm tiêu chí thu nhập và tiêu chí quốc phòng, an ninh”.

Xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông chủ yếu người dân tộc thiểu số sinh sống nên địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM, trong đó, có những tiêu chí rất khó để đạt được ví dụ như thu nhập. Phấn đấu đạt chuẩn đã khó, giữ vững tiêu chí đạt được càng khó. Điển hình như năm 2021, địa phương này sụt giảm tiêu chí về văn hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sáu chia sẻ: “Đối với xã miền núi, việc xây dựng NTM càng lên cao thì càng khó, thậm chí có khi còn bị thụt lùi. Ngoài phát huy nội lực, chúng tôi rất cần sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân”.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2021, toàn tỉnh có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Hải Định (huyện Hải Lăng), Triệu Độ, Triệu Long (huyện Triệu Phong), Gio Việt, Trung Giang (huyện Gio Linh), Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh). Tính đến nay, tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh được nâng lên 63/101 xã. Số tiêu chí NTM bình quân của các xã trong tỉnh đạt được vào năm 2021 cao hơn so với năm trước. Bộ mặt NTM ở nhiều miền quê đang khởi sắc từng ngày. Cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc hơn. Trong khi nhiều xã đạt được những thành tựu trong xây dựng NTM, điều đáng trăn trở là vẫn còn nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với việc đạt chuẩn và giữ chuẩn.

Theo số liệu từ UBND tỉnh, trên địa bàn hiện có 4 xã đạt chuẩn NTM nhưng chưa giữ vững các tiêu chí gồm: Tân Long, Tân Liên, Tân Thành (huyện Hướng Hóa) và Hải Phú (huyện Hải Lăng). Tình trạng sụt giảm tiêu chí đã và đang là nỗi lo với nhiều địa phương, trong đó chủ yếu là các xã miền núi. Năm 2021, toàn tỉnh có 18 xã bị sụt giảm từ 1 đến 2 tiêu chí NTM so với cuối năm 2020.

Cần xây dựng nông thôn mới bền vững

Theo ghi nhận, 18 xã sụt giảm tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2021 đều nằm trên địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong đó, đáng chú ý là 3 xã của huyện Hướng Hóa sụt giảm tiêu chí sau khi đã đạt chuẩn NTM gồm: Tân Long, Tân Liên và Tân Thành. Cả 3 xã trên đều sụt giảm tiêu chí thu nhập do ảnh hưởng của COVID-19. Riêng xã Tân Long sụt giảm thêm tiêu chí về quốc phòng, an ninh do trong năm xảy ra nhiều vụ án ma túy. 15 xã sụt giảm tiêu chí NTM còn lại gồm: Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Tân, Húc, Thuận, Hướng Lộc, Thanh, Xy, A Dơi, Ba Tầng, Lìa (huyện Hướng Hóa) và A Ngo, Tà Long, Ba Lòng, Hướng Hiệp (huyện Đakrông). Các tiêu chí bị sụt giảm chủ yếu của 15 xã kể trên là: y tế, văn hóa, tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị, thông tin và truyền thông…

So với địa phương vùng đồng bằng, việc xây dựng NTM ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các xã gặp nhau ở điểm chung là có xuất phát điểm thấp. Nhận thức của người dân địa phương chưa cao. Nhiều xã có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra… Để đạt được tiêu chí xây dựng NTM, chính quyền và người dân các xã phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả không phải bao giờ cũng như mong muốn. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM và 16 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí. Các xã này tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Sau khi đạt tiêu chí xây dựng NTM, các xã, thị trấn miền núi lại phải bước ngay vào nhiệm vụ mới là dồn sức để giữ vững tiêu chí. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, các tiêu chí đạt được vẫn chưa bền vững. Trong khi đó, một số tiêu chí rất dễ sụt giảm do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Chủ tịch UBND xã Tà Long, huyện Đakrông Hồ Thị Thanh cho biết: “Hiện tại, xã Tà Long đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM. Mỗi tiêu chí đạt được là rất nhiều sự nỗ lực của cán bộ, người dân địa phương. Tuy nhiên, giữ vững tiêu chí cũng rất khó, bởi ranh giới của nó đôi khi chỉ là một trận bão lũ”, chị Thanh chia sẻ.

Với quyết tâm cao, nhiều xã trên địa bàn đã và đang dồn sức người, sức của để chinh phục các tiêu chí NTM chưa đạt. Trong khi đó, việc bồi đắp, giúp giữ vững, nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, việc thay đổi cách nghĩ, cách làm để tránh tình trạng sụt giảm tiêu chí xây dựng NTM là hết sức cần thiết đối với các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là xã miền núi. Cùng với đó, các địa phương vùng khó cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ có chiều sâu từ các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xây dựng NTM bền vững.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=165368&title=thach-thuc-trong-giu-vung-tieu-chi-nong-thon-moi-o-mien-nui