Thách thức trong 'năm bản lề'
Nước Mỹ vừa bước sang một năm mới nhiều ý nghĩa với kỳ bầu cử quan trọng vào cuối năm 2020. Dù là điểm sáng nổi bật trong năm vừa qua, song thành tựu về kinh tế Mỹ vẫn không thể khỏa lấp nỗi bất an từ tình trạng chia rẽ trên chính trường Mỹ và xáo trộn trong chính sách đối ngoại của Washington. Điều đó đang tiếp tục đặt ra không ít thách thức trong năm cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống D.Trump.
Bình luận quốc tế
Ba năm trước, ông D.Trump tiếp quản “ghế nóng” tại Nhà trắng với cam kết thay đổi bộ mặt nền chính trị và kinh tế “xứ cờ hoa”, bằng chính sách “nước Mỹ trước tiên”. Ngoài những quyết định và bước đi bất ngờ, không chỉ làm thay đổi nước Mỹ mà còn tác động tới nhiều khu vực trên thế giới, thì thành tựu khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận, nhờ đó những người ủng hộ đánh giá Tổng thống Trăm đã thực hiện đúng cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Năm 2020 là năm cuối và có ý nghĩa quyết định sự thành bại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống D.Trump, làm cơ sở cho những lá phiếu xác định ông có tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ thêm bốn năm nữa hay không. Năm 2020, ngoài nhiệm vụ giữ vững ổn định kinh tế, cũng như xử lý thách thức kép từ nỗ lực của phe Dân chủ đưa tổng thống ra luận tội tại Thượng viện và từ đòi hỏi gắt gao của chiến dịch tái tranh cử với khẩu hiệu mới là “giữ cho nước Mỹ vĩ đại”, Tổng thống Trăm tiếp tục đối diện vô vàn khó khăn trong lĩnh vực đối ngoại.
Nỗi phấp phỏng nhận “quà Giáng sinh” từ Triều Tiên theo nước Mỹ bước sang năm mới. Cuộc đàm phán hạt nhân chệch hướng, trì trệ suốt một năm qua. Nhà trắng theo sát những tín hiệu về vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân mới trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh hạn chót cuối năm 2019 đã qua mà Washington vẫn không có động thái nhượng bộ theo đòi hỏi của Bình Nhưỡng để khôi phục đàm phán. Xong, chính quyền Tổng thống D.Trump khẳng định cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở, bởi Washington hiểu rằng, thêm một vụ thử nghiệm nữa của Bình Nhưỡng, dù nhỏ, cũng có thể làm xói mòn nghiêm trọng tiến trình ngoại giao mà hai nước đã kỳ công khởi động từ năm 2018.
Một bước đột phá về ngoại giao hồi đầu tháng 12-2019 từng làm dấy lên hy vọng lớn, khi một học giả Mỹ bị giam giữ ba năm được Iran trả tự do, đổi lấy một nhà khoa học Iran bị Mỹ bắt giữ. Song kể từ đó, vẫn chưa có thêm bất kỳ dấu hiệu hòa dịu nào dẫn tới đối thoại giữa Washington và Tehran. Trong khi đó, bản thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đến gần nguy cơ phá sản, khi Mỹ ráo riết thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận mới, còn Iran rút dần các cam kết theo JCPOA như biện pháp gia tăng sức ép đòi các nước châu Âu hỗ trợ Tehran chống chọi các lệnh trừng phạt của Washington. Chính quyền Tổng thống Trăm tới đây tiếp tục “đau đầu” ứng phó các bước đi của Iran mà Mỹ coi như động thái gây bất ổn trong khu vực.
Cũng vào những ngày cuối năm 2019, hy vọng mới nhen lên sau khi có thông tin lực lượng Taliban chấp thuận ngừng bắn như một động thái đáp lại tấm thịnh tình của Mỹ trong nỗ lực đàm phán về thỏa thuận hòa bình Afghanistan. Song, các vụ bạo lực vẫn xảy ra trong ngày đầu năm mới một lần nữa phủ bóng lên triển vọng hòa bình, cũng như mục tiêu của Tổng thống D.Trump chấm dứt cuộc chiến dai dẳng 18 năm qua của Mỹ tại chiến trường Nam Á. Đàm phán với Taliban tiếp tục được Mỹ theo đuổi trong năm 2020, song bên cạnh các nội dung then chốt khó đạt thỏa thuận, chính quyền Tổng thống D.Trump còn đối mặt chỉ trích của dư luận trong nước về sự nhượng bộ thái quá của Nhà trắng và cả sự hoài nghi về triển vọng Taliban thật sự chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan.
Không chỉ các vấn đề an ninh, cạnh tranh chiến lược và tranh cãi thương mại với các đồng minh, đối tác sẽ tiếp tục tiêu tốn năng lượng của Washington trong năm 2020. Những nhiệm vụ ngay đầu năm là tổ chức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung Quốc và đưa USMCA, phiên bản nâng cấp của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vượt “cửa ải” Thượng viện Mỹ, nếu được hoàn tất, sẽ đem đến lợi thế lớn cho Tổng thống D.Trump. Song, con đường phía trước còn nhiều gian nan, khi Washington phải duy trì thương lượng với Bắc Kinh để có được một bản thỏa thuận toàn diện. Xoa dịu bất đồng với Nga và cải thiện mối quan hệ kiểu “ông chằng, bà chuộc” với các đồng minh truyền thống ở châu Âu và trong NATO tiếp tục chi phối chính sách đối ngoại của Nhà trắng tới đây...
Bối cảnh quốc tế mới, với những diễn biến mau lẹ và khôn lường, tạo ra những thách thức cho “xứ cờ hoa”. Song, một phần nguyên nhân xuất phát từ chính chủ trương “nước Mỹ trước tiên”, vốn đã tạo ra nhiều thay đổi bước ngoặt và gây tranh cãi cả ở trong và ngoài nước Mỹ.