Thách thức và khẳng định vị thế
Năm 2024 được dự đoán sẽ ghi nhận cuộc 'đối đầu' thú vị giữa hai khối G7 và BRICS khi những yếu tố kinh tế chính trị đang thay đổi nhanh chóng.
Vị trí lung lay
Italy chính thức đảm nhận chức Chủ tịch G7 (Diễn đàn 7 cường quốc có nền công nghiệp phát triển) từ ngày 1/1/2024. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu nhưng cũng đồng thời là nền kinh tế yếu nhất trong khối G7 sẽ phải chủ trì hoạt động của khối trong khoảng thời gian 1 năm tới. Sự yếu kém của nền kinh tế Italy cũng phản ánh tình trạng chung của G7 ở thời điểm hiện tại. Tổng kết năm 2023, ngoại trừ kinh tế Mỹ đang dần phục hồi với đà tăng trưởng dự kiến đạt 2,8% thì những nền kinh tế còn lại đều chỉ đạt mức phục hồi yếu ớt. Hai nền kinh tế của Canada và Nhật Bản thậm chí còn suy giảm. Điều này khiến cho sức mạnh chung của G7 suy giảm sau một giai đoạn bất ổn đầy khó khăn.
Tiếp quản “ghế nóng” từ Nhật Bản, Italy sẽ phải đối mặt một phép thử về năng lực dẫn dắt trong bối cảnh thế giới chao đảo bởi hàng loạt thách thức cũ và mới đan xen, như triển vọng phục hồi kinh tế bấp bênh, dịch bệnh, thảm họa khí hậu, các cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông... Phát biểu tại cuộc họp báo đầu năm, Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni nhấn mạnh, công nghệ AI sẽ là chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 6/2024 tới đây. Bà Meloni từng bày tỏ quan ngại về tác động của AI đối với thị trường lao động, cho thấy sự quan tâm của nước chủ tịch G7 đối với công nghệ mới nổi này bởi đây cũng đang là vấn đề lớn đối với nền kinh tế Italy khi thị trường lao động ngày càng thu hẹp.
Việc hỗ trợ phát triển cho châu Phi cũng sẽ là ưu tiên của G7 vì đây là nhân tố giúp ngăn chặn từ gốc rễ làn sóng di cư đến châu Âu. Theo Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex), từ tháng 1 đến 11/2023, có tới 355.300 người di cư trái phép đã đến Liên minh châu Âu (EU), tăng 17% so với mức cùng kỳ năm 2022 và là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016. Vấn đề di cư luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh châu Âu trong khoảng một thập niên qua, nhưng đến nay chưa thể giải quyết được do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia trong việc kiểm soát làn sóng di cư.
Trong khi đó, xung đột Israel-Hamas cũng phủ bóng lên chương trình nghị sự khi có thể dẫn đến việc đóng cửa Biển Đỏ gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế châu Âu và thế giới. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao G7 diễn ra tháng 11/2023 đã kêu gọi các bên ngừng bắn, thúc đẩy hoạt động nhân đạo, bảo vệ dân thường, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, G7 chưa đưa ra lập trường rõ ràng về cuộc xung đột, do các thành viên có mối quan tâm cũng như lợi ích kinh tế và chính trị khác nhau. Bài toán khó của G7 là phối hợp hành động để thực thi vai trò “dẫn đầu” thế giới như trong quá khứ trong khi nguồn lực nội tại thì đã yếu đi rất nhiều. Có thể thấy những hoạt động của G7 trong năm 2024 do Italy làm chủ tịch có xu hướng giải quyết những vấn đề của chính họ nhiều hơn là vấn đề toàn cầu.
Kẻ thách thức
Ngày 1/1/2024, năm nước Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ethiopia, Iran và Saudi Arabia chính thức trở thành thành viên của BRICS (Khối các nền kinh tế mới nổi). Hành động này ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển khi BRICS nâng tổng số thành viên lên 10 nước. Khác với G7 đang có xu hướng thu hẹp (loại Nga vào năm 2014 để từ G8 thành G7) thì BRICS lại đang có xu hướng mở rộng. BRICS đang ngày càng thu hút nhiều nước đang phát triển có cùng quan điểm như tôn trọng lợi ích của nhau, mong muốn thiết lập một trật tự quốc tế đa cực, cũng như một hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng…
Các nhà phân tích nhận định, việc BRICS kết nạp thêm các thành viên mở ra giai đoạn hợp tác mới, song những khác biệt giữa những thành viên cũ và mới có thể cản trở khả năng ra quyết định cũng như tiến trình phát triển của BRICS. Bởi vậy, việc hỗ trợ các thành viên mới hội nhập nhóm chính là một trong những nhiệm vụ đặt ra với Nga, nước Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có bài phát biểu nêu bật những định hướng hợp tác của BRICS trong năm 2024 này. Đưa ra chủ đề của nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì an ninh và phát triển toàn cầu công bằng”, Nga tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác then chốt là chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và nhân đạo.
Năm 2024, dưới sự dẫn dắt của Nga, BRICS được cho là sẽ tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại, tìm giải pháp ứng phó hiệu quả thách thức đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Nhiệm kỳ Chủ tịch của Nga đã được Tổng thống Putin nữa hẹn sẽ tập trung bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực, hợp tác về các vấn đề chống khủng bố, rửa tiền, an ninh thông tin và trí tuệ nhân tạo. Phi đô la hóa hoạt động thương mại nội khối cũng là hoạt động đang được thúc đẩy.
Với 10 thành viên, chiếm tới 42% dân số thế giới và 25% GDP toàn cầu, BRICS đóng vai trò ngày càng lớn trong hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, việc mở rộng BRICS “mang tính lịch sử, là khởi đầu mới cho đoàn kết và hợp tác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế, phục vụ lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”. Thống kê cho thấy, 5 thành viên cũ của nhóm BRICS đã ghi nhận mức tăng trưởng thương mại 56% từ năm 2017 đến 2022, đạt doanh thu trị giá khoảng 422 tỷ USD vào năm 2022. Xu hướng này vẫn còn tiếp tục và dự kiến bùng nổ năm 2024 khi có thêm những thành viên mới.
Cuộc đối đầu thú vị
Theo một báo cáo của Bloomberg, tờ báo tài chính hàng đầu của Mỹ, tỷ trọng của BRICS trong GDP toàn cầu tính theo PPP sẽ cao gấp hơn hai lần so với G7 vào năm 2040. Báo cáo chỉ ra rằng BRICS mở rộng đã lớn hơn G7. Năm 2022, khối này chiếm 36% nền kinh tế toàn cầu, so với 30% của nhóm các nền kinh tế G7. "Dự báo của chúng tôi cho thấy, lực lượng lao động ngày càng mở rộng và dư địa để bắt kịp công nghệ sẽ nâng tỷ trọng của BRICS+ lên 45% vào năm 2040, so với 21% của các nền kinh tế G7. Trên thực tế, BRICS+ và G7 sẽ hoán đổi vị trí cho nhau về quy mô trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2040", bài báo của Bloomberg cho biết.
Những con số không biết nói dối. Trong khi G7 đang có xu hướng co hẹp lại với những vấn đề của mình như cái cách Italy định hướng hoạt động của khối thì BRICS đang có xu hướng mở rộng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiềm năng tăng trưởng lớn hơn khiến cho BRICS cũng gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng hơn và xu hướng này không thể đảo ngược. Uy tín quốc tế, ảnh hưởng kinh tế chính trị của BRICS đã, đang và sẽ ngày càng lớn.
Trong khi nhấn mạnh những lợi thế của BRICS là quy mô, sự đa dạng và tham vọng của khối này, các chuyên gia cũng chỉ ra một số thách thức mà BRICS phải đối mặt, bao gồm suy thoái kinh tế, sự phát triển không đồng đều cũng như sự "miễn cưỡng" trong việc thúc đẩy một giải pháp thay thế đồng USD...
"BRICS sẽ thay đổi thế giới, nhưng có lẽ nguyên nhân là do tỷ trọng GDP ngày càng tăng, hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau của họ hơn là thông qua việc hiện thực hóa các kế hoạch lớn của các nhà hoạch định chính sách", bài báo nhấn mạnh. Điều này cho thấy BRICS trong tương lai gần vẫn chưa thể thay thế G7 để định hướng nền kinh tế thế giới và hai khối này vẫn đi theo những con đường khác nhau.
Dẫu vậy vẫn phải khẳng định, xu thế phát triển của BRICS hay những khối đa phương mới rộng rãi hơn như G20 là không thể tránh khỏi khi cán cân kinh tế đang dần thay đổi. Năm 2023, G20 đã kết nạp thêm Liên minh châu Phi (AU) gồm 20 nước làm thành viên thường trực. Hoạt động điều hành của những tổ chức như BRICS hay G20 được dẫn dắt bởi những quốc gia mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Indonesia,... giúp cân bằng ảnh hưởng toàn cầu với các nước giàu. Điều đó sẽ chỉ có lợi hơn cho các hoạt động đa phương và thúc đẩy phát triển trên khắp thế giới.