Thách thức và triển vọng với Trung Quốc khi thực hiện BRI

Để thực hiện khát vọng phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những năm qua, Trung Quốc đã đề xuất triển khai nhiều sáng kiến liên kết kinh tế và chính trị do nước này dẫn dắt nhằm giành ưu thế cạnh tranh chiến lược và gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Một trong số đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường, có quy mô kết nối lớn chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, sáng kiến này dường như đang gặp phải nhiều khó khăn khi triển khai…

Sáng kiến và mục tiêu vĩ đại

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ban đầu có tên gọi "Một vành đai, một con đường", Trung Quốc còn gọi là "Nhất đới, Nhất lộ", được đề cập lần đầu tiên vào tháng 9/2013 trong chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ý tưởng thành lập "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên đất liền" (SREB). Đến tháng 10/2013, phát biểu trước Quốc hội Indonesia, Trung Quốc đã bổ sung thêm nội hàm của sáng kiến khi đề cập đến việc thành lập "Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ XXI" (MSR).

BRI được Trung Quốc thực hiện nhằm mục tiêu thúc đẩy kết nối Trung Quốc với các nền kinh tế châu Á, châu Âu và châu Phi bằng trọng tâm xây dựng mạng lưới liên kết cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, đường ống (dẫn dầu, khí đốt), nhà máy năng lượng và được mở rộng kết nối trên 04 trụ cột khác bao gồm chính sách, thương mại đầu tư, tài chính và giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc với các nước có dự án BRI đi qua và giữa các nước thành viên với nhau. Đồng thời, nước này cũng không ngừng mở rộng nội hàm triển khai sáng kiến với việc bổ sung một số nội dung mới được coi là một phần của BRI bao gồm các chiến lược về xây dựng Con đường tơ lụa kỹ thuật số (2015), Con đường tơ lụa y tế (2020), Con đường tơ lụa trên băng…

Logo của Diễn đàn cấp cao BRI lần thứ 3 tổ chức tháng 10/2023.

Logo của Diễn đàn cấp cao BRI lần thứ 3 tổ chức tháng 10/2023.

BRI được coi là sáng kiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay, khi quy mô kết nối ban đầu tới 65 quốc gia với khoảng 4,5 tỉ người, chiếm khoảng 30% GDP và 75% tổng năng lượng dự trữ toàn cầu. Đồng thời, được truyền thông mô tả là "dự án thế kỉ" với thời gian thực hiện dài nhất trong lịch sử, dự kiến kéo dài 36 năm, bắt đầu từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2049, khi Trung Quốc kỉ niệm 100 năm lập nước. Với quy mô khổng lồ như vậy, nguồn vốn được Trung Quốc đầu tư vào sáng kiến ước tính khoảng 4.000-8.000 tỉ USD, với hàng nghìn dự án được đầu tư trải dài qua cả ba châu lục Á, Âu, Phi, bao gồm cả trên đất liền và trên biển.

Là một trong 4 trụ cột chính trong chính sách ngoại giao nước lớn của Trung Quốc, BRI được xem là một công cụ để Trung Quốc trực tiếp triển khai các hoạt động cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng và khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu. Nếu thực hiện thành công, BRI có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại khu vực và thế giới với việc hình thành được các hệ thống liên kết kinh tế mới, các định chế về kinh tế, thương mại, công nghệ kĩ thuật theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc thay thế cho các tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây vốn đã được thừa nhận rộng rãi, từ đó giúp nước này đảm bảo thực hiện thành công các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc liên quan vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia, an sinh xã hội và mục tiêu phục hưng "dân tộc Trung Hoa vĩ đại".

Theo các chuyên gia, tính đến tháng 10/2023, Trung Quốc đã ký kết hơn 200 văn bản hợp tác xây dựng BRI với 32 tổ chức quốc tế và 152 quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 41.000 tỉ USD và tổng các giá trị dự án đầu tư, xây dựng tại các nước thuộc BRI lên tới 1.000 tỉ USD.

Tuyến đường bộ trong khuôn khổ BRI đi qua rặng núi Karakorum (Pakistan).

Tuyến đường bộ trong khuôn khổ BRI đi qua rặng núi Karakorum (Pakistan).

Nhiều thách thức chờ đợi

Mặc dù đạt được một số thành tựu, song Trung Quốc đang phải đối mặt với một số khó khăn trong triển khai BRI.

Một là, Trung Quốc vấp phải chỉ trích và cạnh tranh mạnh mẽ từ một số nước lớn, nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhiều nước cho rằng các nguồn vốn đầu tư, cho vay vào dự án thuộc BRI thiếu minh bạch, cáo buộc Trung Quốc thực hiện ngoại giao bẫy nợ với các nước nghèo, kém phát triển. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng triển khai nhiều chính sách, sáng kiến tương tự như BRI của Trung Quốc để kiềm chế và duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc. Mỹ triển khai Sáng kiến Mạng lưới điểm xanh (do Mỹ, Nhật Bản, Úc công bố), Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu; Nhật Bản triển khai Sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á; EU triển khai chiến lược Liên kết Á - Âu, Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu…

Hai là, BRI đối mặt với khó khăn về tài chính. Theo thống kê, 26,8% các quốc gia dọc tuyến đường triển khai BRI có sự gia tăng rủi ro về tín dụng, điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án mà còn khiến Trung Quốc phải bỏ ra một số tiền khổng lồ để giải cứu, nhiều dự án có nguy cơ phải hủy bỏ, không thể thu hồi vốn đầu tư hoặc kéo dài tiến độ thực hiện dẫn đến đội vốn, làm gia tăng áp lực tài chính cho Trung Quốc và các nước tham gia.

Theo Chính phủ Trung Quốc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020 có 1/5 dự án thuộc BRI đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 30-40% dự án bị tác động một phần. Hiện nay, có khoảng gần 60% các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc là do các quốc gia gặp khó khăn về tài chính nắm giữ, trong khi con số này chỉ là 5% vào năm 2010. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, dư địa nặng nề từ đại dịch COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm, trao đổi thương mại giảm, Trung Quốc dường như đang phải đối mặt với nguy cơ giảm sút nguồn lực cấp vốn cho BRI.

Ba là, tính hiệu quả của BRI chưa được đánh giá rõ ràng do đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và thiếu trọng điểm. Trong quá trình triển khai BRI, Trung Quốc đã mở rộng quy mô hợp tác từ 65 quốc gia lên hơn 100 quốc gia, mở rộng nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế từ nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, năng lượng, thông tin, khoa học - kĩ thuật, văn hóa… khiến tính định hướng và giá trị thiếu sự rõ ràng.

Theo các chuyên gia đánh giá, BRI chủ yếu mới chỉ hiện diện dưới dạng các cơ chế đối thoại song phương và đa phương, thiếu hệ thống điều phối mang tính thể chế và các cơ chế giải quyết tranh chấp thực chất. Ngoài ra, quá trình xây dựng một hệ thống quy tắc hợp tác, liên kết chất lượng thống nhất cũng gặp nhiều thách thức do các nước thành viên tham gia có nhiều khác biệt về quan điểm, chế độ chính trị, vị trí địa lý, tài nguyên, hệ thống pháp luật, văn hóa, môi trường kinh doanh…

Hợp tác về thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch luôn là một trọng tâm của BRI.

Hợp tác về thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch luôn là một trọng tâm của BRI.

Triển vọng của BRI

Sau 10 năm triển khai, Trung Quốc đã nhận ra những khó khăn trong triển khai thực hiện BRI và đã đưa ra những thay đổi chiến lược và giải pháp điều chỉnh phù hợp trong triển khai các dự án thuộc BRI. Theo đó, trong tương lai BRI có thể sẽ bao gồm nhiều dự án phù hợp với xu hướng nhỏ nhưng đẹp, quy mô nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao.

BRI sẽ triển khai các dự án quy mô nhỏ hơn, chất lượng cao hơn nhằm khắc phục tình trạng phân tán, thiếu trọng điểm trước đây. Việc triển khai các loại dự án loại này sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt được gánh nặng tài chính, có điều kiện phân bổ nguồn lực tốt hơn, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các rủi ro đầu tư tài chính hơn so với các dự án quy mô lớn ở nước ngoài trước đây. Bên cạnh đó, các dự án thuộc BRI sẽ tập trung vào phát triển xanh, nhằm phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai và các cam kết của Trung Quốc về phát triển bền vững.

Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài và cam kết tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh, ít carbon, hướng trọng tâm đầu tư vào các dự án phát triển công nghệ cao, có chất lượng thuộc các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Sự chuyển đổi khác mà Trung Quốc cũng hướng tới trong triển khai BRI là chuyển đổi từ kết nối cơ sở hạ tầng cứng sang hạ tầng mềm với trọng tâm là phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và thương mại điện tử. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia đầu tư, thực hiện các dự án thuộc về BRI thay vì chỉ doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước như trước đây nhằm đa dạng hóa nguồn lực, công nghệ đầu tư, hạn chế rủi ro về rào cản thương mại và thuế quan do cạnh tranh từ các nước lớn khác.

Tuy nhiên, liệu BRI có thực sự thành công hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong tương lai, ngoài các khó khăn hiện tại, BRI dường như sẽ khó có thể mở rộng được quy mô tại khu vực châu Âu do hầu hết các quốc gia này đều là những nước phát triển, có nền tảng tiêu chuẩn khoa học, kinh tế, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, có lịch sử quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài với Mỹ và đồng minh… Đây sẽ là một thách thức lớn đòi hỏi Trung Quốc phải điều chỉnh chiến lược một cách căn cơ, phù hợp nếu muốn sáng kiến BRI phát triển ở quy mô toàn cầu và hoàn thành giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại.

Hà Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thach-thuc-va-trien-vong-voi-trung-quoc-khi-thuc-hien-bri-i734012/